Từ câu chuyện thực tế về doanh nghiệp phát hành 100 triệu cổ phiếu...

Hiện nay, việc tổ chức bán đấu cổ phần ra công chúng của các công ty đại chúng chưa được pháp luật quy định rõ ràng về thành phần được phép tham gia bán đấu giá, các hạn chế đối với việc tham gia bán đấu giá, mặc dù theo quy định tại Nghị định 134/2020/NĐ-CP, công ty niêm yết là một loại hình có lợi ích đại chúng.

Kẽ hở pháp luật trong đấu giá cổ phiếu: Cần ngăn chặn nguy cơ “hút máu” cổ đông
Nguyễn Minh Ngọc, Chủ tịch Công ty Tư vấn đầu tư Bluechip IB

Bài viết sẽ tiến hành phân tích một trường hợp điển hình, xin được tạm gọi là Công ty cổ phần X, đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dưới con mắt của một nhà đầu tư, một chuyên gia tài chính doanh nghiệp, người viết mong rằng, bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ những rủi ro của một phương án phát hành gây bất lợi cho cổ đông của Công ty cổ phần X, mà HĐQT đã đưa phương án ra biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông. Bài viết sẽ tiến hành phân tích trên hai khía cạnh: -(i): nội dung tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông; (ii) kẽ hở trong quá trình bán đấu giá ra công chúng của Công ty cổ phần X.

Đầu tiên, xin tóm tắt tiến trình công bố thông tin của Công ty cổ phần X như sau:

Ngày 19/11/2021, Công ty cổ phần X công bố thông tin chốt danh sách cổ đông để họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường với ngày đăng ký cuối cùng (ngày chốt danh sách) là 9/12/2021. Ngày 26/11/2021, Công ty cổ phần X công bố thông tin rằng, ngày 8/12/2021 là giao dịch không hưởng quyền họp ĐHCĐ bất thường.

Ngày 17/12/2021, Công ty cổ phần X công bố mời họp ĐHCĐ bất thường, dự kiến ngày họp là 10/1/2022. Theo công bố thông tin mời họp, toàn bộ tài liệu phục vụ họp đại hội được công bố trên website của Công ty cổ phần X. Tuy nhiên, đến ngày 20/12/2021, cổ đông mới nhận được tài liệu họp. Từ đây, nguy cơ về một vụ việc "hút máu" cổ đông lộ diện. Cụ thể, theo tài liệu công bố, Công ty cổ phần X trình đại hội cổ đông các vấn đề sau:

Khối lượng cổ phần phát hành thêm: 100.000.000 cổ phiếu;

Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá: 1.000.000.000.0000 đồng;

Hình thức phát hành: chào bán thêm cổ phần ra công chúng theo phương thức đấu giá công khai qua Sở Giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh;

Giá khởi điểm đấu giá: 12.000 đồng/cổ phần;

Tổng khối lượng vốn dự kiến thu được từ đợt phát hành: 1.200.000.000.000 đồng (một nghìn hai trăm tỷ đồng);

Nguyên tắc xác định giá khởi điểm: Giá trị sổ sách kết hợp với giá thị trường làm cơ sở quyết định giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần;

Giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét tại ngày 30/6/2021 là 16.044 đồng/cổ phiếu;

Giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính riêng soát xét tại ngày 30/6/2021 là 14.875 đồng/cổ phiếu;

Giá trị thị trường giao dịch binh quân 30 phiên cổ phiếu của Công ty cổ phần X trên thị trường từ ngày 8/11/2021 đến ngày 17/12/2021là 17.437 đồng/cổ phần.

Như vậy, giá khởi điểm bán đấu giá cổ phiếu được xác định bằng 80,67% giá trị sổ sách của Công ty theo báo cáo tài chính riêng được kiểm toán hoặc soát xét kỳ gần nhất; bằng 74,79% giá trị sổ sách của Công ty theo báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán hoặc soát xét kỳ gần nhất và bằng 68,68% so với giá trị cổ phiếu của Công ty cổ phần X đang được giao dịch trên thị trường.

Phương thức xử lý cổ phiếu không bán hết từ đợt chào bán hoặc đợt chào bán không thành công: (i) Ủy quyền cho HĐQT tiếp tục chào bán cho các nhà đầu tư khác quan tâm với mức giá không thấp hơn giá đấu thành công bình quân; (ii). số cổ phần này bị hạn chế chuyển nhượng 01 năm; nhà đầu tư mua lô cổ phần này dẫn tới tỷ lệ sở hữu vượt quá quy định về chào mua công khai thì không phải chào mua công khai. Cổ đông/nhà đầu tư mua cổ phần này phải công bố thông tin về giao dịch cổ phiếu theo quy định liên quan; (iii). Việc xử lý cổ phiếu còn dư đảm bảo phù hợp theo quy định tại Điều 42 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và khoản 2 điều 195 Luật Doanh nghiệp và các quy định khác có liên quan của pháp luật hiện hành.

Từ tóm tắt trên, người viết xin tiến hành phân tích rủi ro của phương án phát hành này đối với các cổ đông và với chính Công ty X.

Phân tích nội dung phương án phát hành và các văn bản pháp luật liên quan

Tại thời điểm công bố tài liệu họp ĐHCĐ ngày 20/12/2021, giá tham chiếu cổ phần Công ty X là 18.6000 đồng/cổ phần và giá đóng cửa là 18.100 đồng/cổ phần. Giá trị sổ sách trên báo cáo hợp nhất của Công ty X tại ngày 30/9/2021 là 16.229 đồng/cổ phần. Giá trị sổ sách trên báo cáo riêng Công ty mẹ của Công ty X tại ngày 30/9/2021 là 13.173 đồng/cổ phần. Vậy cơ sở nào để Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần X trình ra ĐHCĐ mức giá phát hành 12.000 đồng/cổ phần? Giá phát hành này có hợp lý với quyền lợi của cổ đông đại chúng hiện tại không?

