Hậu Covid-19: Dự báo một làn sóng FDI mới sẽ dịch chuyển vào Việt Nam
Nhiều tín hiệu tích cực
Bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, trong 4 tháng đầu năm 2020, Việt Nam thu hút khoảng 12,33 tỷ USD vốn FDI, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019; giải ngân được 5,15 tỷ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thì vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tại Việt Nam vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ giai đoạn 2016-2018. Trong đó, vốn FDI trong tháng 4 đã tăng tới 81,4% so với tháng 3 và các tháng đầu năm. Đặc biệt, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần vẫn tăng 33% về số thương vụ giao dịch.
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ, thu hút dòng vốn FDI là một trong 5 "mũi giáp công" (cùng thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công, khuyến khích tiêu dùng nội địa) để phục hồi nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh các đối tác lớn đang có nhiều động thái thay đổi chiến lược đầu tư kinh doanh, phân tán rủi ro trong đầu tư.
Dù thu hút vốn FDI có dấu hiệu chững lại trong 4 tháng đầu năm nay, song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá, thời điểm hiện nay là cơ hội "vàng" để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về "sự tin cậy chiến lược", là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam.
Kết quả khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, có tới 65,8% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam làm ăn có lãi hoặc không lỗ; 63,9% có định hướng mở rộng sản xuất, kinh doanh trong 1 - 2 năm tới. Ngoài ra, với chi phí thuê đất, văn phòng, nhân công thấp cũng tạo nên sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng.
Ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện JETRO tại TP. Hồ Chí Minh - đánh giá, khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và có thể vượt qua đại dịch với tổn thất tối thiểu, khi đó dòng vốn FDI (bao gồm cả doanh nghiệp Nhật Bản) sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Việt Nam có thể là “vùng trũng” đón xu hướng dịch chuyển vốn FDI từ Trung Quốc
Xu hướng dịch chuyển vốn FDI ra khỏi Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, do tác động kép từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19 bùng phát ngày càng được thể hiện rõ và đang được đẩy nhanh.
Thực tế, từ năm 2019, nhiều tập đoàn công nghệ đã lên kế hoạch rời Trung Quốc để tránh bị tổn thương từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các công ty đa quốc gia như Samsung và LG đã đầu tư dây chuyển sản xuất mới tại Việt Nam thay vì Trung Quốc theo kế hoạch cũ.
Trong những tháng đầu năm 2020, Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 cũng đang tạo ấn tượng tốt đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Dự báo một làn sóng FDI sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam trong thời gian tới.
Theo tờ báo chuyên về kinh tế ChosunBiz của Tập đoàn truyền thông nổi tiếng Chosun (Hàn Quốc), quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong quá trình chống dịch đã sớm nhận được sự tin tưởng mạnh mẽ từ các nhà đầu tư toàn cầu. Công ty điện tử Samsung đã phải đồng loạt dừng hoạt động ở nhiều nhà máy của công ty trên toàn thế giới, nhưng vẫn có thể duy trì sản xuất ở Việt Nam.
Điều đáng lưu ý rằng, Việt Nam được xem là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong vài tháng qua đã khiến nhiều quốc gia nhận thấy sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, không chỉ tập trung tại Trung Quốc.
Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc bắt đầu được đẩy nhanh nhằm đa dạng hóa thị trường và hạn chế rủi ro. Wistron (đối tác sản xuất hàng cho Apple) dự định chuyển 50% công suất sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong vòng 1 năm.
Ngày 24/3, Inventec, đối tác lắp ráp AirPod chính của Apple cũng cho biết đang chuẩn bị xây dựng cơ sở ở Việt Nam.
Tờ Nikkei Asian Review nhận định, việc dịch chuyển khỏi Trung Quốc sẽ là xu hướng không thể đảo ngược sau dịch Covid-19. Các công ty công nghệ lớn của Mỹ sẽ cần dần tìm kiếm các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang trở thành những điểm đến yêu thích.
