Giới thiệu Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 07 (567)
Không thể hoãn thực hiện Thông tư số 02/2013/TT-NHNN thêm lần nữa, nhưng trước sức ép vừa muốn tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng và doanh nghiệp, mặt khác phải làm sao cho hệ thống ngân hàng sớm đạt chuẩn theo thông lệ quốc tế, cuối cùng NHNN đã phải lùi một bước khi ban hành Thông tư số 09/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2013/TT-NHNN. Điều đó liệu có đạt được mục tiêu mong muốn hay lại khiến người dân thất vọng? Bài viết “Sửa đổi Thông tư 02: “Bước lùi” của Ngân hàng Nhà nước?” của tác giả Nguyễn Xuân Trường sẽ cùng đi sâu phân tích vấn đề này.
Mặc dù tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam được đánh giá là vẫn an toàn, nhưng cơ cấu nợ công vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro. Việc quản lý nợ công thế nào cho hiệu quả là một trong những vấn đề đang được giới nghiên cứu quan tâm. Tác giả Phạm Thị Thu Hằng sẽ đưa ra một số giải pháp về vấn đề này trong bài viết “Vấn đề quản lý nợ công hiện nay”.
Quy chuẩn Basel III đang được các nước phát triển xem xét áp dụng nhằm khắc phục những thiếu sót của Basel II trong việc giám sát hoạt động của hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang lần mò từng bước để có thể áp dụng Basel II theo đúng lộ trình vào năm 2018. Vậy, đâu là những giải pháp cần kíp hiện nay? Qua kinh nghiệm áp dụng của một số nước và phân tích thực tiễn của Việt Nam, tác giả Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã đưa ra một số kiến nghị qua bài “Giải pháp hỗ trợ các ngân hàng Việt Nam áp dụng Basel II”.
Nợ xấu tăng cao ở Việt Nam những năm gần đây đã làm kìm hãm và chậm lại quá trình luân chuyển vốn, từ đó tác động tiêu cực đến sản xuất và lưu thông hàng hóa. Thực tiễn ở nhiều quốc gia cho thấy, ngoại trừ những cú sốc bất ngờ, như: khủng hoảng kinh tế, thiên tai… thì nguyên nhân gây ra nợ xấu là tình trạng thông tin bất cân xứng đang ít được quan tâm nghiên cứu. Nguyên nhân này đối với nợ xấu của Việt Nam như thế nào sẽ được tác giả Phan Thị Hồng Thảo đề cập tới trong bài “Nợ xấu: Nhìn từ khía cạnh thông tin bất cân xứng”.
“Vì sao lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại Việt Nam sụt giảm?”, đó là bài viết của tác giả Phạm Đan Khánh với những phân tích nguyên nhân gây sụt giảm mạnh về lợi nhuận trong năm 2013 của nhiều ngân hàng. Qua đó, tác giả cũng cho bạn đọc thấy được bức tranh lợi nhuận năm 2014 sẽ như thế nào?
Thế chấp bằng hàng hoá để vay vốn là một kênh dẫn vốn tốt cho doanh nghiệp, song đối với các ngân hàng, cho vay thế chấp hàng hóa là sản phẩm kinh doanh đặc thù mang tính rủi ro cao. Nguyên nhân nào dẫn đến rủi ro đó và liệu có giải pháp nào khắc phục, tác giả Trần Thị Thắng và Nguyễn Kim Phượng sẽ có câu trả lời qua bài “Vấn đề cho vay thế chấp hàng hóa trong giải quyết nợ xấu”.
Tạp chí số này còn nhiều bài viết khác về chủ đề nguồn nhân lực, giáo dục... sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều thông tin, kiến thức hữu ích./.
Bình luận