Trong khi giá thị trường của cổ phiếu X đang trên 18.000 đồng/cổ phần, HĐQT của Công ty cổ phần X lại trình mức giá khởi điểm đấu giá là 12.000 đồng/cổ phần, nên về nguyên tắc, nếu giá trúng ở mức đúng giá khởi điểm thì phương án chào bán gây thiệt hại cho cổ đông hiện hữu 33% giá trị hợp lý của thị trường. Việc HĐQT của Công ty cổ phần X trình ĐHCĐ kế hoạch chào bán đã vi phạm:

Điểm b, điểm c khoản 1, Điều 165 Luật Doanh nghiệp, do không bảo đảm lợi ích tối đa của công ty, không trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông. Điều 165 quy định trách nhiệm người quản lý công ty, theo đó (i) điểm b quy định: “b) Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty; (ii) điểm c quy định “Trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông;

Khoản 3, Điều 5 của Luật Chứng khoán về “ Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư”;

Quy định tại Khoản 6 Điều 404 của Bộ Luật dân sự: “Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia”. Theo quy định tại Điều 119 Bộ Luật Dân sự, Hình thức của giao dịch dân sự là: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”. Bộ Luật Dân sự là bộ luật gốc, là cơ sở cho sự xây dựng các luật dân sự khác tại Việt Nam. Bởi vậy xét theo quy định của Bộ Luật Dân sự việc công ty phát hành bản chất là một giao dịch dân sự và việc HĐQT trình phương án phát hành với giá chào bán thấp hơn 33% giá trị thị trường là bất lợi cho bên kia, chính là cổ đông đại chúng của công ty.

Phân tích đến khía cạnh quản lý bán đấu giá cổ phần ra công chúng

Tham khảo Quy chế bán đấu giá cổ phần của công ty nhà nước cổ phần hóa, chúng ta sẽ thấy các quy định được đưa ra rất chặt chẽ, như sau:

- Hội đồng bán đấu giá gồm: Thành viên ban chỉ đạo cổ phần hóa, đại diện doanh nghiệp đấu giá, đại diện ban tổ chức đấu giá, đại diện tổ chức tư vấn bán đấu giá, đại diện nhà đầu tư (nếu có);

- Những đối tượng không được tham gia cuộc đấu giá: Thành viên ban chỉ đạo cổ phần hóa, tổ giúp việc cổ phần hóa (ngoại trừ đại diện doanh nghiệp cổ phần hóa); tổ chức tài chính trung gian, các cá nhân thuộc các tổ chức này trực tiếp tham gia tư vấn cổ phần hóa, kiểm toán báo cáo tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp (trừ tổ chức bảo lãnh phát hành); công ty mẹ, công con, công ty liên kết của tổ chức phát hành; tổ chức thực hiện bán đấu giá và các cá nhân của tổ chức này có liên quan đến việc bán đấu giá; các cá nhân, tổ chức liên quan đến các cá nhân tổ chức kể trên theo quy định của pháp luật.

Theo đó, nhìn từ khía cạnh các cuộc bán đấu giá phần vốn nhà nước, lợi ích của nhà nước, của công chúng được quy định chặt chẽ, nhằm ngăn chặn tối đa xung đột lợi ích có thể xảy ra.

Trong khi đó, với công ty niêm yết, đây cũng là công ty có lợi ích đại chúng, nhưng pháp luật chưa có quy chế cụ thể cho việc đấu giá chào bán ra công chúng dành cho các tổ chức này. Việc này khiến cổ đông nội bộ có thể trở thành thành viên Hội đồng đấu giá, tạo ra các xung đột lợi ích giữa các nhà đầu tư do bất đối xứng thông tin giữa thành viên hội đồng đấu giá với các cổ đông khác; do việc bỏ giá có thể theo chiều hướng có lợi cho thành viên hội đồng đấu giá, đi ngược lại với lợi ích của công ty và của cổ đông; do việc phân phối lại số cổ phần không được mua hết có thể dẫn tới HĐQT được phép phân phối lại cho các cá nhân tổ chức liên quan của mình gây thiệt hại cho công ty và cổ đông.

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng, cơ quan quản lý cần sớm xem xét thực tiễn để có sự điều chỉnh quy định pháp lý, nhằm thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ lợi ích đại chúng, hướng tới xây dựng thị trường tài chính lành mạnh và hiệu quả. Một số đề xuất cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần quy định rõ nguyên tắc giá khởi điểm phát hành của doanh nghiệp không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm công bố, hoặc giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính quý gần nhất;

Thứ hai, cần quy định cụ thể về các đối tượng không được tham gia vào việc mua cổ phần chào bán ra công chúng, chào bán riêng lẻ;

Thứ ba, cần quy định các đối tượng không được phân phối bổ sung số lượng cổ phần không chào bán hết, hoặc quy định rõ số lượng không chào bán hết lần 1 bắt buộc phải hủy bỏ.

Trước mắt, khi chưa thể ban hành quy định pháp luật kịp thời, đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các Sở Giao dịch chứng khoán xây dựng Quy chế tổ chức bán đấu giá cổ phần ra công chúng theo hướng yêu cầu các công ty đại chúng tuân thủ đúng quy định pháp luật, tôn trọng quyền của cổ đông đại chúng khi thực hiện chào bán cổ phiếu, nhằm lành mạnh hóa thị trường, tránh thiệt hại cho nhà đầu tư và uy tín của tổ chức niêm yết trên thị trường./.