Khó khăn, thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) là rất lớn!
Sáng nay (ngày 21/12), Học viện Chính sách và Phát triển (APD), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị”.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập APD, nhằm thông qua thảo luận, trao đổi, kiến nghị của các chuyên gia, góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận về phát triển bền vững, đánh giá tiến trình phát triển bền vững một cách toàn diện hơn ở các cấp, tích hợp các chỉ tiêu phát triển bền vững vào các quy hoạch, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương, hoàn thiện khung khổ chính sách về phát triển bền vững ở Việt Nam.
PGS, TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc Học viện Chính sách và phát triển phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: ADP Media |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS. Trần Trọng Nguyên, Giám đốc APD nhấn mạnh, bối cảnh Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang phải trải qua những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, sự cạn kiệt dần của nguồn tài nguyên thiên nhiên và gần đây nhất là đại dịch toàn cầu Covid-19 và những thách thức an ninh phi truyền thống.
“Những thách thức, sự kiện cực đoan này cũng chính là vấn đề giúp chúng ta nhìn nhận ra tầm quan trọng của việc phát triển hài hòa và cân đối giữa ba trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển bền vững đã và đang trở thành nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người”, ông Nguyên chỉ rõ.
TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2022 là năm đánh dấu đi được nửa chặng đường trong thực hiện SDGs, còn đối với Việt Nam, là năm đánh dấu tròn 5 năm ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Trong khi đó, đây là năm thế giới tiếp tục phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng, xung đột có tính leo thang và liên kết chặt chẽ với nhau, phục hồi kinh tế toàn cầu sau Covid-19 đang rất mong manh, với lo ngại liên quan đến lạm phát gia tăng, gián đoạn các chuỗi cung ứng chính và nợ không bền vững ở các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, hạn hán, lũ lụt đi kèm với nhiệt độ tăng đang ảnh hưởng đến hàng tỷ người trên toàn thế giới, làm gia tăng nghèo đói, bất ổn. Có thể nói, bối cảnh hiện nay đang đặt ra những khó khăn, thách thức chưa từng có đối với kỳ vọng hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Mặc dù vậy, tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đều tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu SDGs, xem đây là cách thức duy nhất để hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn và có khả năng chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài.
17 mục tiêu phát triển bền vững SDGs của toàn cầu đã được Việt Nam quốc gia hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện CTNS 2030 (NAP) với 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia. Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị về phát triển bền vững, nhằm thúc đẩy và đưa việc thực hiện các mục tiêu SDGs là một công việc thường xuyên và định kỳ báo cáo.
Học viện Chính sách và Phát triển, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là trường đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được thành lập cách đây 15 năm theo Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 04/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Trải qua 15 năm thành lập và phát triển, Học viện định hướng trở thành trường đại học có uy tín trong hệ thống giáo dục quốc dân về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn và phản biện chính sách vĩ mô. Trong chiến lược phát triển Học viện được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt gần đây, Học viện có sứ mệnh chuyển giao tri thức, bồi dưỡng, tư vấn và phản biện chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng như của đất nước. |
Sau khi NAP được thông qua, tính đến nay, 17/22 bộ, ngành và 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Lộ trình thực hiện các mục tiêu SDGs đến năm 2030 đã được ban hành, tạo cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng các chỉ tiêu cho các chiến lược, kế hoạch, chính sách trên các ngành/lĩnh vực theo giai đoạn 5 năm, hàng năm. Nhằm theo dõi, đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu SDGs, hệ thống gồm 158 chỉ tiêu phát triển bền vững Việt Nam đã được ban hành.
Có thể nói, về cơ bản, các chính sách/hướng dẫn chung để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs đã được ban hành tương đối đồng bộ, đầy đủ và góp phần rất lớn vào việc quốc gia hóa và thực hiện các mục tiêu SDGs tại Việt Nam. Các mục tiêu phát triển bền vững SDGs đã trở thành định hướng xuyên suốt cho các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, đặc biệt là Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025, Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia, ngành và địa phương.
