Góp ý Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) - Nỗ lực đưa đời sống thực vào không gian mạng

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, Luật Giao dịch điện tử ra đời từ năm 2005, đã thể hiện vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đưa ứng dụng khoa học - công nghệ vào cải cách hành chính mạnh mẽ.

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)- đáp ứng yêu cầu phát triển của CMCN 4.0 và chuyển đổi số

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, Luật Giao dịch điện tử ra đời từ năm 2005, sau hơn 15 năm thực hiện, luật đã thể hiện vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đưa ứng dụng khoa học - công nghệ vào cải cách hành chính mạnh mẽ.

Đặc biệt, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, với sự phát triển mạnh mẽ của các giao dịch trên môi trường mạng, vai trò của Luật Giao dịch điện tử càng thể hiện rõ.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 tuy ra đời sớm, nhưng tính chất quy định theo hướng khung, nguyên tắc nên có tính ổn định cao. Theo đó, đã hơn 15 năm, nhưng vẫn khá tương thích với bối cảnh hiện nay.

"Tuy nhiên, bối cảnh đã có nhiều thay đổi, các giao dịch được thực hiện trên môi trường điện tử ngày càng nhiều, nên rất cần một khung khổ pháp lý phù hợp hơn. Đó là lý do Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được sửa đổi", ông Tuấn nêu vấn đề.

Đồng chủ trì hội thảo, ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, để xây dựng Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), từ đầu năm đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành xin ý kiến và phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức 6 hội thảo tham vấn các chuyên gia, các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp. Tính đến ngày 29/4, Ban soạn thảo đã nhận được 90 văn bản góp ý, cùng với hơn 850 ý kiến góp ý cụ thể cho dự thảo luật.

Hiện Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đang xây dựng có 8 chương, 60 điều. Các chính sách chủ yếu của dự thảo sau khi được tiếp thu ý kiến tập trung vào những nội dung, bao gồm: Quy định về mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử; quy định đảm bảo giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu (sửa đổi, chi tiết hóa cách xác định giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu); quy định bảo đảm giá trị pháp lý của chữ ký điện tử; quy định đảm bảo giá trị pháp lý của tài khoản giao dịch…

Ông Đường cho rằng, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc, đồng thời sửa đổi, bổ sung các nội dung mới phù hợp với các chuẩn mực chung của thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển của công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.

Dự thảo Luật nên bổ sung khái niệm “Dữ liệu mở”

Ông Phạm Đức Tiến, Giám đốc Marketing, Công ty cổ phần Phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES) đề xuất bổ sung khái niệm “Dữ liệu mở”, đồng thời phân loại rõ dữ liệu mở nói chung và dữ liệu mở của cơ quan nhà nước.

Ông cũng đề nghị bổ sung nội dung quy định về giấy phép sử dụng và quyền tương ứng cho dữ liệu mở để doanh nghiệp và người dân dễ dàng sử dụng, khai thác dữ liệu mở của cơ quan nhà nước và phát triển kinh tế số.

“Bổ sung thêm điều mới, quy định việc thúc đẩy dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, có lộ trình cấp phép và ban hành dữ liệu mở rõ ràng. Ví dụ như việc yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước đều phải lập danh mục và phân loại dữ liệu mở của cơ quan mình. Từ đó sẽ tạo ra được dữ liệu mở mang tính hệ thống, phân loại chặt chẽ theo từng lĩnh vực, ngành nghề kèm theo các quyền để sử dụng dữ liệu đó. Điều này sẽ giúp thúc đẩy dữ liệu mở phát triển và toàn dân có thể dễ dàng khai thác, ứng dụng dữ liệu mở vào phát triển kinh tế”, ông Tiến tiếp tục đề xuất.

Lý do của việc đề xuất ở trên, theo ông Tiến là bởi, dữ liệu số của cơ quan nhà nước nếu được cấp phép dưới dạng dữ liệu mở sẽ tạo ra giá trị lớn cho việc phát triển kinh tế.

Nói về lợi ích của dữ liệu mở, ông Tiến dẫn câu phát biểu của GS. Hồ Tú Bảo trong 1 bài phỏng vấn cuối năm 2018 trên Forbesvietnam, đó là: "Dữ liệu mở chính là động lực để các doanh nghiệp SMEs cũng như start-ups tham gia vào nền kinh tế số của Việt Nam”.

Ông Tiến cũng cho biết, việc cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ đã trở thành một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá Chính phủ điện tử của các quốc gia.

