Hội đồng khoa học Viện Chiến lược phát triển nhiệm kỳ 2024-2027 gồm 13 thành viên
Chiều ngày 11/4, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị tổng kết Hội đồng khoa học viện nhiệm kỳ 2019-2022 và bầu Hội đồng khoa học Viện nhiệm kỳ 2024-2027.
TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng chủ trì Hội nghị tổng kết Hội đồng khoa học viện nhiệm kỳ 2019-2022 và bầu Hội đồng khoa học Viện nhiệm kỳ 2024-2027. Ảnh: Thu Trang |
Hoàn thành tốt các nhiệm vụ quan trọng được giao
Đánh giá chung về hoạt động của Hội đồng khoa học Viện thời gian qua, Viện trưởng TS. Trần Hồng Quang đánh giá, giai đoạn 2020-2022, trong điều kiện diễn ra đại dịch Covid-19, có giai đoạn phải thực hiện giãn cách xã hội, tập thể Viện Chiến lược phát triển nói chung, Hội đồng Khoa học Viện nói riêng đã nỗ lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ quan trọng được giao, đáp ứng yêu cầu đặt ra về tiến độ và chất lượng.
Cụ thể, báo cáo tổng kết hoạt động của Hội đồng cho biết, trong thời gian qua, Hội đồng có sự biến động lớn về nhân sự. Đến cuối tháng 3/2024, Hội đồng khoa học chỉ còn 8/12 thành viên tiếp tục tham gia các hoạt động của hội đồng.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, các hoạt động của Hội đồng đều bám sát nhiệm vụ công tác của Viện, tập trung vào: Xét duyệt tên đề tài và định hướng nghiên cứu cho các đề tài cấp Viện, Bộ và cấp Nhà nước (hằng năm); tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác chiến lược và quy hoạch (01 lượt); phối hợp với Đảng ủy Viện tổ chức sinh hoạt chuyên đề về các chủ đề gắn với chức năng, nhiệm vụ của Viện (thành viên Hội đồng Khoa học là báo cáo viên); biên soạn các ấn phẩm, công trình khoa học, đặc biệt các tài liệu nghiên cứu về chiến lược, quy hoạch và chính sách (nhiều, theo báo cáo hoạt động hằng năm của Viện); phối hợp tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế, đào tạo tiến sĩ, tư vấn lập quy hoạch...
Với sự tư vấn hiệu quả của Hội đồng, năm 2020, Viện hoàn thành nghiệm thu 6 đề tài khoa học cấp Bộ năm 2019, đồng thời triển khai nghiên cứu các đề tài năm 2020 với 7 đề tài cấp Bộ, 3 đề tài cấp Viện. Tuyển sinh với 6 nghiên cứu sinh trúng tuyển đào tạo tiến sĩ; làm thủ tục công nhận học vị và cấp bằng tiến sỹ cho 6 tiến sĩ. Tổ chức Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ ba (2020).
Năm 2021, hoàn thành nghiệm thu 7 đề tài khoa học cấp Bộ và 03 đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2020, đồng thời triển khai nghiên cứu các đề tài năm 2021 với 7 đề tài cấp Bộ. Tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho 3 nghiên cứu sinh; cấp bằng cho 1 nghiên cứu sinh đủ điều kiện. Cán bộ của Viện tiếp tục có nhiều bài viết, nghiên cứu, trao đổi in trên các tạp chí, báo, kỷ yếu hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế; xuất bản sách.
Năm 2022, hoàn thành nghiệm thu 7 đề tài khoa học cấp Bộ năm 2021, đồng thời triển khai nghiên cứu các đề tài năm 2022 với 05 đề tài cấp Bộ. Hoàn thành các sản phẩm nghiên cứu của đề tài cấp Nhà nước thuộc chương trình của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted). Tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp viện cho 05 nghiên cứu sinh; cấp bằng cho 6 nghiên cứu sinh đủ điều kiện.
Năm 2023 hoàn thành nghiệm thu 7 đề tài khoa học cấp Bộ năm 2022, đồng thời triển khai nghiên cứu các đề tài năm 2023 với 10 đề tài cấp Bộ; hoàn thành các sản phẩm nghiên cứu của đề tài cấp Nhà nước thuộc chương trình của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted). Cũng trong năm 2023, Viện đã tổ chức bảo vệ chuyên đề và tiểu luận tổng quan cho 3 nghiên cứu sinh; báo cáo khoa học tại tổ bộ môn cho 4 nghiên cứu sinh; bảo vệ luận án tiến sĩ cấp cơ sở cho 6 nghiên cứu sinh.
