Nhận thức và hành vi chuẩn bị cho tuổi già của lao động khu vực phi chính thức: Nghiên cứu điển hình tại Huyện Ứng Hòa, Hà Nội
ThS. Lương Ngọc Thúy
Viện Xã hội học
Tóm tắt
Bài viết nghiên cứu sự chuẩn bị cho tuổi già của lao động khu vực phi chính thức tại huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội. Thông qua khảo sát 150 bảng hỏi và 10 cuộc phỏng vấn sâu, nghiên cứu cho thấy, phần lớn người lao động nhận thức được tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho tuổi già, nhưng thường bắt đầu khá muộn (59,2 tuổi) do tính chất bấp bênh của công việc và thu nhập thấp. Các yếu tố chuẩn bị chính bao gồm: sức khỏe, tài chính và tinh thần; trong đó, sức khỏe được đánh giá cao nhất. Việc chuẩn bị tài chính bắt đầu sớm hơn, trung bình từ 40,2 tuổi, trong khi tinh thần lại được quan tâm muộn hơn. Nghiên cứu gợi ý rằng, việc lập kế hoạch sớm sẽ giúp người lao động duy trì cuộc sống độc lập và giảm gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội khi về già.
Từ khóa: nhận thức, hành vi, tuổi già, lao động phi chính thức
Summary
The paper examines the preparation for old age of informal sector workers in Ung Hoa District, Hanoi. Through a survey of 150 questionnaires and 10 in-depth interviews, the study shows that most workers are aware of the importance of preparing for old age, but often start quite late (59.2 years old) due to the precarious nature of work and low income. The main preparation factors include health, finance, and spirit; health is rated the highest. On average, financial preparation starts at 40.2 years old, while spirit is concerned later. The study suggests that early planning will help workers maintain an independent life and reduce the burden on the social security system when they get old.
Keywords: awareness, behavior, old age, informal workers
GIỚI THIỆU
Việt Nam có 33,6 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm 68,5% tổng số lao động có việc làm. Tiền lương bình quân của nhóm lao động phi chính thức chỉ bằng hơn một nửa so với lao động chính thức là 4,4 triệu đồng/tháng; gần một nửa (47,0%) số người lao động phi chính thức có mức thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất các nhóm nghề; và có đến 97,8% lao động phi chính thức không tham gia vào bất kỳ một loại hình bảo hiểm nào, chỉ có một tỷ lệ nhỏ (2,1%) người lao động phi chính thức cho biết họ có tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (Tổng cục Thống kê, 2022).
Lao động làm việc tại khu vực kinh tế phi chính thức hầu hết có trình độ chuyên môn thấp, làm các công việc thiếu bền vững, bấp bênh, ít được bảo vệ bởi pháp luật lao động vì không ký kết hợp đồng lao động. Do đó, hầu như họ không được hưởng các chế độ an sinh, phúc lợi xã hội và các điều kiện lao động an toàn như lao động chính thức. Khi lao động phi chính thức không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đang đặt ra những hệ lụy to lớn cho người lao động khi gặp rủi ro dẫn đến mất thu nhập, đặc biệt là cuộc sống khi về già không còn khả năng lao động, không được hưởng lương hưu, không được chi trả viện phí khi vào viện khiến đời sống họ đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. Điều đó cũng dẫn đến những thách thức lớn cho mỗi cá nhân cũng như cho hệ thống an sinh xã hội của quốc gia.
Trong bối cảnh các chính sách về an sinh xã hội ở nước ta vẫn chưa bao phủ lên số đông người lao động làm việc tại khu vực kinh tế phi chính thức, thì việc người lao động có nhận thức như thế nào cho tuổi già của mình, thực tế họ đã chuẩn bị như thế nào là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT
Tuổi già là một quy luật khách quan, bởi theo năm tháng, tuổi tác, sức khỏe của con người không cho phép họ tiếp tục tham gia vào guồng máy lao động. Và, ở độ tuổi này, đa phần sức khỏe của người lao động có sự giảm sút rõ rệt so với các giai đoạn trước. Khi sức khỏe ở giai đoạn tuổi già có vấn đề gì, thì khả năng hồi phục sẽ rất lâu và hạn chế do cơ thể đã lão hóa.
