Lê Thị Thương, Vũ Hồng Sơn

Phòng Quản lý Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế,

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên

Tóm tắt

Trong bối cảnh hiện nay, liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia nhằm rút ngắn khoảng cách từ giảng đường tới thực tiễn doanh nghiệp. Quá trình rút ngắn này cần được đẩy mạnh trên mọi phương diện của mối liên kết giữa Doanh nghiệp và Nhà trường, đặc biệt là liên kết trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Điều đó có ý nghĩa cấp thiết, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội. Nghiên cứu này phân tích thực trạng và các kết quả đạt được trong liên kết giữa Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên và doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo, đồng thời đánh giá những bất cập, hạn chế, từ đó đưa ra các biện pháp để cải thiện và nâng cao hiệu quả mối quan hệ của hai bên.

Từ khóa: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Doanh nghiệp, liên kết, đào tạo, nghiên cứu khoa học

Summary

In the current context, the linkage between universities and businesses is an inevitable trend in the socio-economic development process of every country to narrow the gap from theoretical knowledge to practical application. This shortening process must be strongly promoted in all linkages between businesses and educational institutions, particularly in training and research activities. The linkage between universities and businesses plays an important role and contributes to creating high-quality human resources to address the needs of society. This study analyzes the current situation, examines the achievements in the collaboration between Hung Yen University of Technology and Education and businesses in research and training activities, and evaluates the shortcomings and limitations, offering solutions to enhance the effectiveness of the relationship between the relevant parties. Keywords: Hung Yen University of Technology and Education, enterprise, linkage, training, scientific research

ĐẶT VẤN ĐỀ

Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra nhiều thách thức với các cơ sở giáo dục đào tạo. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang đối diện với những cạnh tranh gay gắt của thị trường để tồn tại, đòi hỏi sự thích ứng, sáng tạo và đổi mới trong mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Được thành lập chính thức từ ngày 21/12/1996, với quan điểm phát triển tổng thể Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển của Trường từ năm 2016 “Đến năm 2025, Nhà trường thiết lập mối quan hệ đối tác với các trường đại học lớn trong nước, các viện nghiên cứu chuyên ngành. Phấn đấu đến năm 2030, Trường là trung tâm giao lưu văn hoá và hợp tác quốc tế tiêu biểu của khu vực Đồng bằng Sông Hồng”, quan điểm này được mở rộng hơn, khẳng định sự cần thiết của mối quan hệ Trường Đại học và Doanh nghiệp trong Chiến lược phát triển trường giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn tới năm 2045: “Phát huy sức mạnh tổng hợp từ mọi nguồn lực; phát huy tinh thần cộng đồng và uy tín của Trường; đảm bảo cơ hội phát triển, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội và sáng tạo; đẩy mạnh liên thông, liên kết, hợp tác toàn diện với các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương và các đối tác nước ngoài”.

Xác định tầm nhìn trở thành trường đại học trọng điểm của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, hội nhập quốc tế, đào tạo và nghiên cứu khoa học theo định hướng ứng dụng, tạo dựng được những ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, xã hội đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 bằng những đổi mới liên tục trong các lĩnh vực: khoa học, kỹ thuật công nghệ, kinh tế, ngoại ngữ và giáo dục nghề nghiệp. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã và đang thực hiện những mục tiêu của mình, đặc biệt là mục tiêu đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn về khoa học, kỹ thuật công nghệ, kinh tế, ngoại ngữ và giáo dục nghề nghiệp, có kỹ năng thực hành giỏi, phẩm chất chính trị rõ ràng, lối sống đạo đức trong sáng, tác phong làm việc chuyên nghiệp, kỹ năng tin học và ngoại ngữ giỏi đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội trong chiến lược phát triển đất nước và đảm bảo an ninh quốc phòng.