Những tháng đầu năm 2024, đã thông qua danh sách 12 đề tài khoa học cấp Bộ để gửi Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường để tuyển chọn, thực hiện; triển khai nghiên cứu 6 đề tài khoa học cấp Bộ, thời gian dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Tuy nhiên, Viện trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong hoạt động của Hội đồng. Đó là các hoạt động của Hội đồng còn chưa thường xuyên và không liên tục, chưa xây dựng được kế hoạch nghiên cứu khoa học của Viện hằng năm và cả nhiệm kỳ của Hội đồng Khoa học Viện. Việc tổ chức sinh hoạt khoa học toàn thể Viện để phổ biến thông tin, trao đổi học thuật chưa được tổ chức thường xuyên. Tinh thần tích cực chủ động nghiên cứu, nhất là nghiên cứu chuyên môn sâu của viên chức còn chưa đồng đều. Số viên chức có khả năng độc lập chủ trì thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, nhất là các nhiệm vụ quan trọng còn chưa nhiều. Một số mảng nghiên cứu của các đơn vị chưa được đầu tư, tập trung nghiên cứu bài bản, chưa đáp ứng được nhu cầu; hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ công tác nghiên cứu chưa được cập nhật thường xuyên.
Phó Viện trưởng Nguyễn Quốc Trường cho biết, trong năm nay, với việc kiện toàn Hội đồng Khoa học, hoạt động trao đổi khoa học của Viện sẽ được đẩy mạnh, vai trò của Hội đồng sẽ được nâng cao. Ảnh: Thu Trang |
Cần đổi mới phương pháp hoạt động đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ, bối cảnh mới
Cùng với việc góp ý cho báo cáo tổng kết nhiệm kỳ cũ, Hội nghị cũng đã bầu 12 thành viên Hội đồng khoa học Viện Chiến lược phát triển nhiệm kỳ 2024-2027, bằng hình thức bỏ phiếu kín. 12 thành viên đã được Hội nghị bầu với số phiếu tín nhiệm cao, cùng với Chủ tịch Hội đồng đương nhiên là Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Trần Hồng Quang. Như vậy, Hội đồng khoa học Viện nhiệm kỳ 2024-2027 gồm 13 thành viên, trong đó có Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo Đỗ Thị Phương Lan.
Hội nghị cũng đã nghe ý kiến đóng góp cho hoạt động của Hội đồng Viện trong nhiệm kỳ tới của Phó Viện trưởng Nguyễn Lệ Thủy, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Ban Quốc tế; TS. Nguyễn Văn Thuật, Trưởng Ban Chiến lược phát triển bền vững và Môi trường, ThS. Phạm Mạnh Thùy Trưởng ban Ban Chiến lược phát triển nhân lực và xã hội; ThS. Lê Anh Đức,Trưởng ban Ban Chiến lược phát triển vùng…
Các ý kiến đều nhấn mạnh về việc cần làm rõ hơn vai trò của Hội đồng trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện; tư vấn cho lãnh đạo Viện về mặt khoa học cho các hoạt động nghiên cứu; nhấn mạnh vai trò là cơ quan định hướng khoa học cho Viện, đặt hàng cho các nghiên cứu viên.
Hội đồng khoa học Viện nhiệm kỳ 2024-2027 ra mắt. Ảnh: Thu Trang |
Bên cạnh đó, Hội đồng cần đổi mới phương pháp hoạt động đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ, bối cảnh mới; cần sửa, bổ sung Quy chế hoạt động khoa học của Viện cho phù hợp hơn với thực tế hoạt động khoa học hiện nay của Viện; có yêu cầu rõ ràng hơn với các sản phẩm khoa học công nghệ của Viện; yêu cầu có sự giám sát, góp ý của Hội đồng khoa học Viện đối với một số sản phẩm nghiên cứu khoa học.
Phó Viện trưởng, TS. Nguyễn Quốc Trường tiếp thu các ý kiến đóng góp và cho biết, trong năm nay, với Hội đồng khoa học nhiệm kỳ mới, hoạt động trao đổi khoa học của Viện sẽ được đẩy mạnh, vai trò của Hội đồng sẽ được nâng cao.
TS. Nguyễn Quốc Trường cho biết, dự kiến, sau phiên họp đầu tiên của Hội đồng Khoa học, Viện sẽ tổ chức buổi trao đổi chuyên đề về triển vọng phát triển Blockchain và kinh tế số. Ngoài ra, Đảng ủy Viện sẽ phối hợp với Hội đồng Khoa học Viện tổ chức một số buổi sinh hoạt chuyên đề về kinh nghiệm xây dựng quy hoạch tỉnh, tình hình hợp tác kinh tế với Trung Quốc…/.
Bình luận