Sự chuẩn bị cho tuổi già là nỗ lực để đảm bảo các vấn đề cơ bản sẽ được kiểm soát ở một mức độ nào đó trong tương lai. Sự chuẩn bị này có thể diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống (Yeung, 2013). Mỗi một cá nhân chuẩn bị theo chiều cạnh nào và khi nào bắt đầu chuẩn bị phụ thuộc vào những kinh nghiệm, trải nghiệm cá nhân nhìn nhận, quan sát về tuổi già, sự phù hợp giữa mong đợi của cá nhân với một khuôn mẫu điển hình nào đó và những mục tiêu cá nhân đã đạt được cho cuộc sống sau này (Strett và Desai, 2011). Lập kế hoạch tài chính và sức khỏe là 2 yếu tố quan trọng để chuẩn bị tốt hơn và nâng cao sức khỏe ở người trung niên và người cao tuổi. Lập kế hoạch tài chính gắn liền với việc lập kế hoạch y tế, vì nếu không có đủ nguồn tài chính, các cá nhân có thể không hoàn thành được kế hoạch của mình về chăm sóc sức khỏe, chăm sóc dài hạn hoặc chăm sóc lúc cuối đời (Chen D và cộng sự, 2018).
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc và Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế nhấn mạnh, một trong những mối quan tâm hàng đầu của người cao tuổi trên toàn thế giới là đảm bảo thu nhập (UNFPA và HelpAge International, 2012). Đối với nhiều người cao tuổi, khả năng đối phó với tiền bạc và thu nhập cá nhân bị giảm sút là mối quan tâm hàng đầu. Tình hình tài chính có ảnh hưởng rất lớn đối với sự hài lòng hay sự bất an của họ. Đặc biệt những người làm việc trong khu vực phi chính thức, thì việc tích lũy tài sản hay tài chính cho tuổi già lại càng cần thiết và quan trọng. Khi người lao động phi chính thức phải đối mặt với nhiều thiệt thòi và bất lợi như: không được pháp luật lao động bảo vệ, không được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội… điều này khiến cho đối tượng lao động tự do dễ bị tổn thương trước những tác động bên ngoài.
Về khía cạnh tinh thần, các nghiên cứu về tâm lý học cũng cho thấy, sau khi không làm việc nữa người cao tuổi có những thay đổi quan trọng trong đời sống, điều này làm họ kém thích nghi và dẫn đến hội chứng “khủng hoảng tuổi nghỉ việc”. Đó là sự chuyển đổi từ trạng thái làm việc tích cực, khẩn trương hàng ngày sang trạng thái nghỉ ngơi, từ đó tâm lý có những biến động đáng kể dẫn đến nhiều người khó thích nghi với cuộc sống mới (Nguyễn Thị Tứ, Quang Thục Hảo, 2015).
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích dữ liệu định tính và định lượng, tiến hành khảo sát bằng bảng hỏi và phỏng vấn sâu vào tháng 6/2024 tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Mẫu khảo sát được chọn xác suất ngẫu nhiên. Khảo sát định lượng được tiến hành trên 150 cá nhân, 10 phỏng vấn sâu, người tham gia trả lời trong độ tuổi từ 49-59 tuổi đang có việc làm nhưng không có hợp đồng lao động và không có bảo hiểm xã hội bắt buộc.
QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ CHO TUỔI GIÀ CỦA LAO ĐỘNG KHU VỰC PHI CHÍNH THỨC TẠI HUYỆN ỨNG HOÀ, HÀ NỘI
Độ tuổi bắt đầu chuẩn bị cho tuổi già
Khi được hỏi “Anh/chị đã suy nghĩ về việc chuẩn bị cho tuổi già chưa”, phần lớn người được hỏi không phân biệt giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn đều trả lời “đã nghĩ đến chuẩn bị cho tuổi già”, họ cho rằng, sự chuẩn bị này là quan trọng và cần thiết. Với đặc thù công việc bấp bênh, thiếu bền vững thu nhập không cao nên họ cho rằng việc chuẩn bị này không chỉ cho tuổi già, mà còn để phòng chống các rủi ro như tai nạn, bệnh tật, dịch bệnh, thiên tai…
Hình 1: Độ tuổi bắt đầu chuẩn bị cho tuổi già |
|
Nguồn: Khảo sát của đề tài |
Theo Hình 1, độ tuổi trung bình để bắt đầu chuẩn bị cho tuổi già ở địa bàn khảo sát là 59,2 tuổi, một độ tuổi khá cao, do tính chất công việc bấp bênh cũng như thu nhập không ổn định, nên người dân không thể nghĩ đến việc chuẩn bị cho tuổi già sớm. Không có một công thức chung nào cho độ tuổi bắt đầu chuẩn bị cho tuổi già, sự chuẩn bị này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Sự khác biệt giữa nam và nữ
Có sự khác biệt giữa nam và nữ. Nam giới bắt đầu chuẩn bị cho tuổi già sớm hơn nữ giới (nam 58,7 tuổi, nữ 59,7 tuổi). Phụ nữ Việt Nam dường như vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những quan niệm xã hội cũ, khi thường hi sinh tất cả vì chồng vì con, lo cho chồng con trước rồi mới đến bản thân mình; và họ cũng ít có tích lũy cho riêng bản thân. Thực tế hiện nay, nhiều phụ nữ cao tuổi không có thu nhập hoặc có thì rất ít, hoặc nhiều người làm việc không có thu nhập như chăm sóc gia đình, làm việc nhà. Chính vì thế, phụ nữ cần lập kế hoạch tuổi già cho bản thân mình để có tích lũy sớm hơn.
