Kết nối yêu thương, lan tỏa hạnh phúc và những trái ngọt
Trước khi tham dự Lễ kỷ niệm, những bạn khuyết tật trong 8 nhóm bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã vào viếng Lăng Bác. Ảnh: Đức Trung |
“Trái tim tôi đập nhanh khi bước vào lăng Bác Hồ.
Dù tôi khuyết tật được các chú cảnh vệ đưa đi theo từng bước. Nhưng ở đây, tôi cảm nhận rõ ràng sự vững vàng tinh thần Việt Nam.
Đất cất giữ hồn của Bác trở thành nơi tôi thấy tự hào! Sức mạnh không gì là không thể với những khó khăn trước mắt. Tôi cảm thấy mình như đang được tiếp thêm sức mạnh và tình yêu thương vô bờ bến!
Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc chân thành đến Bác Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đến tất cả các cán bộ công chức viên chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho tôi và các bạn khuyết tật những niềm vui vỡ òa trong "hạnh phúc" nhân dịp ngày 3/12 ngày Quốc tế người khuyết tật”. Đó là những lời chia sẻ được chị Trần Thị Thuần - Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc (là một trong 8 đơn vị khuyết tật và yếu thế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ) đăng tải trên trang facebook cá nhân sau khi tham dự Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Người Khuyết tật 3/12 với chủ đề “Kết nối yêu thương, lan tỏa hạnh phúc” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
Đây cũng là dịp để gặp gỡ các nhóm yếu thế được Bộ bảo trợ sau gần 1 năm nhận được khoản hỗ trợ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lắng nghe tâm tư, tình cảm cũng như kết quả mà các nhóm đã hoạt động trong năm vừa qua.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đón "người thân về nhà". Ảnh: Đức Trung |
Đón những người thân “về nhà”
Sáng ngày 28/11, Hội trưởng lớn Bộ Kế hoạch và Đầu tư rộn ràng chào đón những người thân “về nhà”, “cùng tề tựu về đây dưới một mái nhà chung Bộ Kế hoạch và Đầu tư”. Những người thân ấy mang về đây những món quà tinh thần quen thuộc, đó là những nụ cười tỏa nắng, tinh thần lạc quan, sẵn sàng dấn bước, không ngại khó khăn mà hướng về tương lai, vươn lên tạo giá trị trong cuộc sống. Họ là “những người không có điều kiện như người bình thường, nhưng lại có thể làm được những điều vĩ đại” như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng “định nghĩa” tại lễ kỷ niệm.
Năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chọn thông điệp "Người dân là trọng tâm của phát triển. Mọi chính sách của Chính phủ phải hướng tới người dân" đưa vào trong Khung Chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam. Và cũng vào năm này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khởi xướng Chương trình Chia sẻ tầm nhìn, có sự tham dự của các nhóm khuyết tật cùng tham gia đóng góp các ý kiến về chính sách cộng đồng.
Năm 2019, Bộ trưởng phát động tinh thần Tự hào Việt Nam và Chương trình vì sự phát triển cộng đồng, theo đó Bộ Kế hoạch Đầu tư chính thức bảo trợ 8 nhóm yếu thế kể từ ngày đó tới hôm nay. Cũng trong năm 2019, Bộ trưởng đã phát động Hành trình cây gậy trắng cho người mù Việt Nam trực tiếp hỗ trợ cộng đồng người khiếm thị.
Trên cơ sở đó, chuỗi các chương trình Sức sống Việt Nam, Bao la Việt Nam, Yêu thương Việt Nam, Mỗi người dân là một sứ giả... ra đời góp phần hình thành văn hóa nhân văn và lối sống tử tế trong ngành Kế hoạch và Đầu tư.
Các nhóm yếu thế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ đã mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được sản xuất ra từ cộng đồng người yếu thế đã được lãnh đạo Bộ cùng lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ chọn làm quà tặng các đối tác quốc tế, lan tỏa tình yêu thương và gắn kết các nỗ lực phát triển vì con người.
Và hôm nay, họ - các nhóm yếu thế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ - quay về “nhà” sau gần 1 năm nhận được khoản hỗ trợ từ Bộ, để chia sẻ tâm tư, tình cảm cũng như kết quả mà các nhóm đã hoạt động trong năm vừa qua.