CÁC NỘI DUNG CHÍNH CỦA LIÊN KẾT GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT HƯNG YÊN VÀ DOANH NGHIỆP TRONG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU VÀ ĐÀO TẠO

Liên kết doanh nghiệp và Nhà trường trong đào tạo

Liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp là nhu cầu khách quan xuất phát từ lợi ích của cả hai phía. Các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là những nhà tuyển dụng để các cơ sở đào tạo nắm được nhu cầu của thị trường lao động. Vì lợi ích của chính mình, hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục - đào tạo luôn hướng tới nhu cầu xã hội, trong đó có nhu cầu doanh nghiệp. Do đó, các cơ sở đào tạo luôn có nhu cầu phải được gắn kết với doanh nghiệp. Mối liên kết này vừa mang tính tất yếu, vừa mang tính khả thi cao trong việc đáp ứng lao động cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên luôn phát huy sự gắn kết giữa Nhà trường và Doanh nghiệp trong công tác đào tạo của Trường, thể hiện ở một số nội dung như:

Thứ nhất, Nhà trường tiến hành mời các doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo: Trước khi xây dựng đề án mở ngành đào tạo, các cơ sở giáo dục phải khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Đây chính là căn cứ để đánh giá ngành nghề đào tạo đó có thực sự cần thiết cho xã hội và cho doanh nghiệp hay không? Trên cơ sở chia sẻ từ phía doanh nghiệp, nhà trường xây dựng khung chương trình đào tạo và mời doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo cùng với nhà trường.

Thứ hai, Nhà trường mời các nhà quản trị doanh nghiệp tham gia thẩm định chương trình đào tạo: Với xu thế đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội, hiện nay các chương trình đào tạo đều được xây dựng dựa trên mức độ đáp ứng công việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Vì thế, việc thẩm định chương trình đào tạo đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm xác định kỹ năng, kiến thức cần thiết mà sinh viên cần có để đáp ứng yêu cầu công việc.

Thứ ba, Nhà trường mời các chuyên gia tại doanh nghiệp về đào tạo, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế: Đây là hình thức đã được Nhà trường tích cực triển khai nhằm truyền tải những kiến thức thực tiễn trong quản lý hoạt động, điều hành sản xuất, thực trạng ứng dụng công nghệ 4.0 ...

Thứ tư, Nhà trường kết hợp với doanh nghiệp bố trí vị trí thực tập cho sinh viên. Sau quá trình được đào tạo những kiến thức lý thuyết từ các thầy, cô, các em sinh viên được bố trí thực tập tại doanh nghiệp để có cơ hội trải nghiệm thực tế và nắm bắt vị trí việc làm tại doanh nghiệp. Hiện nay trong khung chương trình đào tạo của Trường có các học phần thực tập nhận thức, thực tập kỹ thuật và thực tập tốt nghiệp tương ứng với lộ trình học tập từng năm học của sinh viên. Đi thực tập tại doanh nghiệp giúp sinh viên tìm hiểu được quy trình công nghệ, quy trình tổ chức quản lý sản xuất hay tổ chức bán hàng…

Thứ năm, kết hợp với doanh nghiệp bố trí việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Chất lượng đào tạo cho sinh viên là sản phẩm của mỗi cơ sở giáo dục trải qua quá trình học tập tại trường. Hiện tại, Nhà trường đang hướng công tác đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và tuyển dụng sinh viên vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.

Thực hiện hiệu quả việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp, từ công tác tuyển sinh, đào tạo, thực tập đào tạo, thực hành sản xuất, đến tuyển dụng và sử dụng lao động... được kỳ vọng sẽ đem lại sự đột phá mới trong giáo dục nghề nghiệp.

Liên kết giữa Nhà trường và doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học

Thực tế cho thấy hợp tác thời gian qua của Nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học đã được chú trọng nhiều hơn, tập trung ở một số nội dung chính như:

Thứ nhất, doanh nghiệp hỗ trợ về các trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hoạt động nghiên cứu của trường. Hạ tầng kỹ thuật là yếu tố quan trọng trong khi hầu hết các cơ sở giáo dục đều chưa đáp ứng được yêu cầu này. Vì vậy, việc huy động mọi nguồn lực của xã hội để xây dựng hạ tầng khoa học - công nghệ hiện đại, đầu tư kinh phí để nâng cấp trang thiết bị nghiên cứu cho các tổ chức khoa học và công nghệ thông qua các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là một chính sách hợp lý của các cơ sở giáo dục.