Các yếu tố cần thiết cần chuẩn bị cho tuổi già
Sức khỏe là lựa chọn đầu tiên của người được phỏng vấn (99,3%), tiếp theo là tài chính (87,3%) và cuối cùng là tinh thần (84,7%) (Hình 2). Điều đó cho thấy, sức khỏe có tầm quan trọng đặc biệt trong sự chuẩn bị cho tuổi già của lao động khu vực phi chính thức, vì với người lao động, có sức khỏe, con người mới có sức lao động, tạo ra của cải nuôi sống bản thân và gia đình nên phải quan tâm. Phần lớn những người làm việc tại khu vực phi chính thức trong mẫu nghiên cứu phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày trong điều kiện không được thoải mái, thời gian làm việc dài gây mệt mỏi và ảnh hưởng đến sức khỏe. Chế độ nghỉ ngơi hạn chế, không có chế độ nghỉ cố định như những người làm việc tại khu vực chính thức càng gây ra nhiều áp lực cho sức khỏe của họ.
Hình 2: Các yếu tố quan trọng trong việc chuẩn bị cho tuổi già (%) |
|
Nguồn: Khảo sát của đề tài |
Độ tuổi trung bình người dân chuẩn bắt đầu chuẩn bị về sức khỏe là 49,6 tuổi, và không có chênh lệch đáng kể về độ tuổi chuẩn bị về sức khỏe giữa nam giới và nữ giới ở khu vực khảo sát. Độ tuổi trung bình nam giới chuẩn bị sức khỏe cho tuổi già là 49,5 tuổi,và ở nữ giới là 49,7 tuổi. Việc chuẩn bị về sức khỏe cho tuổi già thường được cả nhóm nam giới và nữ giới thực hiện sau khi họ đã lo xong cho con cái công việc ổn định và dựng vợ gả chồng.
Tài chính. Độ tuổi trung bình chuẩn bị cho tài chính của người dân được khảo sát là 40,2 tuổi, sớm hơn nhiều so với độ tuổi trung bình chuẩn bị cho tuổi già nói chung, và không có sự khác biệt nhiều giữa nam và nữ trong độ tuổi chuẩn bị tài chính. Theo quan niệm của những người được hỏi trong nghiên cứu, việc chuẩn bị tài chính sẽ giúp cho họ độc lập hơn và không phụ thuộc hoặc là gánh nặng cho con cái.
Tinh thần. So với tuổi trung bình chuẩn chuẩn bị cho sức khỏe và tài chính thì tuổi trung bình chuẩn bị cho tinh thần của người lao động cao hơn nhiều, với trung bình 58,8 tuổi. Có thể thấy, trong 3 yếu tố cần thiết chuẩn bị cho tuổi già thì tinh thần được người dân tại địa bàn khảo sát chuẩn bị muộn nhất. Do làm việc trong môi trường tự do không bị ràng buộc bởi các quy định, như độ tuổi nghỉ hưu của Nhà nước, hay như không có mối quan hệ gắn kết lâu dài với đồng nghiệp nên lao động khu vực phi chính thức dường như không bị hụt hẫng khi dừng hoặc nghỉ không làm việc nữa.
Hình 3: Độ tuổi chuẩn bị cho tinh thần |
|
Nguồn: Khảo sát của đề tài |
Có sự khác biệt giữa nam và nữ khi nữ giới chuẩn bị tinh thần cho tuổi già sớm hơn nam giới (59,3 tuổi và 60,3 tuổi) (Hình 3). Do khác biệt tâm lý giữa nam và nữ, khi nữ giới ở tuổi trung niên từ 40 đến 60 tuổi tâm lý có sự thay đổi, là bước qua một giai đoạn mới. Sự phân công lao động theo giới tính cả trong và ngoài công việc cũng là nguyên nhân dẫn đến những trải nghiệm khác nhau cho nam giới và nữ giới trong việc chuẩn bị tinh thần cho tuổi về già.