Chào mừng 8 nhóm yếu thế “trở về mái nhà chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ vui mừng và chúc mừng trước những kết quả hoạt động mà các nhóm đã đạt được trong năm qua. Ảnh: Đức Trung |
“Đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư như được về nhà”
“Đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng em như được về nhà của mình”, chị Trần Thị Thuần, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc đã chia sẻ cảm nhận của mình khi tham dự lễ kỷ niệm tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Báo cáo với Bộ trưởng về kết quả hoạt động 1 năm từ khi nhận được khoản tài trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chị Thuần cho hay, Hợp tác xã Tâm Ngọc đã mở 3 lớp đào tạo về bán hàng online cho 136 bạn khuyết tật. Hiện các bạn đã hoạt động bán hàng trên trang cá nhân của mình và đạt được kết quả rất tốt. Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng mở lớp dưỡng sinh Spa cho ba nhóm người yếu thế ở Thái Bình, Thái Nguyên và Hà Nội. "Trong thời gian tới, các bạn sẽ khai trương các chuỗi cửa hàng của mình tại địa phương. Ngoài ra, chương trình đào tạo đào tạo thàng công cho 5 bạn khiếm thị nắm được tay nghề ở mứcmchuyên nghiệp", chị Thuần vui mừng chia sẻ thông tin.
Đến nay, nhiều lao động là người mù, người khiếm thị đã có thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/ tháng.
Không những vậy, Hợp tác xã còn mở rộng thêm vùng nguyên liệu thảo dược ở tỉnh Tuyên Quang, tạo việc làm cho bà con nông dân người dân tộc thiểu số.
“Cảm ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã yêu thương và dành niềm tin cho Tâm Ngọc. Nhờ vậy mà hiện nay, Tâm Ngọc đã dám bứt phá, cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình để có thị phần đưa sản phẩm được làm từ người khuyết tật, yếu thế không còn là các sản phẩm mang giá trị “yêu thương” và được mua hộ. Bởi, chúng đang từng bước khẳng định được chất lượng và sự hấp dẫn đối với người tiêu dùng để có thể cạnh tranh chiếm thị phần trong thương trường”, chị Thuần cám ơn và tự tin khẳng định.
Trần Thị Thuần - Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc chia sẻ cảm nhận "Đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư như về nhà" tại Lễ Kỷ niệm Ngày Quốc tế Người Khuyết tật 3/12 với chủ đề “Kết nối yêu thương, lan tỏa hạnh phúc” tại Hội trường lớn Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Đức Trung |
“Đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư như được về nhà” không phải chỉ có ở chị Thuần, mà chị Nguyễn Thị Thu Thương, Giám đốc CTCP Thương mại và Sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade, hay anh Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art, anh Phạm Việt Hoài, Chủ tịch HĐQT Công ty KymViet đều chia sẻ cảm nhân này.
Các nhóm được bảo trợ đều vui mừng chia sẻ kết quả khả quan sau khi nhận những khoản hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và khẳng định các khoản hỗ trợ đó đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, giúp họ phục hồi sản xuất, đầu tư mua sắm các trang thiết bị máy móc, mở rộng sản xuất.
“Vụn Art,” được biết đến với những tác phẩm nghệ thuật từ những miếng vải vụn bỏ đi do những người khuyết tật tạo ra và đạt đánh giá OCOP 4 sao về hàng thủ công đạt chất lượng xuất khẩu. Anh Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn (Vụn Art) cho biết năm 2023, cơ sở đã có những kết quả đột phát về doanh thu từ đó duy trì mức thu nhập của người lao động từ 6-8 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, Vụn Art cũng tạo điều kiện có các bạn khuyết tật sức khỏe yếu những công việc phù hợp với mục tiêu động viên về yếu tố hòa nhập nhiều hơn, bởi đào tạo cho những người kém phát triển trí tuệ là rất khó khăn.
Còn cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Thương (Trưởng Nhóm Thương Thương Handmade Art) đã cho biết, từ khi có sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhóm Thương Thương Handmade Art đã rất thuận lợi trong việc bán hàng không chỉ ở thị trường trong mà ra cả thị trường quốc tế (như Đức, Pháp, Mỹ, Anh…).
“Các đối tác nhập khẩu đã rất ưng ý với các các sản phẩm thủ công handmade được tạo ra từ những sợi giấy cắt nhỏ bằng 2cm. Các sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân này nhận được sự trân trọng rất lớn từ khách hàng, bởi mỗi sản phẩm là một minh chứng cho sự tỉ mỉ và công sức của con người”, chị Thương cho biết.
"Hãy coi Bộ Kế hoạch và Đầu tư như là nhà của mình, nếu có thể giúp gì các bạn, chúng tôi không nề hà”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Ảnh: Hạnh Nguyễn |
Cũng như khẳng định của chị Thuần, chị Thương khẳng định các sản phẩm của Thương Thương Handmade Art không còn là sản phẩm của tình thương, sản phẩm của người khuyết tật, mà đã trở thành những sản phẩm đẹp, có hấp dẫn người tiêu dùng và các quyết định mua hàng là đến từ nhu cầu.