“Chính vì vậy, trong Luật Giao dịch điện tử của Việt Nam rất cần đề cập chi tiết về giấy phép, quy trình mở dữ liệu của cơ quan nhà nước”, ông nhấn mạnh.

Luật sư Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế BMVN lại nhấn mạnh về nội dung nền tảng số. Ông Hùng cho rằng, các dịch vụ như: internet, dịch vụ viễn thông, dịch vụ điện toán đám mây hay dịch vụ nền tảng số hiện đang được điều chỉnh bởi những luật có liên quan, như: Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Sở hữu trí tuệ, các nghị định về quản lý hoạt động Internet, thương mại điện tử…

“Vì vậy, việc quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ này một cách chung chung như trong dự thảo là không cần thiết và không có ý nghĩa trong việc quản lý hay thúc đẩy các giao dịch điện tử”, ông Hùng nêu nhận định.

Theo ông Hùng, những quy định này cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế, hay luật khung về giao dịch điện tử của các tổ chức quốc tế.

“Phần lớn Luật Giao dịch điện tử của các quốc gia trên thế giới chỉ tập trung vào quản lý tính pháp lý của các phương tiện hoặc yếu tố điện tử của các giao dịch như chữ ký số, chứng thư điện tử, hợp đồng điện tử… chứ không quản lý các dịch vụ số hoặc nền tảng liên quan”, ông dẫn chứng.

Trước thông tin Ban soạn thảo tiếp thu chỉnh lý theo hướng bỏ khái niệm “nền tảng số” vì cho rằng khái niệm này sẽ được quy định ở các luật khác, ông Hùng bày tỏ sự tiếc nuối.

Đồng tình với ông Hùng, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành Khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN phát biểu: “Việc bỏ khái niệm “nền tảng số”, tôi cũng tiếc nhưng mà nếu được định nghĩa như trong dự thảo 3 như hiện nay thì cũng chưa ổn. Tôi nghĩ cần phải có quy định, có thể không ở luật này thì phải cụ thể hóa trong luật khác để làm nền tảng gốc cho các luật khác”.

Cũng tại hội thảo, ông Vũ Tú Thành đề nghị, bỏ những quy định về nghĩa vụ của các chủ thể cung cấp dịch vụ như phải cung cấp dịch vụ 24/7, phải công khai các thuật toán, hay phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông về danh sách nhân viên tuân thủ.

Theo ông Thành, những quy định này có thể ảnh hưởng đến quyền hoạt động kinh doanh, quyền sở hữu trí tuệ, tính bảo mật và sự an toàn của hệ thống thông tin mà các chủ thể cung cấp dịch vụ sử dụng. Vì thế, ông quan ngại rằng, các quy định này có thể tạo ra những hạn chế và rủi ro cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động dịch vụ thúc đẩy giao dịch điện tử.

Đại diện của các doanh nghiệp cũng đề nghị, cần định nghĩa về giao dịch, ông Nguyễn Trọng Đường lý giải: "Chúng tôi cũng không định nghĩa giao dịch rất nhiều thứ, vì nếu đã định nghĩa giao dịch thì phải định nghĩa nhiều thứ khác, chúng tôi chỉ cố gắng đưa đời sống thực vào không gian mạng”.

Góp ý Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) - Nỗ lực đưa đời sống thực vào không gian mạng
Toàn cảnh Hội thảo

Trái chiều đề xuất công nhận chữ ký điện tử?

Cũng tại hội thảo, bà Trần Thị Lan Anh - Trưởng bộ phận pháp lý Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam cho biết, hiện tại lo lắng và vướng mắc của Công ty là chưa áp dụng được phương thức sử dụng chữ ký điện tử có giao kết với các đối tác nước ngoài. Trong khi đó, các hợp đồng với đối tác nước ngoài chiếm giá trị rất cao.

Thực ra, để áp dụng được chữ ký số, về cơ sở pháp lý, trong Luật Giao dịch điện tử cũng như các nghị định hướng dẫn đã khá rõ. Nhưng khi làm việc cụ thể với các cơ quan quản lý nhà nước như cơ quan thuế hoặc hải quan thì lại vướng mắc.

Ban Lan Anh cho biết, với Luật Giao dịch điện tử hiện hành và những nghị định hướng dẫn thì doanh nghiệp gặp khó khăn. Bởi, để có hiệu lực pháp lý và được các cơ quan hữu quan công nhận, thì chữ ký điện tử nước ngoài phải được chứng nhận tại Việt Nam. Cụ thể là doanh nghiệp phải nộp hồ sơ lên Bộ Thông tin và Truyền thông.