Hành vi chuẩn bị cho tuổi già của lao động khu vực phi chính thức
Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn người tham gia khảo sát đều đã có những hoạt động khác nhau để chuẩn bị cho tuổi già của mình.
Chuẩn bị tài chính. Có 3 hình thức chính chuẩn bị tài chính cho tuổi già được người tham gia phỏng vấn đề cập đến, trong đó chi tiêu tiết kiệm là hình thức được lựa chọn nhiều nhất (99,3%); tiếp theo là làm song song 2 công việc (33,3%); cuối cùng là các khoản đầu tư vào đất, chứng khoán, vàng (20,7%) (Hình 4).
Hình 4: Các hình thức chuẩn bị tài chính cho tuổi già |
|
Nguồn: Khảo sát của đề tài |
Có sự khác biệt giữa nam và nữ trong việc lựa chọn hình thức chi tiêu tiết kiệm, khi nữ lựa chọn hình thức này nhiều hơn 65,8% so với nam 61,3%. Vì là người lo toan, vun vén, chăm sóc cho gia đình, quản lý các khoản chi tiêu nên phụ nữ lựa chọn chi tiêu tiết kiệm nhiều hơn. Ngược lại, hình thức làm song song 2 công việc để tăng thu nhập, thì nam giới lựa chọn nhiều hơn nữ (22,6%; 19,8%), có lẽ do truyền thống nam giới làm chủ gia đình, trụ cột kinh tế, nên việc tạo nhiều thu nhập để lo cho gia đình là việc cần thiết. Không có sự khác biệt nhiều trong sự lựa chọn hình thức đầu tư (đất, vàng, chứng khoán) giữa nam và nữ. Tuy nhiên, hình thức này phần lớn được lựa chọn khi người dân có thu nhập từ khá trở lên.
Chuẩn bị sức khỏe. Trong các hình thức chuẩn bị cho sức khỏe thì mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nhân thọ được người dân tại địa bàn khảo sát chọn nhiều nhất (86,7%); thứ 2 là tập thể dục thường xuyên (84%); tiếp theo là quan tâm đến chế độ ăn uống (70,7%); thăm khám sức khỏe định kỳ (51,3%); cuối cùng là mua thuốc, thực phẩm chức năng bồi bổ (45,3%) (Hình 5). Không có sự khác biệt nhiều giữa nam và nữ trong việc lựa chọn các hình thức để chuẩn bị sức khỏe cho tuổi già. Điều đó cho thấy người dân địa bàn khảo sát đã quan tâm hơn đến sức khỏe cũng như những rủi ro dẫn đến mất thu nhập. Việc mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện… không chỉ giúp người lao động được hưởng chế độ lương hưu, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho đến khi hết tuổi lao động, mà còn giúp người lao động hưởng thêm các các chế độ khác.
Hình 5: Các hình thức chuẩn bị cho sức khỏe |
|
Nguồn: Khảo sát của đề tài |
Mặc dù, đối với người được phỏng vấn, có bảo hiểm y tế chi trả chỉ làm giảm một phần các chi phí có thể phải chi trả trong quá trình khám chữa bệnh khi về già. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần giảm bớt gánh nặng trong khám chữa bệnh của họ. Bởi theo người dân, khi đã về già thì các nguồn thu nhập có thể kiếm được sẽ giảm sút. Trong khi đó, bệnh tật lại có xu hướng gia tăng, đặc biệt là các bệnh mãn tính. Chính vì vậy, thẻ bảo hiểm y tế vẫn là một trong những thứ cần thiết, là cứu cánh trong quá trình thăm khám bệnh của người dân lúc về già.
Chuẩn bị tinh thần. Các hình thức mà người dân lựa chọn trong việc chuẩn bị tinh thần khi về già nhiều nhất là: chăm sóc gia đình (99,3%); đi du lịch (51,3%); có thêm bạn bè (47,3%); tham gia các hội nhóm địa phương (46%); cuối cùng là tham gia các lớp học (16,7%) (Hình 6). Có thể thấy sau một thời gian dài tập trung cho công việc, lo toan cho cuộc sống thì khi về già không còn làm việc nữa họ muốn thực hiện những dự định mà mình ấp ủ từ lâu, dành thời gian cho việc chăm sóc gia đình cũng như cho bản thân, như: đi du lịch, thêm bạn bè, tham gia các hội nhóm.