“Trong năm qua, chúng tôi nhận được một số vốn đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và sử dụng trong hoạt động dạy nghề để tạo thêm cơ hội việc làm cho người yếu thế. Người lao động tại Thương Thương Handmade Art thường là các bạn bị thiếu máu bẩm sinh (đi làm 2 tuần, chạy máu 1 tuần), hay bệnh nhân chạy thận (1 ngày đi làm, 1 ngày đi truyền máu 1 ngày), ngoài ra có một số bạn là người khuyết tật có thể làm cả tháng”, chị Thương cho biết.
Anh Phạm Việt Hoài, một trong những nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT công ty Kym Việt cho biết, đã giới thiệu được sản phẩm tới Hoàng gia của Nhật trong năm nay. Từ đầu năm 2023, Công ty đã đưa ra thị trường 50.000 sản phẩm, tập trung vào mặt hàng quà tặng doanh nghiệp, trở thành đối tác của nhiều doanh nghiệp lớn, như: Vietnam Airline, Vietiel, Techcombank, BIDV... khẳng định niềm tin của Bộ trưởng về việc "những gì người bình thường làm được, thì người yếu thế cũng làm được".
Còn bà Đinh Việt Anh, Phó chủ tịch Trung ương Hội Người mù Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ đã luôn dành sự quan tâm, tình cảm quan tâm ấm áp cho người khuyết tật, những hoàn cảnh khó khăn thông qua những việc làm đầy ý nghĩa.
“Sáng kiến Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát động đã được triển khai hết sức hiệu quả, đã có 28.650 cây gậy trắng được chuyển đến tận tay những người mù cả nước, giúp họ đi lại chủ động, an toàn, thuận lợi và mạnh dạn, tự tin hòa nhập cộng đồng”, bà Việt Anh minh chứng bằng số liệu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tặng quà cho các nhóm yếu thế. Ảnh: Đức Trung |
Hãy tự tin, nghị lực, mạnh mẽ tiến về phía trước, bình đẳng, bình thường với người bình thường
Chào mừng 8 nhóm yếu thế “trở về mái nhà chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ vui mừng và chúc mừng trước những kết quả hoạt động mà các nhóm đã đạt được trong năm qua, khẳng định những kết quả này đã góp phần lan tỏa những năng lượng tích cực tới xã hội, lan tỏa tình yêu thương tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời giúp cho bản thân, gia đình, cộng đồng người khuyết tật vơi bớt những khó khăn, hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống.
Cho biết, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, hỗ trợ cho cộng đồng người yếu thế, người khuyết tật. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực, góp thêm một “hạt cát” để chung tay thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước mang lại sự ấm no, hạnh phúc, lan tỏa sự yêu thương, tử tế”, Bộ trưởng cam kết tiếp tục đồng hành và kêu gọi các nhóm yếu thế "Hãy coi Bộ Kế hoạch và Đầu tư như là nhà của mình, nếu có thể giúp gì các bạn, chúng tôi không nề hà”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tặng quà cho các nhóm yếu thế. Ảnh: Đức Trung |
Về những kiến nghị của các nhóm yếu thế liên quan đến kéo dài thời gian đào tạo nghề với người tự kỷ, xây dựng mã số định danh riêng cho các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp của người khuyết tật, giảm thuế VAT…, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị trong Bộ cùng suy nghĩ để tham mưu chính sách phù hợp.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết hỗ trợ các bạn có ý tưởng khởi nghiệp tốt, tính khả thi cao, để tạo ra nhiều doanh nghiệp, tạo ra nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập, giúp các bạn có cuộc sống tự lập, bớt khó khăn, giúp cho gia đình và cuối cùng là giúp cho xã hội theo đúng phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau", chúng ta cùng bình đẳng với nhau cùng nhau đóng góp cho xã hội, cho đất nước”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng kêu gọi những người yếu thế, khuyết tật hãy tự tin, nghị lực, mạnh mẽ tiến về phía trước, bình đẳng, bình thường với người bình thường.
Bày tỏ ấn tượng với những chia sẻ của các nhóm yếu thế tại buổi lễ kỷ niệm, ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cảm ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về sự cam kết hỗ trợ cho người yếu thế, trong đó có người khuyết tật.
Chia sẻ một số chương trình hỗ trợ người khuyết tật mà Quỹ Dân số Liên hợp quốc đang thực hiện, ông Matt Jackson khẳng định, “tất cả chúng ta sẽ chung tay để ‘Không ai bị bỏ lại phía sau’”./.
Bình luận