Hai động lực cho chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn bình thường mới
MBB, VPB (ngành ngân hàng); VHM, VRE, KBC (ngành bất động sản); VND (ngành chứng khoán); GAS, PLX, PVT (ngành dầu khí); POW (ngành điện); HPG (ngành thép); GVR (ngành cao su); DBC (ngành chăn nuôi)… là những mã chứng khoán được Công ty Chứng khoán MB (MBS) khuyến nghị đáng đầu tư, đón đầu xu hướng nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Kinh tế thế giới hồi phục tốt hơn trong năm 2021
MBS’Talk 20 được MBS tổ chức theo hình thức trực tuyến vào cuối tuần qua thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư. Các phân tích và dự báo diễn biến kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam và chỉ ra cơ hội trên TTCK được các chuyên gia MBS chia sẻ rõ nét tại sự kiện này.
Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS chia sẻ, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2021 với động lực của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản. Lãi suất thấp và các gói kích thích tài khóa và giải pháp vaccine vẫn là yếu tố hỗ trợ nền tảng. Áp lực lạm phát đang lớn dần khi giá cả nhiều loại hàng hóa tăng mạnh mẽ bởi nguồn cung thiếu hụt trong khi nhu cầu rất lớn.
IMF đã nâng dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm 2021 toàn cầu lên 6% trong năm 2021 dựa trên nhiều yếu tố hỗ trợ nền kinh tế thế giới phục hồi như lãi suất thấp và các gói kích thích tài khóa và giải pháp vaccine…
Trong bức tranh sáng dần của kinh tế thế giới, điểm đáng lưu ý với giới đầu tư tài chính là việc các ngân hàng trung ương lớn vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Riêng với Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), Chủ tịch FED mới đây có gợi ý đã đến lúc giảm tốc việc mua lại tài sản từ ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, cho đến nay, thống đốc nhiều ngân hàng trung ương vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của các gói kích thích tài khóa từ chính phủ các nước phải được ban hành để phát huy tối đa hiệu quả của chính sách nới lỏng tiền tệ, đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế.
Việt Nam: Tăng trưởng âm quý III/2021, phục hồi trong năm 2022
MBS cho rằng, kinh tế Việt Nam gặp khó khăn trong quý III (tăng trưởng GDP giảm 6,17%) là do ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội kéo dài tại các thành phố kinh tế trọng điểm. MBS đánh giá, triển vọng tăng trưởng GDP giảm xuống mức 3,8% cả năm 2021, nhưng triển vọng năm 2022 là GDP tăng trên 7% khi toàn bộ nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường.
Liên quan đến dòng chảy của tiền, chuyên gia MBS đánh giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát ra các tín hiệu thận trọng trong công tác điều hành chính sách tiền tệ. Cụ thể, NHNN vẫn giữ nguyên mặt bằng các mức lãi suất điều hành và định hướng duy trì ổn định trong thời gian tới, tuy nhiên đã đưa ra động thái thận trọng khi thay đổi chính sách mua vào USD từ mua giao ngay sang mua kỳ hạn 6 tháng.
Cùng với đó, NHNN chấp thuận nới "room" tín dụng cả năm từ mức cao nhất là 10-12% lên mức 15% cho một số ngân hàng thương mại trong nước. Các ngân hàng được nới room tín dụng lần này đa phần là những ngân hàng đã đáp ứng tốt chuẩn Basel II, một số đã bước sang lộ trình Basel III, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, hạn chế cho vay lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
MBS dự báo, mặt bằng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên trong các tháng cuối năm. Mặt bằng lãi suất huy động tại các NHTM sẽ có xu hướng gia tăng nhẹ khoảng 0,25% do nhu cầu tín dụng tăng trong khi huy động vốn sẽ cạnh tranh hơn do các kênh đầu tư tài sản đang sôi động.
Hai động lực cho chứng khoán Việt Nam giai đoạn bình thường mới
Kịch bản TTCK Việt Nam dựa trên khả năng nâng hạng sắp tới |
Trong tầm nhìn trung hạn, MBS dự báo, TTCK thế giới có thể sẽ đối mặt với đà tăng chậm dần, khi trạng thái tiền lỏng không còn dồi dào như thời kỳ đầu các nền kinh tế phải đối mặt với Covid-19.