Các "ông lớn" như Google, Microsoft đang chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại, laptop từ Trung Quốc sang Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hãng trò chơi điện tử Nintendo cũng đã chuyển một phần hoạt động sản xuất máy chơi game Switch Lite sang Việt Nam...
Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch từ Trung Quốc
Vấn đề là làm thế nào để có thể tận dụng các cơ hội
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với doanh nghiệp mới đây, TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cũng là nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chắc chắn sẽ có một làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư.
“Tuy vậy, nếu Việt Nam "ngồi chờ" thì dòng vốn này chưa chắc đã đến, hoặc có thể có vốn đến với Việt Nam, nhưng lại là dòng vốn không chất lượng”, vị chuyên gia này nêu quan điểm.
Để có thể biến hiện thực hóa cơ hội, TS. Nguyễn Đình Cung, đề xuất Chính phủ có thể lập một tổ công tác đặc biệt để đàm phán, thu hút dòng vốn FDI dịch chuyển đầu tư sau dịch Covid-19.
“Nếu Chính phủ thấy việc đón dòng vốn FDI quan trọng, thì nên lập một tổ công tác đặc biệt, lấy thẩm quyền của Thủ tướng đi đàm phán với các tập đoàn, doanh nghiệp có ý định dịch chuyển dây chuyền sản xuất. Việc hành động như vậy sẽ giúp Việt Nam biết được các tập đoàn đa quốc gia đang như thế nào, họ cần gì. Lúc đó, Việt Nam cũng đặt ra những mục tiêu riêng thu hút vốn như thế nào, cần gì từ các nhà đầu tư”, TS. Nguyễn Đình Cung chỉ rõ.
Khẳng định cơ hội, lợi thế để Việt Nam đẩy mạnh thu hút FDI giai đoạn hậu dịch Covid-19 là rất lớn, GS. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng, để có thể hiện thực hóa những cơ hội đó, cần phải chú trọng mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn mặt bằng cho các nhà đầu tư.
Thứ hai, Việt Nam cần chuẩn bị nguồn nhân lực dồi dào, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng đủ nhu cầu của các nhà đầu tư.
"Thứ ba, chúng ta cần chuẩn bị các thông tin cơ bản về hạ tầng cơ sở, cấp điện, nước, thời gian vận chuyển hàng từ nhà máy ra các cảng, sân bay là bao nhiêu… để cung cấp kịp thời cho các đối tác khi họ muốn tìm hiểu, tránh việc nhà đầu tư phải “lọ mọ” tìm hiểu các thông tin trên sẽ khiến kéo dài quá trình xúc tiến đầu tư, thậm chí có thể làm nản lòng họ", GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Cuối cùng, các thủ tục hành chính cần phải được thực hiện một cách thuận tiện, nhanh chóng.
Còn ở góc độ cơ quan quản lý, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, khi những nỗ lực dập dịch của Chính phủ đạt kết quả, các giải pháp như: tạo thuận lợi thông quan hàng hóa, gia hạn giấy phép cho lao động nước ngoài, đồng thời xem xét, giải quyết các đề xuất xin giãn tiến độ thực hiện dự án do khó khăn dịch bệnh, kéo dài thời hạn nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới dự án đầu tư… có thể tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, một trong các điểm yếu của Việt Nam khi muốn thu hút các tập đoàn lớn là thiếu nguyên phụ liệu và công nghiệp phụ trợ chưa phát triển.
Ông nhấn mạnh công nghiệp hỗ trợ (bao gồm cả công nghiệp vật liệu) kém phát triển đang là một trong những điểm yếu lớn nhất của Việt Nam trong việc thu hút và giữ chân các dòng vốn FDI.
Vì thế, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã và đang đề xuất Chính phủ gấp rút quán triệt việc hoàn thiện và thực thi có hiệu quả các chính sách nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, sẽ có nhiều ưu đãi đặc biệt về tiền thuế, thuê đất, tín dụng, nhân lực…
Chính phủ sẽ ưu tiên công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... Ngoài ra, cần tăng cường kết nối giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước./.
Bình luận