Thứ hai, liên kết triển khai tổ chức các hội nghị, hội thảo, các chương trình giao lưu khoa học với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành từ nhiều cơ sở đào tạo uy tín và các doanh nghiệp công nghệ nhằm tìm hiểu, trao đổi về các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hóa.

Thứ ba, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu dưới hình thức là thành viên của các nhiệm vụ KH&CN hoặc các đơn vị phối hợp thực hiện và ứng dụng kết quả nghiên cứu. Từ đó, giúp nâng cao hiệu quả của các hoạt động NCKH của Nhà trường, đáp ứng được mục tiêu đề ra.

KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng theo chuẩn giáo dục đại học

Thực tế cho thấy, hợp tác giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp đã giúp Nhà trường phát triển các chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng theo chuẩn giáo dục đại học, cập nhật theo xu hướng mới để sinh viên ra trường có thể đáp ứng ngay yêu cầu công việc mà doanh nghiệp đang cần.

Minh chứng cho nhận định đó, năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên được xếp ở vị trí thứ 25 trong bảng xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam do Webometrics công bố. Năm 2018, Nhà trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Năm 2020, Nhà trường được công nhận đạt chuẩn xếp hạng UPM 4 sao theo hệ thống tiêu chí đối sánh chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Năm 2021, Nhà trường có 4 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng CTĐT đại học (CNKT Cơ khí, CNKT ô tô, CNKT Điện – Điện tử và Công nghệ thông tin). Năm 2023, Nhà trường tiếp tục có 6 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng CTĐT đại học (Công nghệ Chế tạo máy, CNKT Cơ điện tử, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ may) và Trường được đánh giá đạt chuẩn chất lượng giáo dục đại học vào tháng 3/2024. Trường cũng tham gia hệ thống đối sánh và xếp hạng giáo dục đại học UPM và đạt 4 sao plus vào tháng 3/2024.

Hiện tại, Nhà trường có quy mô đào tạo gần 11 nghìn sinh viên, học viên với 22 ngành đào tạo đại học cùng với 40 chuyên ngành, 08 chuyên ngành thạc sĩ và 02 chuyên ngành tiến sĩ, 02 ngành đào tạo văn bằng hai. Nhà trường có thế mạnh và kinh nghiệm nghiên cứu ứng dụng với các hướng nghiên cứu trọng điểm: Công nghệ cơ khí; Công nghệ tự động hóa; Công nghệ robot; Công nghệ thông tin; Công nghệ vật liệu, vật liệu nano; Công nghệ hóa học và xử lý môi trường; Công nghệ dạy học.

Tăng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm

Ngoài việc triển khai các biện pháp nhằm tăng chất lượng trong công tác đào tạo, nhằm đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa Nhà trường và các nhà tuyển dụng với mục đích tạo động lực thúc đẩy phát triển xã hội hiện đại dựa trên tri thức, không chỉ tạo cơ hội việc làm cho sinh viên, mà còn giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhà trường đã thường xuyên tổ chức sự kiện Ngày hội việc làm nhằm mục đích kết nối nhà tuyển dụng với nguồn nhân lực chất lượng cao của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên; tạo điều kiện cho sinh viên đã tốt nghiệp và sắp tốt nghiệp tiếp cận với các doanh nghiệp lớn, tìm hiểu thông tin và cơ hội làm việc cũng như nghiên cứu khả năng tự khởi nghiệp từ kinh nghiệm của doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp tham gia Ngày hội cũng khá ổn định và tương đối cao (Hình 1).

