Giới thiệu Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 05 (565)
Viện Chiến lược phát triển là một tổ chức sự nghiệp khoa học cấp Quốc gia, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đâu tư, đến nay đã trải qua 50 năm xây dựng và phát triển. Viện là một trong những cơ quan hàng đầu cả nước trong việc tham mưu về chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương và cả nước. Để hiểu thêm về vai trò, những đóng góp, cũng như chặng đường phát triển của Viện Chiến lược phát triển, bài viết "Viện Chiến lược phát triển: 50 năm xây dựng và phát triển" của tác giả Bùi Tất Thắng sẽ đưa độc giả quay ngược lại chặng đường lịch sử của cơ quan này.
Mặc dù dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) đã có những bước tiến so với Luật cũ, tuy nhiên, nhiều nội dung sửa đổi thực sự chưa đạt được mục tiêu đề ra, thậm chí trái với pháp luật hiện hành. Tác giả Doãn Văn Tuấn sẽ đi sâu mổ sẻ những điều chưa được qua bài viết "Bốn vấn đề cần sửa đổi trong dự thảo Luật Ngân sách nhà nước".
Cũng trong quá trình soạn thảo, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, phâp cấp quản lý ngân sách là một vấn đề nổi cộm cần phải được tổng kết, phân tích, đánh giá trong bối cảnh mới. Luật sửa đổi phải làm sao vừa giúp phát huy tính chủ động của địa phương, vừa tăng cường tính giám sát của cơ quan trung ương. Về vấn đề này, tác giả Trần Việt thảo có bài viết "Bàn về phân cấp quản lý nhà nước" sẽ đi sâu mổ sẻ các bất cập hiện nay và đưa ra một số giải pháp.
Trong nhiều năm qua, các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia ở Việt Nam thường đề cao cấu trúc kinh tế theo thứ tự ưu tiên: công nghiệp, dịch vụ, cuối cùng là nông nghiệp. Liệu điều đó có hợp lý? Câu trả lời sẽ có dựa trên phân tích của nhóm tác giả Nguyễn Bích Lâm và Bùi Trinh qua bài "Vấn đề lớn của nền kinh tế thông qua mối quan hệ: Nhu cầu cuối cùng, sản xuất, giá trị gia tăng và nhập khẩu".
"Hướng đi nào cho các ngành kinh tế biển chủ lực trong cục diện mới", đó là tiêu đề bài viết của nhóm tác giả Phan Ngọc Mai Phương, Nguyễn Hoàng Hà và Hồ Công Hường. Bài viết đi sâu vào phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, các lợi thế, cơ hội cũng như các thách thức của Việt Nam. Từ đó đưa ra những giải pháp cho con đường thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đạt mục tiêu: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển...”
Năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong thời gian qua đã có những chuyển biến đáng ghi nhận, nhưng đánh giá một cách toàn diện, thì những chuyển biến về chất của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn hạn chế. Tác giả Lê Cẩm Ninh sẽ đưa ra một số giải pháp để giải quyết vấn đề này qua bài "Vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam".
Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về xuất khẩu nông sản, do điều kiện tự nhiên thuận lợi và chi phí lao động thấp. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản lại chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại. Điểm qua bức tranh thị trường nông sản Việt Nam, tác giả Phan Thu Trang sẽ cho bạn đọc thấy những điểm hạn chế, từ đó đưa ra hướng tháo gỡ qua bài viết "Tăng cường sự tham gia của hàng nông sản Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu".
Tạp chí số này còn có các bài viết về một số ngành, lĩnh vực của các địa phương: Hải Dương, Hải Phòng, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Bình Dương… và nhiều bài viết đem lại thông tin, kiến thức bổ ích trong các chuyên mục "Phổ biến kiến thức" và "Nhìn ra thế giới"./.
Bình luận