Từ khóa: vùng Đông Nam Bộ, phát triển kinh tế, liên kết vùng, tiềm năng, lợi thế

Summary

The Southeast region includes 6 provinces/cities: Ho Chi Minh City, Ba Ria - Vung Tau, Binh Duong, Binh Phuoc, Dong Nai, Tay Ninh. This is a region with a particularly important strategic position in economics, politics, society, defense and security of the whole country. The article summarizes the potentials, advantages as well as the current development situation of the Region, thereby proposing a number of solutions to overcome limitations, promoting the region's economic development commensurate with its potential and advantages.

Keywords: Southeast region, economic development, regional linkage, potential, advantages

GIỚI THIỆU

Là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước, vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2022, GRDP vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38% cả nước; GRDP bình quân đầu người của vùng Đông Nam Bộ gấp 1,64 lần cả nước; tỷ lệ đô thị hóa của Vùng là 66,5%, bằng 1,8 lần trung bình cả nước (Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, 2023). Tuy nhiên, hiện nay, sự phát triển của Vùng còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tăng trưởng kinh tế đang "có dấu hiệu chững lại". Vì vậy, trong thời gian tới, cần có những “cú hích” nhằm thúc đẩy kinh tế Vùng có những bước phát triển đột phá mạnh mẽ hơn nữa.

TIỀM NĂNG, LỢI THẾ VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA VÙNG ĐÔNG NAM BỘ

Tiềm năng, lợi thế và cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ

Vùng Đông Nam Bộ có diện tích 23.551 km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước. Bên cạnh đó, tính đến năm 2022, dân số của Vùng khoảng 18,8 triệu người, chiếm 18,9% dân số cả nước, trong đó có tới 14,9 triệu người ở khu vực đô thị, đạt tỷ lệ đô thị hóa hơn 67%, cao nhất trong các vùng kinh tế - xã hội của cả nước và cao hơn nhiều tỷ lệ đô thị hóa bình quân chung cả nước năm 2022 là 41% (H.Lan, 2022).

Vùng Đông Nam Bộ từ lâu đã được xác định là vùng kinh tế đầu tàu, động lực của cả nước. Đây là vùng có địa hình rộng, đa dạng, thuận lợi phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đô thị, xây dựng hệ thống giao thông - vận tải...

Các tỉnh, thành trong Vùng liên kết, tiếp giáp với nhiều vùng khác, như: phía Bắc giáp với Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, là những vùng giàu tài nguyên, khoáng sản; phía Tây và Tây - Nam giáp Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tiềm năng lớn nhất về nông nghiệp của cả nước; phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông, giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhất là tài nguyên hải sản, dầu mỏ và khí đốt, cũng như thuận tiện kết nối với tuyến đường biển quốc tế quan trọng, nhộn nhịp bậc nhất thế giới, kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương; phía Tây Bắc tiếp giáp với Campuchia, có cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh), tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác với Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar theo tuyến đường bộ xuyên Á.

Nhờ đó, vùng Đông Nam Bộ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; là đầu tàu kinh tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước với vùng động lực TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vùng Tàu; đồng thời, là vùng kinh tế năng động, đầu mối giao thông quan trọng với đầy đủ 5 phương thức vận tải, đóng vai trò kết nối quan trọng trong giao thương với cả nước và quốc tế.

Để tận dụng những tiềm năng, lợi thế nói trên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 07/10/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 24-NQ/TW khẳng định: Vùng Đông Nam Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đông Nam Bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành theo Nghị quyết số 138/NQ-CP, ngày 25/10/2022 của Chính phủ) đã đề ra định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội với 6 vùng trên cả nước; trong đó, vùng Đông Nam Bộ được định hướng trở thành vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.

Đặc biệt, với tầm quan trọng và nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp đó, ngày 11/7/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 825/QĐ-TTg về thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, nhằm đổi mới cơ chế điều phối Vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Vùng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Kết quả đạt được

Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội và những cơ chế, chính sách của Đảng, Chính phủ trong việc tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ, những năm qua, Vùng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm (GRDP) toàn Vùng theo giá hiện hành gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra; đóng góp 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh, tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng cao; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt mức cao nhất cả nước. Đông Nam Bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của Vùng và cả nước. Tỷ lệ đô thị hoá của Vùng đạt 67%, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 79,5%, đứng thứ hai trong các vùng của cả nước (TL, 2022).

Lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được một số kết quả quan trọng; nhiều giá trị di sản văn hoá được bảo tồn, phát huy. Công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện chính sách an sinh xã hội, đổi mới giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực; tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cao nhất cả nước. Lĩnh vực y tế chuyên sâu có những thành tựu ngang tầm khu vực và thế giới. Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm. Cải cách hành chính được đẩy mạnh; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng.

Năm 2022, GRDP vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38% cả nước; GRDP bình quân đầu người của vùng Đông Nam Bộ gấp 1,64 lần cả nước; tỷ lệ đô thị hóa của Vùng là 66,5%, bằng 1,8 lần trung bình cả nước (Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, 2023).

Một số vấn đề đặt ra

Một là, mối quan hệ Vùng và liên Vùng còn chưa được quan tâm thỏa đáng. Các thể chế, chính sách liên kết cũng như hệ thống giải pháp và các hình thức tổ chức quản lý trên phương diện Vùng và liên Vùng chưa được quan tâm, nghiên cứu nhiều; chưa xây dựng được chính sách tổng thể về liên kết Vùng.

