Nhà đầu tư ngoại ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững

Kỳ vọng vốn ngoại mang xu thế đầu tư bền vững vào Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Thành viên phụ trách HĐQT, Sở GDCK TP.HCM

Hiện có nhiều quỹ đầu tư tiếp cận HOSE, đề nghị xây dựng các chỉ số mới để thành lập quỹ ETF, trong đó rất quan tâm tới các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tại doanh nghiệp

Chia sẻ tại cuộc Tọa đàm về Cơ hội trên TTCK Việt Nam do Báo Đầu tư tổ chức sáng 28/7/2021, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Thành viên phụ trách HĐQT, Sở GDCK TP. HCM cho biết, nếu như trước đây, nhà đầu tư trong nước chiếm trên 70% giá trị giao dịch chứng khoán thì nay, tỷ trọng này là 83%.

Cũng theo bà Việt Hà, nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm tổng số khoảng 6% giá trị giao dịch toàn thị trường, tổ chức trong nước chiếm khoảng 7% trong tổng số giá trị giao dịch (trước đó 2019 là 16%, 2020 là 10%). Cơ cấu giao dịch trên TTCK Việt Nam cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khối tổ chức, không giao dịch quá nhiều. Họ chọn lựa đầu tư theo cách riêng của họ.

Như bà Việt Hà chia sẻ, xu hướng đầu tư mà Việt Nam muốn hướng tới giống như các TTCK nước ngoài đã có từ lâu, đó là đầu tư vào các doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững. Hiện có nhiều quỹ đầu tư tiếp cận HOSE, đề nghị xây dựng các chỉ số mới để thành lập quỹ ETF, trong đó rất quan tâm tới các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tại doanh nghiệp. Các quỹ này toàn là nhà đầu tư nước ngoài, mang xu thế đầu tư trên thế giới vào Việt Nam. “Tôi hy vọng xu thế đầu tư này có ảnh hưởng tới nhà đầu tư trong nước, khi quyết định đầu tư nên quan tâm tới phát triển bền vững doanh nghiệp”, bà Hà nói.

Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài hiện sở hữu khoảng 18,5-20% tổng số cổ phiếu trên toàn TTCK Việt Nam. Giá trị danh mục đầu tư của khối ngoại tại Việt Nam khoảng 45-50 tỷ USD, tùy theo thời điểm thị trường.

Làm mới nghĩa vụ nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam

Cũng liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa có văn bản hướng dẫn những điểm mới trong Thông tư số 51/2021/TT-BTC về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam.

Kỳ vọng vốn ngoại mang xu thế đầu tư bền vững vào Việt Nam
Doanh nghiệp, nhà đầu tư chờ đợi, nhà quản lý hướng dẫn cụ thể, kịp thời về tỷ lệ room trên TTCK Việt Nam
Theo phản ánh từ doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư chi tiết nhiều nội dung, nhưng thực tế họ vẫn gặp khó khăn trong việc xác định tỷ lệ vốn ngoại được sở hữu tối đa tại một doanh nghiệp cụ thể.

Thông tư 51/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực từ ngày 16/08/2021, thay thế Thông tư số 123/2015/TT-BTC. Một số điểm mới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lưu ý trong văn bản mới gồm:

Thứ nhất, bổ sung đối tượng áp dụng là thành viên bù trừ và tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài. Đây là những đối tượng được quy định mới tại Luật Chứng khoán và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP và là các tổ chức trực tiếp cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, liên quan đến việc mở tài khoản lưu ký của nhà đầu tư nước ngoài, Thông tư 51/2021/TT-BTC quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài có thể mở tài khoản tại cả ngân hàng lưu ký và công ty chứng khoán. Tuy nhiên, việc mở tài khoản lưu ký phải đảm bảo chỉ được mở duy nhất 01 tài khoản lưu ký trong hệ thống ngân hàng lưu ký và tại mỗi công ty chứng khoán chỉ được mở 01 tài khoản lưu ký.

Thứ ba, liên quan đến nghĩa vụ báo cáo sở hữu, công bố thông tin của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan, Thông tư 51/2021/TT-BTC đã bổ sung thêm quy định hướng dẫn cập nhật thông tin khi thay đổi số lượng nhà đầu tư nước ngoài trong nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan nhưng không có sự thay đổi về đại diện báo cáo sở hữu, công bố thông tin. Trong trường hợp này, tổ chức hoặc cá nhân được chỉ định, ủy quyền chỉ cần cập nhật danh sách nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan, kèm theo giấy ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài mới, không yêu cầu toàn bộ các nhà đầu tư nước ngoài hiện hữu ký lại giấy chỉ định, ủy quyền.

Thứ tư, các mẫu biểu báo cáo của Trung tâm lưu ký chứng khoán, thành viên lưu ký, các tổ chức cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài tại Thông tư 51/2021/TT-BTC đã được giản lược, điều chỉnh lại.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Thông tư 51/2021/TT-BTC góp phần hoàn chỉnh hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 155/2021/NĐ-CP liên quan đến hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài. Các điểm mới của Thông tư 51/2021/TT-BTC vừa đảm bảo nhu cầu quản lý, giám sát vừa góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức cung cấp dịch vụ có liên quan, tạo điều kiện thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Cùng với Luật Chứng khoán và các quy định hướng dẫn thi hành, Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư đã định danh 58 ngành nghề kinh doanh hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư đã được làm mới và chi tiết nhiều hướng dẫn, nhưng doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài vẫn gặp khó khăn trong xác định tỷ lệ sở hữu tối đa được phép của vốn ngoại trong một doanh nghiệp cụ thể. Đây là điểm các cơ quan liên quan cần tiếp tục tháo gỡ, tạo sự dễ hiểu và minh bạch cho doanh nghiệp, cho vốn ngoại, trong mục tiêu thu hút dòng vốn ngoại đầu tư bền vững vào Việt Nam./.

Ai quyết cho doanh nghiệp nới room? Ai quyết cho doanh nghiệp nới room?

Đại hội đồng cổ đông của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh thông qua quyết định nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu ...

Room sẽ tự mở lên 100% hay doanh nghiệp phải quyết và trình lên? Room sẽ tự mở lên 100% hay doanh nghiệp phải quyết và trình lên?

- 58 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ định ...