Hình 1: Số lượng doanh nghiệp tham gia Ngày hội việc làm giai đoạn 2019-2024

Hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học: Hướng đi hiệu quả trong đào tạo và nghiên cứu của Trường Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
Nguồn: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên

Theo kết quả khảo sát sinh viên ra trường năm 2022, trên 95% sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp hoặc tự khởi nghiệp, trong đó trên 75% sinh viên tìm được việc làm đúng hoặc có liên quan đến ngành đào tạo.

Bảng 1: Bảng tổng hợp tình hình việc làm của sinh viên giai đoạn 2018-2022

Hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học: Hướng đi hiệu quả trong đào tạo và nghiên cứu của Trường Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
Nguồn: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên

Như vậy, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm là minh chứng cụ thể và rõ ràng thể hiện năng lực, chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong đào tạo và nghiên cứu

Trong thời đại công nghệ số bùng nổ, để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, các trường đại học cần đầu tư nhiều máy móc, công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu đòi hỏi các cơ sở giáo dục cần tìm kiếm nguồn tài chính, nguồn nhân lực cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo môi trường cho giảng viên, người học thực hành.

Giai đoạn 2020-2024, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên thực hiện ký kết 14 biên bản hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ việc triển khai các biên bản hợp tác, Nhà trường đã có nhiều thuận lợi trong quá trình trao đổi công nghệ và các trang thiết bị dành cho đào tạo và nghiên cứu. Thời gian qua, trường được nhận chuyển giao nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại từ doanh nghiệp thông qua việc doanh nghiệp trao tặng các trang thiết bị hoặc các khóa học đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên và sinh viên của trường. Thông qua những dự án hợp tác và đối tác nghiên cứu, cơ sở vật chất của Nhà trường được nâng cấp:

(1) Xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại: Nhà trường đã khánh thành phòng thí nghiệm tự động hóa Mitsubishi Electric và Phòng thí nghiệm tự động hóa Inovance, hai phòng thí nghiệm này do Công ty TNHH Mitsubishi Electric Việt Nam; Công ty Cổ phần giải pháp công nghệ cao HTG và Công ty TNHH Kỹ thuật điện Hải Dương HDE (thuộc tập đoàn INOVANCE, Trung Quốc) tài trợ.

(2) Sử dụng các trang thiết bị tiên tiến cho hoạt động thực hành: Nhà trường được Công ty FORD Việt Nam trao tặng xe Ford Territory; Công ty TNHH ABB Automation and Electrification (Việt Nam) tài trợ Gói phần mềm mô phỏng Robot Studio trị giá 6 tỷ đồng; Công ty TNHH ABB Automation and Electrification (Việt Nam) tài trợ 6 cánh tay Robot và thành lập Trung tâm sáng tạo Robotics ABB; Công ty Cổ phần Daikin Air Conditioning trao tặng 02 bộ thiết bị dạy học cho sinh viên; Công ty TNHH Cognex Việt Nam tài trợ Phòng đào tạo công nghệ Machine Vision Cognex trị giá 5 tỷ VNĐ.

(3) Tài trợ học bổng cho sinh viên: Học bổng sẽ là nguồn cổ vũ tinh thần và góp phần giúp cho sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn, mở ra nhiều cơ hội, hoài bão và khát vọng trong tương lai. Nhà trường đã nhận được rất nhiều suất học bổng có giá trị cao từ các doanh nghiệp như Công ty Gentherm, Công ty Brother, Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Minh Đạt, Công ty Phát triển nguồn nhân lực ACE…

