Huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm
Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,87%
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công khai sáng nay (ngày 29/12), tính đến thời điểm 21/12/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,85% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 8,31%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,99% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,73%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,87% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 12,53%).
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 21/12/2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,87% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 12,53%) |
Lãi suất cho vay tăng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Nhiều tổ chức tín dụng đã thực hiện giảm lãi suất từ 0,5- 3%/năm; đồng thời tập trung giải ngân những lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, sản xuất hàng phụ trợ và các lĩnh vực thuộc động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, tính đến ngày 26/12/2022, tổng số vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 103.491 tỷ đồng, tăng 23.280 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021; gần 2.368 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn trong năm. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 283.244 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2021 với hơn 6.544 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 15.863 tỷ đồng, hoàn thành 83,5% kế hoạch năm 2022.
Liên quan đến định hướng hoạt động của ngành Ngân hàng năm 2023, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023 do NHNN vừa tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở, cần điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và lạm phát, vừa bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tài chính, tiền tệ, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; kiên quyết không để thiếu vốn cho nhu cầu vốn chính đáng của người dân và doanh nghiệp…
Vốn hóa thị trường chứng khoán ước giảm 32,2%
Cũng theo Tổng cục Thống kê, thị trường chứng khoán năm 2022 sụt giảm mạnh so với năm 2021 trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn cho vay, hạn mức tăng trưởng tín dụng kiểm soát chặt chẽ, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành giảm.
Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 27/12/2022, chỉ số VN-Index đạt 993,7 điểm, giảm 5,22% so với cuối tháng trước và giảm 33,68% so với cuối năm trước. Tính đến ngày 15/12/2022, mức vốn hóa thị trường ước đạt 5.263 nghìn tỷ đồng, giảm 32,2% so với cuối năm 2021; giá trị giao dịch bình quân đạt 20.410 tỷ đồng/phiên, giảm 23,3% so với bình quân năm trước.
Tính đến ngày 15/12/2022, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán đạt 20.410 tỷ đồng/phiên, giảm 23,3% so với bình quân năm trước |
Thị trường cổ phiếu hiện có 757 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 859 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 1.970 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với cuối năm 2021.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm tăng 16,2% so với năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15,8%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 17,3%. Chi trả quyền lợi bảo hiểm tính đến ngày 12/12/2022 ước đạt 64.018 tỷ đồng (tăng 23,29% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó chi trả của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt 23.418 tỷ đồng, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 40.600 tỷ đồng; đầu tư trở lại nền kinh tế của doanh nghiệp bảo hiểm năm 2022 tăng 12,5% so với năm trước. |
Trên thị trường trái phiếu, có 447 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.708 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2021. Giá trị giao dịch bình quân trong tháng 12/2022 đạt 3.284 tỷ đồng/phiên, tăng 17,1% so với tháng trước; bình quân cả năm 2022 đạt 7.737 tỷ đồng/phiên, giảm 32,2% so với bình quân năm 2021.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, bình quân năm 2022, khối lượng giao dịch của sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 270.484 hợp đồng/phiên, tăng 43% so với bình quân năm trước; chứng quyền có bảo đảm đạt 32,69 triệu chứng quyền/phiên, tăng 53%...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 của ngành Chứng khoán vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi lưu ý ngành Chứng khoán trong năm 2023, cần triển khai các giải pháp để thị trường phát triển thực chất, bền vững hơn, tăng thanh khoản, tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.
“Đề nghị Ủy ban chứng khoán Nhà nước tập trung rà soát Luật Chứng khoán để sửa đổi phù hợp với thực tế thị trường; đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2023; tiếp tục thực hiện kỷ cương, kỷ luật thị trường ở mức cao hơn. Tập trung triển khai dự án công nghệ thông tin KRX; củng cố năng lực nhân lực của UBCKNN, các sở giao dịch…”, ông Chi lưu ý./.
Bình luận