Khối ngoại bán ròng 2,3 tỷ USD, chứng khoán Việt Nam vẫn vững!
Bức tranh thị trường tháng 9
HOSE cho biết, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 09/2021, chỉ số VN-Index đạt 1342,06 điểm, tăng 0,80% so với tháng trước, tăng 21,58% so với đầu năm; VNAllshare đạt 1379,12 điểm, tăng 1,45% so với tháng trước và tăng 33,58% so với đầu năm; VN30 đạt 1453,76 điểm, giảm 1,76% so với tháng trước và tăng 35,77% so với đầu năm.
Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM |
9 tháng đầu năm 2021, giá trị giao dịch bình quân tại sàn HOSE đạt trên 19.543 tỷ đồng/phiên với khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt 682,42 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng 294,93% về giá trị và tăng 138,29% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2020. |
Các chỉ số ngành ghi nhận sự tăng trưởng cao trong tháng này bao gồm: ngành hàng tiêu dùng (VNCOND) tăng 11,84%, ngành năng lượng (VNENE) tăng 8,82% và ngành nguyên vật liệu (VNMAT) tăng 5,76% so với tháng trước. Các chỉ số ngành sụt giảm so với tháng trước gồm có ngành bất động sản (VNREAL) giảm 2,80% và ngành chăm sóc sức khỏe (VNHEAL) giảm 8,99%.
Về thanh khoản thị trường cổ phiếu, tháng 9 có giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt khoảng 20.898 tỷ đồng và 710,18 triệu cổ phiếu, giảm 9,28% về giá trị và tăng 0,97% về khối lượng so với tháng trước. Như vậy, trong 09 tháng đầu năm 2021, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 19.543 tỷ đồng/phiên với khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt 682,42 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng 294,93% về giá trị và tăng 138,29% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng, tổng giá trị và khối lượng giao dịch cổ phiếu lần lượt đạt khoảng 417.958 tỷ đồng và 14,2 tỷ cổ phiếu, giảm lần lượt 17,52% về giá trị và giảm 8,21% về khối lượng so với tháng 08. Tính chung 09 tháng đầu năm, tổng giá trị giao dịch đạt trên 3,59 triệu tỷ đồng và tổng khối lượng giao dịch đạt trên 125,56 tỷ cổ phiếu, tương ứng tăng 290,69% về giá trị và tăng 135,73% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2020.
Về giao dịch chứng quyền có bảo đảm (CW), trong tháng 09, tổng khối lượng giao dịch CW đạt 381,7 triệu CW với giá trị giao dịch đạt 863.974.830.000 đồng. Kể từ ngày đầu tiên chính thức giao dịch, đã có 414 mã CW trên 26 cổ phiếu cơ sở của 10 tổ chức phát hành được niêm yết và giao dịch.
Về giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng đạt trên 66.229 tỷ đồng, chiếm 7,92% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường; Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị gần 7.910 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 44.680 tỷ đồng.
Trong 09 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị và khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài lần lượt đạt 592.308 tỷ đồng và 12,6 tỷ cổ phiếu.
Khối ngoại bán ròng 2,3 tỷ USD, chứng khoán Việt Nam vẫn vững, vì sao?
Theo Công ty Chứng khoán MBS, câu trả lời là ở sự tham gia ngày càng đông đảo của các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam vào kênh đầu tư chứng khoán.
Tổng quan giao dịch toàn thị trường 9 tháng đầu năm 2021 theo tính chất nhà đầu tư. Nguồn MBS |
Cụ thể, thống kê được chia sẻ tại sự kiện MBS’Talk cuối tuần qua cho biết, nếu như tổng giá trị giao dịch toàn TTCK Việt Nam là 100%, thì các cá nhân trong nước đang chiếm tới 84% trong đó. Tổ chức nước ngoài chiếm khoảng 8,5% tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường; tổ chức trong nước chiếm khoảng 6,9%, phần còn lại là của các cá nhân nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam. Với cơ cấu dòng tiền đầu tư áp đảo, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã và đang chi phối điểm số của VN-Index. Việc khối ngoại bán ròng mạnh mẽ từ đầu năm đến nay không khiến chỉ số chứng khoán suy yếu, do lực lượng này chỉ chiếm 8,5% tổng giá trị đầu tư trên thị trường.