Nâng cao hiệu quả của hoạt động NCKH đáp ứng mục tiêu đặt ra

Hợp tác nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hướng đến nền kinh tế tri thức vì nó thúc đẩy quá trình đổi mới, sáng tạo và chuyển giao công nghệ và gắn kết các hoạt động nghiên cứu cùng với hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Hợp tác với Nhà trường, doanh nghiệp được ứng dụng những kết quả nghiên cứu của nhà trường vào trong quá trình sản xuất, giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế; nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên qua các khóa đào tạo, huấn luyện do nhà trường tổ chức; xây dựng chiến lược marketing để quảng bá những sản phẩm của doanh nghiệp. Về phía Nhà trường, hợp tác với doanh nghiệp ngoài việc được trang bị thêm các trang thiết bị, cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường còn được trải nghiệm trong môi trường thực tế, nắm bắt những công nghệ mới, nhanh chóng hòa nhập với công nghệ 4.0 để có thể sáng tạo ra những ý tưởng, những sản phẩm công nghệ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Kết quả của sự hợp tác hai bên, giai đoạn 2020-2024, Nhà trường đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động NCKH: 326 đề tài các cấp, trong đó có 03 đề tài cấp quốc gia, 16 đề tài KH&CN cấp Bộ, 5 đề tài cấp tỉnh và 302 đề tài cấp cơ sở; Công bố 1.385 bài báo, báo cáo khoa học trên tạp chí, hội thảo quốc tế và trong nước, trong đó có 386 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế; tổ chức 33 hội thảo, trong đó có 02 hội thảo quốc tế; 02 hội thảo cấp quốc gia và 29 hội thảo KHCN cấp trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp luôn đồng hành, phối hợp hỗ trợ hoạt động NCKH của sinh viên thông qua các hoạt động như: Hỗ trợ thực tập doanh nghiệp, tổ chức các chương trình, hội thi, hỗ trợ thiết bị học tập và nghiên cứu…Kết quả là hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên đã đạt được rất nhiều thành tích đáng tự hào: 02 giải thưởng quốc tế, 7 giải thưởng quốc gia, 5 giải thưởng cấp bộ, 16 giải thưởng cấp tỉnh và rất nhiều giải thưởng từ các cuộc thi khác nhau. Gần nhất, vượt qua các trận thi đấu từ vòng loại với sự tham dự của 64 đội tuyển đại diện cho 23 trường Đại học, Cao đẳng thuộc khối kỹ thuật trên toàn quốc, 4 đội tuyển thi đấu đã xuất sắc chiến thắng các hạng mục giải quan trọng mang lại mùa vàng bội thu cho Nhà trường gồm 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 Giải ba và 01 giải Công nghệ Robocon Việt Nam 2024.

Kết nối hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Từ năm 2018, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã chú trọng quan tâm, tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, không ngừng tìm kiếm các nguồn lực từ doanh nghiệp để phát triển cho công tác này như: Tổ chức Diễn đàn “Hành trình người khởi nghiệp” được triển khai bởi sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Novaedu nhằm tạo động lực, thúc đẩy tinh thần, khát vọng và chia sẻ cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; Tổ chức Hội nghị tổng kết Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2017-2020; Tổ chức các lớp tập huấn đội ngũ cán bộ giảng viên tư vấn, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên, hỗ trợ các nhóm sinh viên khởi nghiệp có đầy đủ các kiến thức về khởi sự kinh doanh, hiểu thế nào là quản trị doanh nghiệp thời đại 4.0. Kết quả đến nay, tổng số dự án khởi nghiệp của Trường tham gia các cấp liên tục tăng, với tổng số 77 dự án, hầu hết các dự án đều có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy tinh thần sáng tạo, tư duy năng động, ý tưởng khởi nghiệp cũng như giúp sinh viên hiện thực hóa được giấc mơ kinh doanh và phát triển sản phẩm sáng tạo.

