Trong khuôn khổ Chương trình Cái cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) tài trợ, hôm nay, ngày 27/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu khả năng xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cấp độ vùng ở Vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong bối cảnh chuyển đổi số”.

Hội thảo nhằm trao đổi, nghiên cứu các định hướng, chính sách thúc đẩy liên kết vùng và hoàn thiện thể chế liên kết vùng, tính khả thi của việc giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cấp độ vùng ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB).

Khi liên kết vùng vẫn là phép cộng, thì kết quả chưa thể như kỳ vọng
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Hậu

Động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội vùng TD&MNPB đã bước đầu được hình thành

Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh cho biết, TD&MNPB là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước.

Thu nhập bình quân người lao động trong doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất chỉ bằng 82,7% mức trung bình toàn quốc. Số doanh nghiệp đang hoạt động ở Vùng tính đến cuối 2021 chỉ chiếm 4,3% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Vùng cũng rất hạn chế, chỉ bằng 3,4% tổng số dự án FDI của cả nước. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong Vùng vẫn ở mức thấp, gần chạm ngưỡng bình quân cả nước (26,1%).

“Dù có rất nhiều nỗ lực và một số tỉnh trong Vùng đã đạt những thành quả kinh tế ấn tượng, nhưng nhìn chung trình độ phát triển của các địa phương trong Vùng ngày càng chênh lệch so với các vùng còn lại của cả nước”, bà Minh nhận định.

Tuy nhiên, TD&MNPB lại có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và có nhiều tiềm năng chưa được khai thác và phát triển xứng tầm. Chính vì vậy, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nói chung và liên kết vùng nói riêng có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng đối với Vùng.

Nhìn vào các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được xem xét thông qua, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội vùng TD&MNPB tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực trong những năm qua. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bước đầu được triển khai có hiệu quả. Nhóm chính sách vùng TD&MNPB và chỉ tiêu kinh tế - xã hội đang ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được xem xét, thông qua, bước đầu bảo đảm tính khả thi và có thể đo lường, giám sát được về phương pháp và yêu cầu thống kê.

"Động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội khu vực TD&MNPB bước đầu được hình thành", thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Dương khẳng định.

Khi liên kết vùng vẫn là phép cộng, thì kết quả chưa thể như kỳ vọng
"Động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội khu vực TD&MNPB bước đầu được hình thành", ông Nguyễn Anh Dương nhận định

Liên kết vùng là cần thiết, nhưng còn nhiều bất cập về pháp lý

Tuy nhiên, khi nghiên cứu đánh giá về khung pháp lý và chính sách phát triển vùng TD&MNPB, ông Dương chỉ rõ, còn nhiều vướng mắc, nhất là về tổ chức bộ máy và ngân sách Vùng. Cụ thể, cơ chế phân cấp quản lý kinh tế, ngân sách và đầu tư, theo dõi, giám sát quá trình tổ chức xây dựng và thực hiện chỉ tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được đẩy mạnh, nhưng còn thiếu đồng bộ và chưa nhất quán. Nguồn lực tài chính và hiệu quả vốn ngân sách cho hoạt động của Vùng vẫn còn hạn chế. Phân định trách nhiệm, quyền hạn của Trung ương, hội đồng điều phối vùng và với cơ quan địa phương vùng vẫn chưa rõ ràng; Nhiều chỉ tiêu vẫn mang tính hành chính, phương pháp tính toán thu thập số liệu còn gặp nhiều khó khăn. Quy hoạch và thực hiện quy hoạch cho vùng TD&MNPB trên cơ sở tính đặc thù của các văn bản không rõ ràng.

"Đặc biệt, tính dàn trải khi áp dụng đồng đều các chỉ tiêu ở cấp tỉnh làm triệt tiêu hiệu quả ở cấp vùng", ông Dương chỉ rõ.

Ông Dương cũng cho rằng, những bất cập của hệ thống chỉ tiêu cũ liên quan đến vùng TD&MNPB cần tiếp tục xử lý bao gồm: Chưa có thể chế trực tiếp sử dụng kết quả theo dõi, đánh giá một số chỉ tiêu cấp vùng một cách định kỳ phục vụ công tác điều hành; phương pháp tính toán thu thập số liệu và gộp từ số liệu cấp địa phương trong vùng lên số liệu cấp vùng còn đang hoàn thiện; quy hoạch định hướng phát triển cho vùng TD&MNPB trên cơ sở tính đặc thù của các địa phương trong Vùng còn hạn chế; phân cấp thực hiện chưa rõ ràng, nguồn lực (tài chính, nhân lực) để bảo đảm xây dựng, điều chỉnh và theo dõi, giám sát các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội ở các địa phương trong Vùng còn khó khăn...

“Bản thân các chỉ tiêu đánh giá phát triển vùng TD&MNPB hiện nay vẫn chỉ cộng gộp từ các địa phương, nên chưa đánh giá được hết đặc thù của từng địa phương trong Vùng. Trong khi đó, phân cấp xây dựng, triển khai và đánh giá mục tiêu vẫn còn nhiều lúng túng, đặc biệt là ở cấp địa phương. Hội đồng điều phối vùng đã được thành lập, nhưng chưa có quy chế hoạt động, chưa có quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân, quy chế thi đua, cơ chế khen thưởng, xử phạt tập thể nếu không hoàn thành nhiệm vụ”, ông Dương thẳng thắn chỉ ra các vướng mắc.

