Hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh chưa đạt yêu cầu đề ra
Nhận diện những bất cập, tồn tại
Tại Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra, khi Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đề cập về vấn đề cải cách hành chính, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, báo cáo của Chính phủ cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong vấn đề này. Hơn 18% quy định đã được cắt giảm và đơn giản hóa, chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2023 tăng lên 13 bậc so với năm 2022. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh chưa đạt yêu cầu đề ra. Tỷ lệ hoàn thành việc phân cấp thủ tục hành chính theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đạt được 29,5%. Quá trình triển khai xây dựng, khai thác, ứng dụng, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thủ tục hành chính còn nhiều khó khăn.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương, hiện có 5 tỉnh, thành, trong đó có 4 thành phố trực thuộc Trung ương chưa thành lập trung tâm phục vụ hành chính công. Việc thực hiện thủ tục hành chính trong quá trình chuyển đổi số cũng gặp nhiều hạn chế, do cơ sở dữ liệu chưa liên thông, chưa đồng bộ |
Dẫn chứng và phân tích thêm, bà cho biết, Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VVCI) năm 2023 cho thấy, các vướng mắc về thủ tục hành chính, quy định kinh doanh của doanh nghiệp ít được phản ánh trong đề xuất cắt giảm của các bộ, ngành. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023, gần 73% doanh nghiệp cho biết phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023, do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục về đất đai, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ năm 2022 là 42,9 %.
Theo Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh), còn tình trạng ngần ngại ra các quyết định theo thẩm quyền, tình trạng đùn đẩy, trì hoãn phê duyệt các dự án, các loại giấy phép; tình trạng chậm trả lời các câu hỏi, chậm ban hành các hướng dẫn, chậm giải quyết những khiếu nại, ách tắc của người dân và doanh nghiệp. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến đầu tư công và đầu tư xã hội, đình đốn trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội… Hoan nghênh Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tuy nhiên đề nghị cần có những hướng dẫn cụ thể hơn, rõ ràng hơn thì cán bộ, công chức các cấp, các ngành mới yên tâm thực thi công vụ. |
“Thủ tục hành chính tuy được cắt giảm, nhưng một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Chất lượng của dịch vụ công trực tuyến hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế. Về kỹ thuật, cổng dịch vụ công cả cấp tỉnh và quốc gia còn hay bị lỗi; việc nộp, cập nhật, bổ sung và theo dõi tình trạng hồ sơ trực tuyến còn nhiều bất cập.”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu.
Bà cho biết thêm, về con người, còn xảy ra khá thường xuyên tình trạng cán bộ phụ trách không giải thích, hướng dẫn cho người dân khi hồ sơ bị sai và cán bộ trả lại hồ sơ với lý do không thỏa đáng. Về quy trình, thủ tục, còn chậm trễ trong quy trình tiếp nhận hồ sơ, người dân nộp hồ sơ trực tuyến nhưng lại được yêu cầu là bổ sung hồ sơ trực tiếp. Các tính năng để thực hiện dịch vụ công trực tuyến chưa được đảm bảo, quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử chưa tối ưu hóa cho người dùng, cổng dịch vụ công còn khó tiếp cận với người khiếm thị, đồng bào dân tộc thiểu số và người dân vùng nông thôn.
Hiện nay để có thể sử dụng được cổng dịch vụ công trực tuyến, người dân phải đáp ứng được 3 tiêu chí: có thiết bị thông minh, có internet và có khả năng, trình độ sử dụng. Bà Nga nhận thấy, riêng yếu tố thứ 3 đã tạo nên rào cản sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến với rất nhiều người dân, do giao diện của cổng dịch vụ công trực tuyến vừa khó sử dụng, vừa khó kết nối suôn sẻ.
“Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin qua thực tiễn đánh giá, cũng như qua phản ánh của người dân, doanh nghiệp vẫn còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc..”, Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Long An) nhìn nhận.
Đề xuất giải pháp tháo gỡ
Trước thực trạng trên, để khắc phục những bất cập, tồn tại trong quá trình cải cách hành chính, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm đẩy mạnh và cải cách thực chất hơn nữa, cắt giảm những thủ tục hành chính không cần thiết, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp Chính phủ đã đề ra trong báo cáo, cũng như kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội. Cùng với đó, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc đối với các bộ, ngành, địa phương không thực hiện đúng cải cách thủ tục hành chính.
“Muốn phát triển dịch vụ công trực tuyến, nhằm đảm bảo người dân thuận tiện, dễ dàng trong sử dụng, để không lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước, trong nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, cần bổ sung nhiệm vụ rà soát để cải thiện, nâng cấp các cổng dịch vụ công trực tuyến theo hướng thân thiện, dễ sử dụng với người dân; hạ tầng kết nối đồng bộ, thông suốt với Cổng dịch vụ công quốc gia.”, bà Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga đề xuất, cổng dịch vụ công trực tuyến cần được cải thiện, tăng tính thân thiện, dễ sử dụng giao diện và hoàn thiện chính sách |
Trong khi đó, bà Phan Thị Mỹ Dung kiến nghị Chính phủ thời gian tới tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn nữa trong giải quyết thủ tục hành chính; cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét các kiến nghị của VCCI. Đồng thời, phải hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật song song với thực hiện cải cách thủ tục hành chính.
Để đáp ứng yêu cầu phục vụ tốt nhất cho xây dựng Chính phủ số và chuyển đổi số, bà Dung đề nghị, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu này ở mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương phải xác định theo nguyên tắc đồng bộ, tích hợp và chia sẻ được với nhau…/.
Bình luận