Tuy nhiên, bức tranh TTCK Việt Nam có những nét khác, do tính chất thị trường mới nổi và còn dư địa rất lớn từ dòng tiền đầu tư cá nhân.
Dòng tiền vào thị trường cổ phiếu Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực trong nửa cuối 2020 và 9 tháng đầu năm 2021 khi thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư có lợi suất hấp dẫn nhất. Thanh khoản duy trì tăng mạnh mẽ nhất lịch sử trong chu kỳ 20 năm vừa qua. Cùng với đó, định giá theo chỉ số P/E của VN-Index vẫn khá hợp lý, động lực tăng đến từ triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.
Trong bối cảnh đại dịch chưa thực sự được khống chế, hiệu quả kinh doanh của khối DN niêm yết dự báo sẽ tiếp tục giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2021, nhưng điểm đáng chờ đợi của TTCK Việt Nam còn có 2 câu chuyện khác. Đó là việc cổ phần hóa của các DNNN và cơ hội nâng hạng vào thị trường mới nổi. Đây tiếp tục là những động lực dài hạn của thị trường
Trong kịch bản cơ sở, MBS dự báo, tháng 6/2022 Việt Nam sẽ vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI và chính thức thông báo vào tháng 6/2024. Hiện nay, xét về vốn hóa, hiện tại vốn hóa trên HOSE đang cao hơn so với thị trường Phillipines và tiệm cận gần sát với thị trường Malaysia. Về thanh khoản bình quân ngày trên HOSE đang gần như ngang bằng với các thị trường như Indonesia, Singapore và cao hơn so với Malaysia và Phillipines. Đây là những yếu tố tích cực, ủng hộ cho kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm được ghi nhận vào danh sách các thị trường được xem xét nâng hạng.
MBS ước tính, việc Việt Nam đưa vào chỉ số FTSE EM sẽ thu hút ít nhất 355 triệu USD dòng vốn thụ động nước ngoài, theo tỷ trọng của thị trường sẽ vào khoảng 0,36% - 0,41%. Trong khi đó, việc Việt Nam được đưa vào Chỉ số MSCI EM có thể thu hút ít nhất 327 triệu USD dòng vốn thụ động nước ngoài, vì tỷ trọng của thị trường dự kiến vào khoảng 0,69% - 0,78%.
Các doanh nghiệp Nhà nước sẽ thoái vốn trong thời gian tới
Cổ phần hóa các doanh nghiệp tốt có thể tạo nên động lực lớn thu hút dòng tiền đầu tư |
Về hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước, MBS cho biết, lũy kế giai đoạn 2016 - 7 tháng đầu năm 2021, đã có 183 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp gần 490 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng hơn 20% số đó (39 doanh nghiệp) đã thực hiện cổ phần hóa. Tương tự, tiến độ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước cũng chưa đạt kế hoạch đề ra. Do đó, dư địa các doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Việt Nam còn rất lớn. Trong đó, một số doanh nghiệp lớn đang được tập trung hoàn thành IPO và thoái vốn trong thời gian tới gồm: Agribank, VNPT, MobiFone, Sabeco (SAB), Tập đoán FPT (FPT), Tổng CTCP Bảo Minh (BMI)…
Trong giai đoạn bình thường mới, Chính phủ sẽ thúc đẩy các hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước trong nền kinh tế. MBS cho rằng, diễn biến này sẽ mở ra những cơ hội đầu tư hấp dẫn và góp phần mở rộng quy mô và gia tăng thanh khoản thị trường.
Đón đầu cơ hội nền kinh tế và sự khởi sắc của TTCK trong bối cảnh bình thường mới, các chuyên gia MBS khuyến nghị một số mã đầu tư cụ thể. Chẳng hạn, trong ngành ngân hàng, các mã đáng xem xét là MBB, VPB; ngành bất động sản là VHM, VRE, KBC; ngành chứng khoán là VND, MBS; ngành dầu khí là GAS, PLX, PVT; ngành điện là POW; ngành thép là HPG; ngành cao su là GVR; ngành chăn nuôi là DBC…/.
Bình luận