Hai là, kinh tế của Vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng ở Đông Nam Bộ từng đạt trung bình trên 10% rồi giảm rõ rệt trong thập niên gần đây, duy trì trung bình 7%-8%/năm. Đặc biệt, tăng trưởng GRDP giảm sâu trong năm 2020-2021 do tác động của dịch Covid-19. Sức hút thu hút FDI cũng suy giảm khi quy mô trung bình mỗi dự án của Vùng chỉ khoảng 10 triệu USD, thấp hơn mức bình quân cả nước là 12,42 triệu USD (Viễn Thông, 2023). Trong khi đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW đặt mục tiêu đây là Vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với mức 8%-8,5% mỗi năm giai đoạn đến 2030.

Ba là, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp Vùng, liên Vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, chưa đồng bộ. Cụ thể là: Hạ tầng giao thông liên tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ. Các tuyến đường vành đai quan trọng chưa được tập trung đầu tư, khép kín. Hạ tầng giao thông đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu và còn có sự chênh lệch giữa các tỉnh, thành phố. Tình trạng tắc nghẽn giao thông tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa bàn trong Vùng chậm được khắc phục và ngày càng nghiêm trọng.

Bốn là, công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm. Phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý (khu vực trung tâm vẫn tập trung các khu công nghiệp (KCN) cần nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp). Chưa làm chủ được công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực.

Năm là, hạ tầng xã hội quá tải, chưa đáp ứng yêu cầu. Điển hình là tình trạng quá tải ở các trường học, cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở khám, chữa bệnh công lập chậm được khắc phục. Phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân làm việc tại các KCN, khu chế xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân là do, Vùng có tốc độ tăng trưởng dân số cơ học nhanh, mật độ dân số đô thị lớn, tạo sức ép rất lớn cho hạ tầng kỹ thuật và việc giải quyết các vấn đề về nhà ở, y tế, giáo dục, an sinh xã hội.

Sáu là, thách thức của biến đổi khí hậu ở Vùng ngày càng rõ, thời tiết cực đoan, đặc biệt là tình trạng ngập lụt do triều cường, xâm nhập mặn… xuất hiện ngày càng nhiều, trong khi hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra. Việc kiểm soát khai thác nước ngầm; thu gom và quản lý nước thải, chất thải rắn, kiểm soát ngập lụt còn mang tính cục bộ. Việc quản lý ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp và đô thị còn gặp khó khăn.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT TRONG THỜI GIAN TỚI

Thứ nhất, sớm hoàn thành Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Quy hoạch phải phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh, sức cạnh tranh của Vùng, hóa giải những hạn chế yếu kém của Vùng. Cụ thể là: Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại; kết nối với các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới. TP. Hồ Chí Minh là hạt nhân, cực tăng trưởng của Vùng. Phát triển đô thị theo các đầu mối giao thông lớn, phát triển các đô thị vệ tinh kết nối thuận lợi với các trung tâm với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, giảm tải cho các đô thị lớn, đô thị trung tâm. Hạn chế mở rộng phát triển đô thị trên diện rộng, đặc biệt là tại các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, để Vùng trở thành trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế…, phải phát triển hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại TP. Hồ Chí Minh; Bình Dương; Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai); thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tỉnh Tây Ninh phải được chú trọng.

Thứ hai, tiếp tục tạo sự thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh Vùng. Đồng thời, xây dựng, thể chế hóa cơ chế điều phối và kết nối phát triển Vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động liên kết nội vùng và với Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Duyên hải Trung Bộ.

Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN với các đối tác, các nước trong khu vực và các định chế quốc tế khác, nhằm thu hút nguồn lực vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Vùng.

Thứ ba, tập trung xử lý 3 vấn đề lớn của Vùng, đó là: ách tắc giao thông; vấn đề môi trường; vấn đề nhà ở. Để làm được điều này, cần coi phát triển đô thị là động lực phát triển của Vùng. Cụ thể cần:

- Về quy hoạch, định hướng phát triển hệ thống đô thị, phân vùng chức năng và tổ chức các không gian kinh tế đô thị: phát triển vùng với mô hình tập trung - đa cực, đảm bảo sự thống nhất, cân bằng trong phát triển vùng và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

- Về chính sách phát triển nhà ở, công trình xã hội. Nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội tại vùng Đông Nam Bộ là lớn nhất cả nước. Do đó, cần đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu bắt buộc về phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của các tỉnh trong Vùng. Cần quy định Quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân theo hướng khi lập, phê duyệt quy hoạch KCN phải bố trí quỹ đất để làm nhà lưu trú, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN đó.

- Về đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, phát triển đô thị thông minh, hiện đại, quản lý đô thị: Nghiên cứu, thực hiện đầu tư có trọng tâm trọng điểm các đô thị có khả năng chống chịu, giảm phát thải, đô thị xanh, thông minh, có bản sắc và hoàn thiện hạ tầng đô thị. Đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật đầu mối, các dự án cấp nước, xử lý nước, rác thải liên vùng theo quy hoạch vùng. Đầu tư khép kín các đường vành đai, đường xuyên tâm, hệ thống giao thông công cộng đồng bộ./.

TS. Nguyễn Hữu Tịnh - Trường Đại học Thủ Dầu Một

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 26, tháng 9/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 07/10/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ (2023), Tài liệu Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, tổ chức vào ngày 18/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

3. H.Lan (2022), Nhu cầu nhà ở xã hội tại Đông Nam Bộ lớn nhất nước, truy cập từ https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/nhu-cau-nha-o-xa-hoi-tai-dong-nam-bo-lon-nhat-nuoc-i304583/.

4. TL (2022), Quán triệt và triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ, truy cập từ https://vksndtc.gov.vn/tintuc/Pages/lists.aspx?Evt=23&ItemID=10685.

5. Viễn Thông (2023), Tốc độ tăng trưởng vùng Đông Nam Bộ dần chững lại, truy cập từ https://vnexpress.net/toc-do-tang-truong-vung-dong-nam-bo-dan-chung-lai-4579969.html.