Học sinh bị ép học thêm, chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn
Tiếp tục phiên chất vấn trước Quốc hội, sáng nay (ngày 11/11), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về nhiều nội dung “nóng” trong ngành Giáo dục, theo Văn phòng Quốc hội.
“Dù Bộ đã nghiêm cấm việc dạy thêm trong mùa dịch, thực tế gần đây xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến. Học sinh bị ép học thêm. Cử tri bức xúc kiến nghị Bộ cần thanh tra việc dạy thêm, học thêm trực tuyến. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này?”, ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc dạy thêm, học thêm trong trạng thái bình thường đã không được. Khi học trực tuyến, học sinh đã căng thẳng, việc này càng cần nghiêm cấm. Bộ đã có văn bản quy định việc dạy và học trực tuyến, trong đó quy định rõ số giờ dạy trực tuyến cho học sinh. Nếu nhà trường dạy quá giờ, các sở giáo dục, địa phương cần thanh tra, kiểm tra. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ thanh tra làm rõ vấn đề này…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ thanh tra làm rõ việc dạy thêm, học thêm. Ảnh: QH |
Liên quan đến tình trạng học trực tiếp kéo dài, nhiều học sinh thiếu thiết bị học tập, ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang), chất vấn, nhiều học sinh thiếu thiết bị học tập, đề nghị Bộ trưởng cho biết việc học tập của những học sinh này sẽ như thế nào? Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến ra sao?
Ông Sơn cho biết, thực tế có 1,8 triệu học sinh hiện không có bất kỳ thiết bị nào để học trực tuyến. Nhiều gia đình có hai, ba anh chị em chỉ có một điện thoại để học. Trước khi quan tâm đến chất lượng, chúng ta cần quan tâm những học sinh không có thiết bị học tập, nên đang dần dần bỏ học, điều đó quan trọng nhất. Việc đánh giá hiệu quả dạy học trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ theo dõi các đơn vị thường xuyên, đồng thời tiếp tục tổ chức hỗ trợ thiết bị học tập…
“Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, phải rà soát để thực hiện theo đúng thông tư quy định, hướng dẫn của Bộ trong việc đảm bảo thời gian, nội dung chương trình giảng dạy. Một việc quan trọng nữa là phải tăng cường hỗ trợ về mặt tâm lý, tư vấn, sức khỏe để tránh sự căng thẳng của học sinh. Bộ đang chuẩn bị các văn bản hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ cho phù hợp với tình hình dạy học trực tuyến kéo dài…”, ông Sơn cho biết.
ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) chất vấn Bộ Giáo dục và Đạo tạo có giải pháp gì để khắc phục khó khăn trong trang bị kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên khi học trực tuyến kéo dài. Ảnh: QH |
Đề cập đến một hệ luỵ khác của học trực tuyến, ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) nêu vấn đề, yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo đòi hỏi chúng ta phải mạnh mẽ hơn nữa trong giáo dục, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, sinh viên, nhất là các kỹ năng mềm như: kỹ năng sống, kỹ năng phối hợp, kỹ năng giao tiếp… Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 mà nhiều thời điểm, nhiều nơi đã phải chuyển việc dạy và học sang hình thức trực tuyến, nên việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, sinh viên gặp nhiều khó khăn, thậm chí có biểu hiện xem nhẹ. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này như thế nào? Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này, nhất là trong tình huống dịch bệnh còn có thể phức tạp, kéo dài?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, đúng là dạy học trực tuyến trong thời gian qua ảnh hưởng đến việc trang bị các kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mà chỉ được hình thành thông qua các tương tác trực trực tiếp, trực quan và tiếp xúc. Ngành Giáo dục nhận thấy đây là một điểm mà dạy học trực tuyến chưa thể và khó có thể thay thế được cho dạy học trực tiếp. Thời gian tới, khi học sinh quay trở lại trường, một trong những việc cần đặc biệt phải tăng cường là trang bị các kỹ năng mềm. Đương nhiên, cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong việc hỗ trợ trang bị các kỹ năng này.
“Nếu dịch bệnh kéo dài và tiếp tục phải dạy học trực tuyến, thì việc đầu tiên cần phải củng cố, tăng cường là hạ tầng về công nghệ thông tin, trang thiết bị. Các bài giảng trên truyền hình sẽ cần phải được tiếp tục…”, ông Sơn cho hay./.
Bình luận