Thực tế đã chứng minh, có nhiều những dự án hàng năm được giải cấp trường, cấp tỉnh, cấp bộ… đã có thể áp dụng vào sản xuất kinh doanh, ví như Dự án sản xuất thương hiệu thảo dược hoa kim cúc kết hợp phát triển du lịch truyền thống do sinh viên Nguyễn Thị Hải Yến cùng nhóm của mình nghiên cứu phát triển đã xuất sắc đạt Giải khuyến khích "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Hưng Yên" năm 2018, Giải khuyến khích "Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hưng Yên lần thứ II" 2018, Trưng bày gian hàng tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia 2018. Cùng với nỗ lực phát triển và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, sản phẩm đã được ra mắt thị trường đầu tiên vào tháng 8 năm 2019. Cho đến nay, Thương hiệu thảo dược hoa kim cúc kết hợp phát triển du lịch truyền thống đã có những bước tiến vượt bậc khi thành lập thêm 2 cơ sở tại Bắc Ninh và Hà Nam. Hay như Dự án thiết kế đồ chơi thông minh theo phong cách DIY cho trẻ em do anh Nguyễn Anh Hải cùng nhóm của mình nghiên cứu, phát triển đã đạt được Giải Nhất cấp trường 2021, Giải Nhì IFI 2021, TOP 25 khởi nghiệp quốc gia lần thứ IV, TOP 30 Khởi nghiệp cùng KAWAI 2022. Năm 2022, Dự án sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ long nhãn như: long nhãn sấy; trà long nhãn táo đỏ, trà nhài long nhãn; trà long nhãn hương mộc; nước ép long nhãn.. với thương hiệu Bảo An vinh dự đạt Giải nhất cấp trường 2022 và giải Nhì cấp Bộ. Dự án xây dựng một thương hiệu riêng giúp mở rộng thị trường và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm từ nhãn đến với người tiêu dùng góp phần quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ nhãn tại Hưng Yên với tinh thần “Lan tỏa tình yêu của người Hưng Yên”. Dự án còn mang đến các sản phẩm an toàn, chất lượng, tiện dụng, đa dạng kích cỡ và chủng loại với nhiều mẫu mã bao bì cho người tiêu dùng lựa chọn. Cho đến nay, các sản phẩm khởi nghiệp của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã được đưa ra thị trường và được nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quan tâm, đầu tư hỗ trợ. Ngày 13/5/2024, Dự án “Hệ thống cảnh báo mất tập trung khi lái xe” của Nhà trường đã bản lĩnh trước các vòng thi căng thẳng, vượt qua hơn 700 dự án khác để giành giải Nhì của cuộc thi.

Năm 2023, Nhà trường kết hợp với Công ty Cổ phần truyền thông Việt Nam STARTUP TV triển khai 01 nhiệm vụ thuộc Đề án 844 “Hỗ trợ nâng cao năng lực của cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu về đào tạo, truyền thông, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST)” với mục tiêu chính là: Hình thành cụm liên kết khởi nghiệp ĐMST các trường đại học sư phạm kỹ thuật; Kết nối với các đối tác quốc tế và các doanh nghiệp trong nước nhằm trao đổi kinh nghiệm về hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực Khoa học Kỹ thuật; Thành lập Trung tâm khởi nghiệp tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Kỳ vọng đây sẽ là bước tiến đột phá trong sự kết hợp giữa Nhà trường và Doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh hoạt động hợp tác này trong tương lai.

BẤT CẬP TRONG QUÁ TRÌNH LIÊN KẾT GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Một là, mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp chưa có sự gắn kết chặt chẽ, doanh nghiệp chưa được tham gia vào đánh giá chương trình đào tạo một cách chi tiết và thường xuyên. Do đó, kiến thức của sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng.

Hai là, sự gắn kết giữa Cơ sở giáo dục và doanh nghiệp chưa thực sự là nhu cầu bức thiết, nhà trường còn thụ động chưa nhận thức được sự phát triển của nhà trường có phần đóng góp ở sự hợp tác với doanh nghiệp. Nghịch lý đang tồn tại đó là sinh viên ra trường không tìm được việc làm trong khi các doanh nghiệp lại không tuyển được lao động sau đào tạo, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Nguyên nhân cơ bản là việc đào tạo trong nhà trường vẫn chưa gắn với nhu cầu xã hội. Nhiều trường đại học không đủ điều kiện để đầu tư về trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác giảng dạy. Bởi vậy, sinh viên khi ra trường thường yếu về kỹ năng thực hành và vận hành các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong các doanh nghiệp.