Đồng tình với những nhận định của nhóm nghiên cứu của CIEM, PGS, TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM bổ sung: Tư duy phát triển theo địa giới hành chính và nhiệm kỳ cũng gây cản trở cho phát triển theo vùng. “Nếu vùng TD&MNPB là một tỉnh sẽ khác. Bộ máy không có, ngân sách thì 'ăn nhờ, ở đậu' thì khó có thể phát triển”, vị chuyên gia này thẳng thắn.

Khi liên kết vùng vẫn là phép cộng, thì kết quả chưa thể như kỳ vọng
Theo Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh, để thúc đẩy liên kết vùng, việc tăng cường thu thập, chia sẻ, phân tích dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, chuyển đổi số sẽ giúp Chính phủ và cơ quan điều phối phát triển vùng có cái nhìn tổng quát và khả năng theo dõi, đánh giá cập nhật hơn về tình hình phát triển kinh tế theo vùng, thay vì chỉ theo báo cáo tổng hợp của từng địa phương riêng lẻ.

Ông Bá cũng chỉ rõ, theo Hiến pháp, thì Việt Nam không có cấp vùng, do đó nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội lại giao cho cấp địa phương.

“Giả sử kiến nghị ban điều phối được chấp thuận, mà được ban hành bằng nghị định, tức là thấp hơn Hiến pháp và luật rất nhiều”, ông Bá nêu giả thuyết.

CIEM sẽ mạnh dạn nghiên cứu các giải pháp căn cơ hơn để giải quyết các vấn đề về liên kết vùng

Trong bối cảnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng TD&MNPB đến năm 2030, Nhà nước, Chính phủ, các bộ và ngành, địa phương trong Vùng cần thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu, như: (i) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế vùng và liên kết vùng, nhằm tạo động lực cho phát huy lợi thế so sánh của cả vùng và từng địa phương trong vùng; (ii) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trong đó có nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thống kê vùng TD&MNPB; (iii) Thử nghiệm xây dựng và giao chỉ tiêu ở cấp vùng, lộ trình thực hiện các chỉ tiêu cấp vùng theo từng năm, gắn với các nhiệm vụ cụ thể được Hội đồng điều phối vùng trực tiếp điều hành và theo dõi; (iv) Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thông tin, thống kê, theo dõi, đánh giá thực hiện các chỉ tiêu; (v) Thực hiện phân cấp, đổi mới trên các lĩnh vực liên quan đến phát huy lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng; (vi) Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; và (vii) Nghiên cứu điều chỉnh chế độ thống kê và chỉ tiêu kinh tế - xã hội nhằm thích ứng với xu hướng mới như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh trong điều kiện đặc thù của vùng TD&MNPB.

“Chuyển đổi số hướng tới việc quản lý, điều hành của chính quyền Trung ương tới địa phương được tối ưu, minh bạch, kịp thời, đồng thời làm giảm chi phí hành chính của doanh nghiệp, thông qua đó giúp kết nối Chính phủ và doanh nghiệp tốt hơn và kết nối giữa các doanh nghiệp và khách hàng tối ưu hơn. Từ đó, xu hướng liên kết không chỉ mang tính chất nội vùng, liên vùng mà còn mở rộng ra toàn cầu”, bà Minh nhấn mạnh và khẳng định, CIEM sẽ mạnh dạn nghiên cứu các giải pháp căn cơ hơn để giải quyết các vấn đề về liên kết vùng.

Đề xuất các giải pháp cụ thể, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, trong thời gian tới, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao phân cấp và nguồn lực tài chính cho vùng; tăng cường đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phối hợp nội vùng trong phát triển nguồn nhân lực; phân cấp xây dựng, thực hiện và đánh giá mục tiêu phải rõ ràng và khả thi; tăng cường thực quyền của Hội đồng điều phối vùng và Chủ tịch hội đồng điều phối vùng; nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ tiêu, cơ sở dữ liệu, chất lượng thông tin thống nhất.

Khẳng định, nếu bộ máy Hội đồng vùng lập ra mà không có ngân sách, không có quyền, thì sẽ khó có kết quả, nên PGS, TS. Lê Xuân Bá đề xuất, nhóm nghiên cứu kiến nghị mạnh mẽ hơn theo hướng sửa Hiến pháp, sửa luật.

Ở góc độ liên kết trong nông nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa và nông thôn Việt Nam đề xuất, phân vùng nên thuận theo tự nhiên.

“Việc không có liên kết vùng dẫn đến trường hợp nguyên liệu chỗ thừa chỗ thiếu. Các vùng cao thừa nhiều ngô, sắn, nhưng các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lại phải đi nhập nguyên liệu”, ông Quang nêu hiện tượng và kiến nghị, liên kết vùng phải tránh việc phát triển tự phát./.