Hạ tầng công nghệ thông tin của doanh nghiệp còn kém phát triển
Phát biểu tại hội thảo “Giải pháp hạ tầng công nghệ thông tin cho mô hình kinh doanh mới”, ngày 07/01/2016, TS. Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sự bùng nổ của công nghệ thông tin với các nền tảng công nghệ di động, điện toán đám mây… đã và đang hình thành nên xu thế kinh doanh mới.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, từ năm 2000, Chính phủ Việt Nam đã chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông, nhằm giúp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng có một hạ tầng công nghệ tốt để có thể bắt kịp những xu hướng kinh doanh mới trên thế giới.
Tuy nhiên, để kết nối được với hệ thông hạ tầng quốc gia, thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải có một hạ tầng công nghệ thông tin tương ứng. Song, điều này hiện các doanh nghiệp của Việt Nam chưa làm được.
Đồng quan điểm trên, TS. Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học doanh nghiệp cho biết, hiện nay, chỉ có các doanh nghiệp lớn, nhiều vốn mới đầu tư hạ tầng công nghệ riêng để đảm bảo sự chủ động trong điều hành, cũng như đảm bảo quy trình bảo mât thông tin. Còn lại, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin phổ biến, đó là: điện toán đám mây để lưu trữ dữ liệu.
TS. Lợi đưa ra lý do: “Việt Nam hiện đang có hơn 500 nghìn doanh nghiệp, nhưng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, việc đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin hay nguồn nhân lực công nghệ thông tin là điều quá xa xỉ đối với các doanh nghiệp này”.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Trường Thắng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam lại cho rằng, doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin là do nhận thức từ phía các cấp lãnh đạo doanh nghiệp.
“Đa số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của công nghệ thông tin đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nên việc đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin vẫn còn rất khiêm tốn”, ông Thắng nhấn mạnh.
Việc có một hạ tầng thông tin hiện đại, để nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và phù hợp với xu thế toàn cầu hóa là một yêu cầu cấp bách đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Nhận định về vấn đề này, TS. Lê Văn Lợi cho biết, hiện nay, Việt Nam đã và đang áp dụng Chính phủ điện tử, nhất là trong hai ngành: thuế và hải quan. Chính vì vậy, TS. Lợi cho rằng, doanh nghiệp phải chủ động cập nhật và ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng được Chính phủ điện tử. Ngoài ra, cần phải tự đổi mới mình để phù hợp với xu thế kinh doanh mới, đặc biệt là các cấp lãnh đạo.
“Lãnh đạo doanh nghiệp phải nhận thức được vai trò của công nghệ thông tin, bởi, chỉ có họ mới là những người đưa ra được những quyết định đổi mới”, TS. Lợi nhấn mạnh.
Cũng đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, ông Phạm Vĩnh Thái, Giám đốc Công nghệ, Tập đoàn Hewlett-Packard Enterprice (HPE) cho biết, đối với các doanh nghiệp ít vốn thì có thể số hóa, hội tụ hóa hệ thống cũ để mềm dẻo hơn, chạy kịp với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin.
“Mô hình này sẽ giúp doanh nghiệp truyền thống luôn bền dẻo như hình thức kinh doanh mới mà vẫn vững chắc như hình thức kinh doanh truyền thống. Có thể gọi đây là mô hình IT “lưỡng tính”, ông Thái cho biết.
Tuy nhiên, ông Thái cũng nhấn mạnh, với nền kinh tế toàn cầu hóa như hiện nay, thì việc ứng dụng công nghệ thông tin là hiển nhiên. Vì vậy, doanh nghiệp nên có tầm nhìn xa hơn trong việc đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin./.
Bình luận