Không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong các dự án luật
Tránh tình trạng "có tiền mà không tiêu được"
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2024. Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với 3 đề nghị xây dựng luật, 3 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh.
Các dự án luật, pháp lệnh gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các đề nghị xây dựng luật gồm: Đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Nguồn: VGP |
Trong đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi), các đại biểu quan tâm các chính sách nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, khơi thông nguồn lực, phát huy vai trò của đầu tư công; việc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đầu tư công; các cơ chế, công cụ đánh giá hiệu quả và giám sát, kiểm tra, đôn đốc trong việc thực hiện đầu tư công…
Với nội dung trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm một số quan điểm chỉ đạo: Cần thực sự tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải phóng nguồn lực đầu tư công, phát huy hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí, tránh tình trạng "có tiền mà không tiêu được", tránh dự án kéo dài; cương quyết cắt giảm thủ tục rườm rà không cần thiết, bỏ cơ chế xin cho gây phiền hà, sách nhiễu, ách tắc, tạo môi trường không lành mạnh; có cơ chế xử lý các vấn đề, tình huống cấp bách, đột xuất, việc cần làm ngay; sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi cho linh hoạt, hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Nguồn: VGP
|
Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, các đại biểu thảo luận về 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật, như: Quy định điều chỉnh quy hoạch; việc mở rộng, đa dạng hóa lĩnh vực, hình thức, phương thức thực hiện dự án đối tác công tư; việc xử lý khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao), BT (Xây dựng - Chuyển giao) chuyển tiếp; phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Về đề nghị xây dựng luật này, Thủ tướng lưu ý hiện việc triển khai các dự án đối tác công tư có nhiều vướng mắc; cần nghiên cứu chính sách để tháo gỡ, khơi thông, huy động mọi nguồn lực của xã hội cho phát triển; mở rộng các lĩnh vực hợp tác công tư; khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực như: kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Cũng tại phiên họp, Chính phủ thảo luận về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế, nhằm xử lý các vướng mắc pháp luật, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là về thẩm quyền quyết định thu, chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, quản lý thị trường phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Đối với dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ thống nhất đề nghị bổ sung một số nhóm hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; sửa đổi, bổ sung một số quy định về người nộp thuế; thời điểm xác định thuế; giá tính thuế; thuế suất; các căn cứ tính thuế; quy định về hoàn thuế, khấu trừ thuế, giảm thuế…
Về dự án luật trên, Thủ tướng cho rằng, rà soát kỹ các mặt hàng chịu thuế để hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội và mục tiêu hạn chế được mặt tiêu cực từ việc tiêu thụ các mặt hàng chịu thuế, bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường; nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ để quy định điều chỉnh thuế đối với một số mặt hàng, dịch vụ bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội phát triển và mức sống của người dân được nâng cao; nghiên cứu để bổ sung giao Chính phủ quy định hướng dẫn đối với một số mặt hàng thuộc nhóm hàng hóa chịu thuế để kịp thời bổ sung danh mục các hàng hóa là đối tượng chịu thuế, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế, tạo sự công bằng khi áp dụng thuế một cách chính xác đối với từng mặt hàng, không bỏ lọt đối tượng chịu thuế.
Với dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm sinh kế cho người dân; đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và tăng cường hợp tác quốc tế về thuế; tạo môi trường pháp luật thống nhất, đồng bộ, khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành; thiết kế công cụ thu thuế hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong quản lý thuế; bảo đảm xây dựng cơ sở thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống thất thu thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế; giảm bớt thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho việc thu thuế và nộp thuế, nâng cao ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ người nộp thuế…
Công tác tổ chức thực hiện pháp luật phải nghiêm túc, sáng tạo, hiệu quả
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến, hoàn thiện các đề nghị, dự án luật, pháp lệnh; đồng thời tiếp tục tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện các dự thảo luật; giao Phó Thủ tướng được phân công theo lĩnh vực phụ trách quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện các nội dung nêu trên.
Tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến đối với 11 luật; xem xét, thông qua 14 luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nguồn: VGP |
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý 5 yêu cầu sau đây với công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện các dự án luật:
Thứ nhất, quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh phải bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đi vào cuộc sống, tránh việc khi ban hành quy định rồi lại vướng mắc, không làm được.
Thứ hai, các cơ quan Nhà nước tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, gồm xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, thể chế, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, tiêu chí, công cụ để giám sát kiểm tra, thực hiện sơ kết, tổng kết…
Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, đồng thời phân bổ các nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm các khâu trung gian, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Thứ tư, không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực trong các dự án luật, đặt lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên hết.
Thứ năm, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực với phương châm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp"; kế thừa những quy định còn phù hợp, có tác động tích cực trong luật hiện hành; cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa; quản lý được nhưng phải thông thoáng và rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.
“Các bộ, cơ quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội trong việc trình, thẩm tra, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; lắng nghe, cầu thị tiếp thu ý kiến đối tượng tác động, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn, người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận cao.”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Thời gian tới Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV không còn nhiều, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành các dự án luật; đồng thời theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc ban hành văn bản quy định chi tiết và tình hình tổ chức thi hành pháp luật theo quy định; xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
“Công tác tổ chức thực hiện pháp luật phải nghiêm túc, sáng tạo, hiệu quả, nếu có vướng mắc thì phải đề xuất sửa đổi; không để xảy ra vướng mắc gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp, người dân, ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của Luật do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết.”, Thủ tướng lưu ý./.
Bình luận