Hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ được theo dõi, kiểm tra và đánh giá chặt chẽ
Với mục đích theo dõi, kiểm tra và đánh giá việc chấp hành quy định về quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài của các cấp, các ngành; Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về quản lý tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài; Bảo đảm quá trình đầu tư của dự án được tuân thủ theo các quy định của pháp luật, qua đó đảm bảo mục tiêu và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; Phát hiện những vấn đề bất hợp lý, các vi phạm trong việc tổ chức thực hiện để kịp thời chấn chỉnh hoặc kiến nghị việc điều chỉnh pháp luật, chính sách về đầu tư nước ngoài và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; Giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý vấn đề đã phát hiện; Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư.
Nội dung theo dõi dự án có vốn đầu tư nước ngoài như: tình hình thực hiện chế độ báo cáo của Nhà đầu tư; Tình hình thực hiện dự án đầu tư; khai thác, vận hành dự án; Tình hình thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản của các dự án đầu tư; Phản hồi và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; Theo dõi việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý của Nhà đầu tư; Báo cáo và đề xuất các phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài, các vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Nội dung kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài gồm: Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn theo thẩm quyền; việc thực hiện luật pháp, chính sách về đầu tư nước ngoài; Công tác xây dựng quy hoạch; Sự phù hợp của chính sách với điều kiện kinh tế - xã hội; Việc tuân thủ các quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển; Việc thực hiện các quy định của pháp luật về quyết định chủ trương đầu tư; việc cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo các quy định của pháp luật về đầu tư; Việc quy định ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án đầu tư; Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bàn giao đất; Việc thực hiện trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và đánh giá và hỗ trợ đầu tư sau khi cấp chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Việc thực hiện chức năng cơ quan đầu mối tổng hợp báo cáo về tình hình thực hiện các dự án đầu tư theo quy định; Việc xử lý các vướng mắc, khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài.
Nội dung kiểm tra tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài
1. Tiến độ góp vốn điều lệ, vốn đầu tư; tình hình góp vốn pháp định (đối với ngành có quy định vốn pháp định); tổng vốn đầu tư thực tế so với tổng vốn đầu tư đăng ký.
2. Tiến độ triển khai dự án; việc thực hiện các mục tiêu đầu tư của dự án; việc thực hiện và chuyển giao công nghệ theo cam kết của dự án (Nội dung công nghệ, hiệu quả chuyển giao công nghệ, việc lắp đặt máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư); việc thực hiện các cam kết và đáp ứng điều kiện đầu tư, đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư của nhà đầu tư khi dự án đi vào hoạt động.
3. Việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước (thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước...).
4. Việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động; thỏa ước lao động tập thể, xây dựng thang bảng lương; đăng ký nội quy lao động với cơ quan có thẩm quyền; việc thực hiện các chế độ, chính sách về hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm khác như: Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn,... đối với người lao động; việc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; việc thực hiện các quy định về xuất nhập cảnh, tạm trú, tạm vắng cho người lao động trong và ngoài nước.
5. Việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý ngoại hối.
6. Việc tuân thủ các quy định pháp luật về: đất đai, thuê đất, sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường.
7. Tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài:
8. Các nội dung khác liên quan tới triển khai thực hiện dự án đầu tư, gồm:
- Việc thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng, việc quản lý chất lượng xây dựng công trình; phòng cháy chữa cháy;
- Việc chấp hành quy định về giám sát, đánh giá đầu tư và về chế độ báo cáo, thống kê theo quy định;
- Các nội dung khác liên quan đến dự án đầu tư;
- Việc chấp hành biện pháp xử lý vấn đề đã phát hiện.
9. Đối với các dự án thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ngoài các nội dung được quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều này, nội dung kiểm tra còn bao gồm việc thực hiện các nội dung quy định tại văn bản quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
10. Tùy mục đích, yêu cầu của công tác kiểm tra và theo tính chất, đặc điểm của dự án có vốn đầu tư nước ngoài, nội dung kiểm tra có thể bao gồm toàn bộ hay một phần các nội dung quy định tại Điều này.
Có 3 hình thức kiểm tra gồm: kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất, kiểm tra chuyên ngành.
Về cách thức kiểm tra: Kiểm tra thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về Đầu tư nước ngoài; Kiểm tra thông qua báo cáo bằng văn bản; Kiểm tra thông qua sơ kết, tổng kết; Họp, giao ban; Kiểm tra thông qua làm việc với các cơ quan, đơn vị được kiểm tra; Tổ chức đoàn kiểm tra.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành. Quyết định số 1190/QĐ-BKH, ngày 19/9/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quy chế về công tác kiểm tra hoạt động đầu tư nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực./.
Bình luận