Ba là, hợp tác trong nghiên cứu khoa học công nghệ còn hạn chế và chưa theo kịp xu thế của thế giới (các trường đại học thực hiện theo đặt hàng của doanh nghiệp và thị trường, sản phẩm khoa học công nghệ thuộc sở hữu chung, hai bên cùng phát triển để thương mại hóa).

Bên cạnh đó, giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp còn thiếu sự tin tưởng, thiếu kinh nghiệm trong hợp tác lẫn nhau. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho mối quan hệ hợp tác còn lỏng lẻo và chưa thực sự hiệu quả.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY LIÊN KẾT GIỮA NHÀ TRƯỜNG VÀ DOANH NGHIỆP

Mục tiêu trong phát triển mối liên hệ giữa Nhà trường và doanh nghiệp được đề ra trong Chiến lược phát triển của Nhà trường như sau:

Một là, đẩy mạnh hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp, gắn kết chặt chẽ về các hoạt động của sinh viên thực tập tại doanh nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, nghiên cứu chuyển giao công nghệ.

Hai là, đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và xã hội dựa trên các lĩnh vực thế mạnh của Nhà trường. Tăng cường nguồn thu từ các hoạt động NCKH, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Ba là, hình thành các tổ chức khoa học và ươm tạo công nghệ, kết nối với doanh nghiệp công nghệ cao, cung cấp dịch vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người học đối với khoa học và công nghệ; Số đề tài, dự án hợp tác quốc tế tăng nhanh, có nhiều đề tài dự án hợp tác với doanh nghiệp trong tổng số đề tài, dự án của trường.

Bốn là, phát triển các mối quan hệ đối tác toàn diện với các doanh nghiệp lớn trong nước.

Cũng trong Chiến lược phát triển này, Nhà trường xây dựng 09 chương trình/ giải pháp chính được đề xuất triển khai để đạt được các mục tiêu của Chiến lược, trong đó tổng thể cả các giải pháp phát triển hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường, bao gồm: (1) Chương trình hành động hoàn thiện hệ thống quản trị; (2) Chương trình hành động phát triển nguồn nhân lực. (3) Chương trình hành động phát triển hoạt động đào tạo, tuyển sinh. (4) Chương trình hành động phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. (5) Chương trình hành động phát triển hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế. (6) Chương trình hành động đảm bảo chất lượng giáo dục. (7) Chương trình hành động phát triển cơ sở vật chất, tài chính. (8) Chương trình hành động phát triển chuyển đổi số. (9) Chương trình hành động vì người học, vì cộng đồng.

KẾT LUẬN

Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Chiều rộng và độ sâu của mối liên kết này tùy thuộc nhiều vào sự định hướng của các cơ quan chức năng, sự lựa chọn phương thức cũng như sự thỏa hiệp của các chủ thể. Hiệu quả của mối liên kết luôn là nâng cao “tầm vóc”, củng cố niềm tin cũng như gia tăng mức độ ảnh hưởng tích cực vào đời sống xã hội của các bên. Rút ngắn khoảng cách từ giảng đường tới thực tiễn doanh nghiệp đang là yêu cầu cấp bách đối với các cơ sở đào tạo đại học và cộng đồng doanh nghiệp. Đảng, Nhà nước thì luôn khuyến khích, xã hội, thì đang đòi hỏi cấp thiết, “rào cản” hầu như chỉ thuộc phạm vi yếu tố chủ quan của các chủ thể liên kết./.

Tài liệu tham khảo

1. Lưu Xuân Công và Vũ Tiến Dũng (2019), Thúc đẩy liên kết trường đại học và doanh nghiệp ở nước ta trước bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tạp chí Mặt trận, tháng 3/2019.

2. Nguyễn Đình Luận (2015), Sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị. Tạp chí Phát triển và hội nhập, số 22 tháng 5-6/2015.

3. Lê Hồng Ngọc (2019), Vai trò của liên kết đào tạo giữa các trường đại học với doanh nghiệp. Tạp chí Tài chính tháng 5/2019.

4. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (2016), Chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

5. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (2023), Chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045.