Các mục tiêu SDGs cũng là đề tài, chủ điểm thảo luận của các diễn đàn, hội nghị; là định hướng/phương thức hợp tác, phối hợp giữa Việt Nam và các đối tác phát triển; là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng các dự án hỗ trợ kỹ thuật và huy động nguồn lực ODA. “Không ai bị bỏ lại phía sau” đã trở thành một cụm từ được sử dụng phổ biến trên các báo, đài, chương trình truyền thông và trở nên quen thuộc với cộng đồng người dân.
TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2022 đánh dấu tròn 5 năm ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững |
Năm 2030, nhiều mục tiêu phát triển bền vững khó đạt
PGS, TS. Trần Trọng Nguyên chỉ rõ, trong quá trình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam, còn nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn đặt ra, như: Quan điểm về nội hàm và các bộ phận cấu thành phát triển bền vững, mô hình lý thuyết thực hiện phát triển bền vững ở các quốc gia; trên khía cạnh đánh giá, giám sát thực hiện phát triển bền vững, các mục tiêu phát triển bền vững chưa được định lượng bằng các chỉ số cụ thể, nên việc đánh giá còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, việc đánh giá mức độ phát triển bền vững ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào tổng thể quốc gia, chứ chưa xây dựng cho cấp độ tỉnh, thành phố; việc tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Đánh giá những thành tựu trong phát triển bền vững ở Việt Nam qua chỉ số SDG Index, TS. Lê Việt Anh cho biết, nhìn chung, Việt Nam đã có những bước phát triển khá tốt kể từ năm 2015. Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 68, tăng lên hạng 49 vào năm 2020. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, Việt Nam đã tụt xuống và đứng ở vị trí 55 vào năm 2022.
Nguyên nhân chính của việc giảm thứ hạng là do thay đổi về mặt phương pháp tính. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã bổ sung thêm một số chỉ tiêu và điểm số đối với chỉ tiêu này của Việt Nam thấp so với mức trung bình chung của năm trước đó, dẫn đến kéo điểm số của mục tiêu xuống.
Xét trong khu vực châu Á, Việt Nam được đánh giá khá tốt về tiến độ chung trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhưng việc duy trì mức độ tiến bộ gặp nhiều thách thức trong bối cảnh dịch Covid và những thách thức toàn cầu.
Về tiến độ thực hiện các mục tiêu SDGs tại Việt Nam theo góc nhìn của xếp hạng chỉ số SDGs toàn cầu (SDI), Việt Nam đạt được điểm số tốt nhất cho SDG 4 (với 97,83 điểm), theo sau lần lượt là SDG 1 (95,62 điểm) và SDG 12 (93,88 điểm). 3 mục tiêu có kết quả kém nhất lần lượt là SDG 9 (51,31 điểm), SDG 14 (48,79 điểm) và SDG 15 (46,49 điểm).
Chỉ số SDI chỉ ra rằng, Việt Nam về cơ bản đã đạt được SDG 4, còn một số thách thức trong việc thực hiện SDG 1, SDG 7, SDG 12 và SDG 13, trong khi các mục tiêu còn lại còn thách thức đáng kể hoặc thách thức rất lớn.
TS. Lê Việt Anh cũng nhận định rằng, nhiều mục tiêu phát triển bền vững khó có khả năng đạt được vào năm 2030, trong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, dịch Covid-19 để lại những hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường còn lớn, phát triển kinh tế - xã hội trong nước còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.
Thực trạng tăng trưởng kinh tế vẫn phải đối mặt với các thách thức như: Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu; phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa tạo thành động lực tăng trưởng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ; đổi mới sáng tạo, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào sự gia tăng đầu tư, trong khi nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, nguồn vốn nhà nước, vốn ưu đãi và viện trợ đều có xu hướng giảm.
Quản lý, phát triển xã hội còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Một số biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử và những vụ việc bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em gây bức xúc xã hội. Chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn.