"Hiện việc giao kết hợp đồng giữa công ty chúng tôi với đối tác nước ngoài vẫn đang sử dụng chữ ký bằng mực sống. Tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã khá ổn định, nhưng phía Châu Âu vẫn đang phức tạp và họ muốn áp dụng chữ ký điện tử", bà Lan Anh nói.

Bà Lan Anh hy vọng, trong Luật Giao dịch điện tử sắp tới sẽ có nội dung quy định cụ thể về việc tự công nhận chữ ký nước ngoài. Bởi, với một hợp đồng với đối tác nước ngoài, hiện tại việc ký kết giữa 2 bên không yêu cầu một tổ chức nào chứng thực. Bên phía Việt Nam ký và phía đối tác ký, đóng dấu hay không đóng dấu, nhưng theo quy định của nước ngoài vẫn phù hợp và vẫn có giá trị pháp lý.

"Vậy nên chăng mình có cơ chế tự động công nhận chữ ký điện tử nước ngoài nếu nó đáp ứng được các điều kiện và đủ độ tin cậy. Nếu yêu cầu chứng thực hợp đồng đối với đối tác nước ngoài thì rất khó có thể áp dụng. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp có ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài khá quan tâm", bà Lan Anh kiến nghị.

Tương tự với đề xuất của Mercedes-Benz Việt Nam, đại diện Công ty Honda Việt Nam đặt câu hỏi: "Tại sao không chấp nhận cho hai công ty tự xác định tính hợp pháp của chứng thư số hoặc chữ ký số?”. Theo quan điểm của vị này, nếu như có vi phạm, thì các vấn đề liên quan như tranh chấp hợp đồng, thì vẫn là vấn đề của doanh nghiệp.

“Với cơ quan thuế hay hải quan, chỉ cần hàng hóa đáp ứng các yêu cầu về thủ tục thông quan hay chất lượng hàng hóa, mã hải quan... để thực hiện công tác thông quan", đại diện Honda Việt Nam nêu.

Theo đó, đại diện của Honda Việt Nam cho rằng, nếu như Bộ Thông tin và Truyền thông đưa nội dung này vào dự thảo Luật thì doanh nghiệp sẽ tự tin giao dịch với đối tác nước ngoài bằng chữ ký số điện tử. Ngược lại, sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong giao dịch với đối tác nước ngoài, nhất là trong bối cảnh đại dịch.

Phản hồi ý kiến của hai đại diện doanh nghiệp trên, đại diện Vụ Pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp) cho rằng, nên cân nhắc thận trọng việc tự động công nhận chữ ký nước ngoài.

“Không phải chữ ký nước ngoài nào cũng đảm bảo tính xác thực, tính toàn vẹn của hệ thống dữ liệu. Do đó, phải đạt điều kiện nhất định nào đó mới được công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử cũng như dữ liệu gắn liền với nó”, đại diện Bộ Tư pháp chỉ rõ.

Vị đại diện này cũng nhấn mạnh, vướng mắc của 2 doanh nghiệp phản ánh liên quan đến quan hệ hành chính, không phải là quan hệ dân sự.

“Hai doanh nghiệp ký với nhau, về nguyên tắc là quan hệ dân sự và các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về việc chấp nhận sử dụng chữ ký điện tử. Sau này nếu có phát sinh tranh chấp thì đưa ra tòa, hai bên có trách nhiệm chứng minh. Đây hoàn toàn là trách nhiệm dân sự và Nhà nước không can thiệp”, đại diện Bộ Tư pháp cho hay.

Tuy nhiên, khi vấn đề đưa ra ở cơ quan thuế hoặc hải quan, đây không phải là quan hệ dân sự mà là quan hệ hành chính. Bản thân hai cơ quan này có trách nhiệm với các cơ quan Nhà nước và lợi ích ở đây là lợi ích chung chứ không phải là lợi ích tư nhân của hai doanh nghiệp tham gia vào quan hệ đó.

Vì thế, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, cần có những quy định mang tính chất cụ thể và rõ ràng hơn để hướng dẫn cho các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam trong việc thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử nước ngoài phải đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể gì.

“Việc này Bộ Thông tin và Truyền thông có thể giải quyết được. Còn ý kiến đề xuất áp dụng nguyên tắc tự động thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử là không thích hợp”, đại diện Bộ Tư pháp nêu quan điểm.

Dự kiến, sau buổi hội thảo, các ý kiến đóng góp sẽ được VCCI tổng hợp và gửi các cơ quan liên quan. Theo kế hoạch, Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ được trình Chính phủ và đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới./.