Một quan sát đáng chú ý khác của MBS là về hướng chảy của dòng tiền đầu tư. Theo đó, tỷ trọng dòng tiền tập trung ở nhóm ngân hàng đã giảm chỉ còn 50% so với mức bình quân kể từ đầu năm 2021, hiện chiếm 16,4% toàn thị trường, nhóm dẫn đầu vẫn là nhóm vật liệu xây dựng (trong đó chủ yếu là nhóm thép) chiếm 18,3%, đứng thứ ba là nhóm chứng khoán với 11,7%.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc nghiên cứu khách hàng cá nhân MBS cho biết, số lượng tài khoản cá nhân mở mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam chạm đỉnh kỷ lục trong tháng 6/2021, với 140.054 tài khoản, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng gia tăng số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân gần đây tại Việt Nam có nét tương đồng với giai đoạn cuối năm 2014 tại Trung Quốc khi số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân hàng tháng tăng gấp 2-7 lần so với cùng kỳ năm trước. Chuyên gia MBS kỳ vọng, nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, là yếu tố quan trọng giúp thanh khoản trên TTCK tiếp tục được giữ vững.
Bình luận về việc bán ròng của nhà đầu tư ngoại, chuyên gia MBS cho rằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến áp lực rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài xảy ra tại nhiều thị trường. TTCK Việt Nam đã bị rút vốn ròng thông qua khớp lệnh lớn nhất kể từ đợt rút ròng năm 2018. Tuy nhiên, hệ số P/E của VN-Index đã giảm từ mức cao nhất 3 năm về gần hơn với ngưỡng trung bình 15 năm ở mức 16,48 lần. “Với mức định giá 16,48 lần như hiện tại, P/E của thị trường đang thấp hơn 23% so với đỉnh gần nhất là 21,4 lần ghi nhận vào tháng 3/2018”, MBS đánh giá.
MBS dự báo tích cực cho TTCK Việt Nam, dựa trên một số yếu tố cơ bản. Thứ nhất, định giá cổ phiếu vẫn đang ở mặt bằng hấp dẫn. Thứ hai, xu hướng gia tăng lợi nhuận doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ kéo dài sang năm 2022, khi đại dịch được đẩy lùi.
Hiện các doanh nghiệp trên sàn chưa công bố báo cáo quý III, nhưng thống kê đến hết quý II/2021 cho thấy bức tranh khả quan về hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này. Trong nền kinh tế, bức tranh chung cho thấy có hàng chục nghìn doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động, phá sản mỗi tháng, cả năm 2021, con số này có thể lên đến 150.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần lưu ý, các doanh nghiệp trên sàn niêm yết, sàn đại chúng hầu hết là có quy mô trung bình hoặc lớn, có hiệu quả kinh doanh đạt quy chuẩn theo luật định, nên có thể coi đây là những doanh nghiệp vững vàng hơn, thuộc TOP trên trong nền kinh tế Việt Nam.
Về hiệu quả của các doanh nghiệp trên sàn, MBS cho biết, doanh thu thuần quý II/2021 của 770 doanh nghiệp phi tài chính (chiếm 92,6% vốn hóa TTCK Việt Nam) tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020 trong khi lợi nhuận sau thuế duy trì tăng cao hơn (+81,7% YoY) phần lớn nhờ biên lợi nhuận cải thiện tại các ngành hưởng lợi từ giá cả hàng hóa tăng cao do “đứt gãy” chuỗi cung ứng tạm thời. Với nhóm tài chính, tổng thu nhập hoạt động vẫn tăng 42,5% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm so với quý trước đó, tuy vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ 42,6%.
Tính đến hết ngày 30/09/2021, sàn HOSE có 488 mã chứng khoán giao dịch trong đó gồm: 401 mã cổ phiếu, 02 mã chứng chỉ quỹ đóng, 07 mã chứng chỉ quỹ ETF, 57 mã chứng quyền có bảo đảm và 21 mã trái phiếu. Tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 111,3 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 5,13 triệu tỷ đồng, đạt khoảng 81,59% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành). Đến hết tháng 9, trên HOSE đã có 39 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó có 4 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD, bao gồm: Tập đoàn Vingroup (VIC), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG)./.
Bình luận