Hình 6: Các hình thức chuẩn bị cho tinh thần |
|
Nguồn: Khảo sát của đề tài |
Hình thức chăm sóc gia đình được nữ giới lựa chọn nhiều hơn so với nam giới, có lẽ do truyền thống phụ nữ luôn là người chăm lo gia đình, chăm sóc con cái đôi khi họ coi đó là niềm vui dù ở độ tuổi nào. Không có sự khác biệt nhiều giữa nam và nữ trong các hình thức chuẩn bị tinh thần khi về già khác.
KẾT LUẬN
Rõ ràng, không ai có thể tiên đoán chính xác tương lai, nhưng ai cũng có thể cân nhắc các xác suất và có sự chuẩn bị của riêng mình. Với thế hệ trước chỗ dựa của người già chủ yếu là gia đình, dòng họ, “trẻ cậy cha, già cậy con” cho nên chưa có nhiều sự chuẩn bị cho tuổi già. Qua kết quả khảo sát người dân làm trong khu vực phi chính thức tại huyện Ứng Hòa cho thấy, đa phần người dân ở mọi độ tuổi, giới tính, ngành nghề lao động đều cho rằng, việc chuẩn bị cho tuổi già là cần thiết, sự chuẩn bị này giúp họ chủ động cho cuộc sống độc lập khi về già điều đó cho thấy việc chuẩn bị cho tuổi già đã được quan tâm và chủ động hơn. Độ tuổi trung bình chuẩn bị cho tuổi già là 59,2 tuổi, phần lớn người dân tham gia phỏng vấn cho rằng, sức khỏe là yếu tố hàng đầu và quan trọng cho việc chuẩn bị tuổi già tiếp theo là tài chính và tinh thần. Tuy nhiên, độ tuổi trung bình chuẩn bị cho tài chính lại sớm hơn sức khỏe khá nhiều (40,2 tuổi; 49,6 tuổi), độ tuổi chuẩn bị cho tinh thần muộn nhất 58,8 tuổi.
Cùng với đó, người dân tại địa bàn khảo sát đã có những hiểu biết nhất định về các hình thức chuẩn bị cho tuổi già. Về sức khỏe có nhiều hình thức chuẩn bị, nhưng chủ yếu người dân lựa chọn mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nhân thọ, tiếp theo là tập thể dục thường xuyên và quan tâm đến chế độ ăn uống. Tương tự, về tài chính người dân lựa chọn chi tiêu tiết kiệm, làm song song hai công việc để đảm bảo cuộc sống độc lập khi về già. Đối với chuẩn bị về tinh thần thì hình thức chăm sóc gia đình được lựa chọn nhiều nhất, tiếp theo là đi du lịch, có thêm bạn bè…
Có thể thấy các cá nhân trong mẫu nghiên cứu đã có sự chuẩn bị đầy đủ nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống của họ khi về già. Tuổi già là tất yếu, nhưng có được tuổi già độc lập trên mọi khía cạnh chính là sự lựa chọn. Chính việc lập kế hoạch cho tuổi già tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống sau này giúp cho ta chủ động và độc lập hơn khi về già./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chen D, Petrie D, Tang K, Wu D., (2018), Retirement saving and mental health in China, Health Promotion International, 33(5), 801-811.
2. Nguyễn Thị Tứ, Quang Thục Hảo (2015), Các yếu tố liên quan đến khủng hoảng tuổi về hưu ở người cao tuổi tại TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 10.
3. Street, D., Desai, S. (2011), Planning for old age, In: Settersten, R.A. Angel, J.L. (Eds., 2011), Handbook of sociology of aging, Springer, New York, 379-397.
4. Tổng cục Thống kê (2022), Tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam, Nxb Thanh Niên.
5. UNFPA và HelpAge International (2012), Già hóa thế kỷ 21: Thành tựu và thách thức.
6. Yeung, D.Y. (2013), Is pre-retirement planning always good? An exploratory study of retirement adjustment among Hong Kong Chinese retirees, Aging & Mental Health, 17(3), 386-393.
*Bài viết là sản phẩm của Đề tài cấp cơ sở “Khảo sát nhận thức và hành vi chuẩn bị cho tuổi già của lao động khu vực phi chính thức: Nghiên cứu trường hợp Hà Nội” do Viện Xã hội học chủ trì và thực hiện năm 2024
Ngày nhận bài: 8/10/2024; Ngày phản biện: 21/10/2024; Ngày duyệt đăng: 31/10/2024 |
Bình luận