Tình trạng phá rừng, khai thác cát, đá, sỏi trái phép còn diễn ra ở nhiều địa phương. Chất lượng môi trường ở nhiều nơi xuống cấp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực một số sông. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý kinh tế, xã hội, một số mặt còn hạn chế, bất cập. Năng lực, phẩm chất, ý thức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao; còn tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Chưa tận dụng, khai thác tốt những cơ hội và điều kiện thuận lợi trong hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, quá trình xây dựng và thực thi khung khổ chính sách phát triển bền vững còn gặp nhiều vướng mắc, hiệu lực thực thi chính sách chưa cao, sự tham gia của một số bên liên quan còn hạn chế.
Hệ thống văn bản chính sách còn cồng kềnh, phức tạp; cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, thậm chí còn chồng chéo; năng lực quản trị của các cơ quan nhà nước còn yếu, nhất là ở cấp cơ sở; công tác quản lý, điều hành của Nhà nước và quản trị doanh nghiệp tuy đã có sự cải thiện nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Một số chính sách chưa đi vào thực tiễn do mục tiêu chính sách thiếu cụ thể, thiếu tính khả thi, mục tiêu chính sách quá cao trong khi nguồn lực để thực hiện chính sách là hạn chế.
Dù khó khăn, Việt Nam vẫn cần kiên định theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững
“Khó khăn, thách thức trong thực hiện các mục tiêu SDGs là rất lớn, đặc biệt trong thời gian tới đây, song cần kiên định theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững.”, ông Việt Anh nhấn mạnh.
Theo đó, ông đề xuất tập trung vào 5 giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.
Thứ nhất, đưa ra các định hướng, giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới phát triển kinh tế bền vững.
Thực hiện thực chất, hiệu quả hơn việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số; đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ hai, tiếp tục đầu tư phát triển nguồn vốn con người, nhất là qua việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, dễ tiếp cận, công bằng và chất lượng. Đặc biệt, cần thiết lập hệ thống chuyển tuyến khả thi và nâng cao mức độ bao phủ của bảo hiểm y tế toàn dân.
Thứ ba, thúc đẩy phục hồi các ngành kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn để đảm bảo vừa phát triển kinh tế bền vững, tạo tiềm lực cho các giải pháp an sinh xã hội, nhưng đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho thực hiện các mục tiêu SDGs, đặc biệt là từ khu vực tư nhân.
Cuối cùng, tăng cường năng lực dữ liệu để cung cấp các bằng chứng kịp thời cho theo dõi, giám sát và đánh giá các mục tiêu SDGs.
TS. Nguyễn Thế Vinh, Phó Giám đốc APD cho biết, giai đoạn hiện nay thế giới và Việt Nam đều quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Theo đó, nhiều vấn đề được đặt ra và cần được giải quyết, thực thi từng bước.
"Việc xác định đúng nội hàm, tiêu chí đánh giá và mô hình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam là vô cùng quan trọng. Xác định đúng các khía cạnh trên, không chỉ là cơ sở để chúng ta tiến hành đánh giá một cách chính xác, đầy đủ thực trạng phát triển nền kinh tế đất nước trong thời gian qua đảm bảo tính bền vững như thế nào, mà còn có ý nghĩa trong hoạch định chiến lược phát triển bền vững của đất nước gắn với việc thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đáp ứng được những yêu cầu trong Khát vọng Việt Nam đến 2035 - Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, thịnh vượng", ông Vinh nói.
APD đề xuất thực hiện mô hình tăng trưởng xanh hài hòa. Trong quá trình thực hiện cần có thể chế phù hợp và các chính sách thực thi sát với thực tế. Tăng trưởng kinh tế đóng vai trò là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững. Thể chế là bệ đỡ cho phát triển bền vững, là yếu tố tạo điều kiện hình thành, duy trì các thành quả phát triển bền vững./.
Bình luận