Hoàn thiện cơ chế để chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về xử lý nợ xấu
"Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 đã tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như cơ chế quản lý, thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng của cơ quan quản lý nhà nước và biện pháp xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém nhằm đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống...", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, khi chủ trì Hội thảo trao đổi về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), do Ủy ban Kinh tế tổ chức hôm nay (ngày 21/3).
Tuy nhiên, cũng theo ông Thanh, quá trình thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật Các tổ chức tín dụng tiếp tục bộc lộ một số hạn chế, nên cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, nhằm hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn |
"Việc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng phải bám sát quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống; tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển mới. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo...", ông Thanh cho hay.
Tại Phiên họp của Ủy ban Pháp luật thẩm tra đề nghị bổ sung các dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 mới đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, từ đòi hỏi của thực tế, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023)…
Tăng tính minh bạch của ngân hàng trung ương
Tại hội thảo, góp ý cho dự thảo Luật, GS. Andrew Godwin, Cố vấn Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, mục tiêu của việc sửa đổi luật là nhằm định rõ quyền hạn để tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của các cơ quan quản lý, bao gồm cả ngân hàng trung ương, duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính, bảo vệ người gửi tiền trong phạm vi cơ chế bảo hiểm tiền gửi và ưu tiên người gửi tiền, giảm thiểu các rủi ro tài chính công.
Bà Katia D’Hulster, Điều phối viên trưởng Khu vực tài chính Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, WB, cho rằng, một hệ thống tài chính an toàn cần thỏa mãn những tiêu chí như: tính toàn cầu, tính linh hoạt, tính có thể đánh giá |
Bà Katia D’Hulster, Điều phối viên trưởng Khu vực tài chính Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, WB chia sẻ về những tiêu chuẩn quốc tế quan trọng trong giám sát, quản lý ngân hàng. Theo đó, hiện nay có nhiều tổ chức đang đề ra các tiêu chuẩn quốc tế quan trọng về giám sát và quản lý ngân hàng, như: WB, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO), Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng (BCBS)…
"Một hệ thống tài chính an toàn cần thỏa mãn những tiêu chí, tiêu chuẩn quan trọng như: tính toàn cầu, tính linh hoạt, tính có thể đánh giá, tính liên quan và then chốt, tính được chấp nhận rộng rãi. Để triển khai và đánh giá thực hiện các nguyên tắc dựa trên tiêu chuẩn quốc tế, cần hiểu rõ các tiêu chuẩn này và có sự ứng biến phù hợp với bối cảnh quốc gia…", bà Katia D’Hulster chia sẻ.
Ông Geof Mortlock, Chuyên gia giám sát cao cấp của WB cho rằng, các ngân hàng trong tình trạng căng thẳng tài chính cần có những kế hoạch kỹ lưỡng để khôi phục trạng thái ổn định tài chính. Các cơ quan giám sát cần có sự can thiệp sớm một cách hiệu quả để hỗ trợ các ngân hàng trong tình trạng căng thẳng tài chính.
"Nếu một ngân hàng không thể khôi phục tình trạng ổn định tài chính, ngân hàng đó cần được xử lý một cách kịp thời. Việc phục hồi và giải quyết này cần dựa trên các mục tiêu rõ ràng được đề ra trong luật, chủ yếu liên quan đến duy trì ổn định tài chính, bảo vệ người gửi tiền qua các cơ chế bảo hiểm tiền gửi, tránh hoặc giảm đến mức tối thiểu nhu cầu đối với sự hỗ trợ của chính phủ, duy trì kỷ luật thị trường mạnh mẽ với các ngân hàng…", ông Geof Mortlock nói./.
Bình luận