Khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký thành lập doanh nghiệp
Ngày 21/04/2016, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Tọa đàm Nghiên cứu thúc đẩy hộ kinh doanh hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Theo báo cáo về Thực trạng hoạt động của hộ kinh doanh ở Việt Nam của CIEM, năm 2014, cả nước có khoảng 4,6577 triệu hộ kinh doanh (gấp 10 lần số doanh nghiệp đang hoạt động), phân bố tương đối đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Các hộ kinh doanh chủ yếu hoạt động trong khu vực thương mại – dịch vụ, trong đó công nghiệp và xây dựng; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy…; dịch vụ lưu trú và ăn uống; kinh doanh bất động sản là 4 lĩnh vực có hộ kinh doanh hoạt động nhiều nhất.
Đánh giá về vai trò của hộ kinh doanh trong nền kinh tế Việt
Tuy nhiên, ông Trung cũng cho biết, bên cạnh các lợi thế, như: bộ máy quản lý gọn nhẹ, linh hoạt, chi phí tuân thủ thấp, thuê lao động dễ dàng… thì hộ kinh doanh cũng có nhiều điểm bất lợi, đó là: kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, nhiều hạn chế trong năng lực kinh doanh, ứng dụng công nghệ, khả năng tiếp cận vốn thấp, trình độ quản lý dẫn đến năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp, đóng góp cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn mờ nhạt.
Theo bà Nguyễn Thị Luyến, Phó trưởng ban Phụ trách ban Thể chế kinh tế, CIEM, hiện nay các hộ kinh doanh còn có những bất lợi về mặt pháp luật so với các loại hình doanh nghiệp khác. Ví dụ như, đối với quyền kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp 2014, thì các hộ kinh doanh bị hạn chế về số lượng lao động (dưới 10 lao động), chỉ được đăng ký kinh doanh tại 1 địa điểm, phạm vi kinh doanh bị giới hạn, không thể tham gia vào một số ngành yêu cầu phải có tư cách pháp nhân...
“Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa coi hộ kinh doanh là đối tượng được thụ hưởng mà chỉ có các doanh nghiệp là đối tượng được thụ hưởng. Do đó, việc hộ kinh doanh đăng ký trở thành doanh nghiệp sẽ giải quyết được các điểm bất lợi trên”.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Ở góc độ khác, ông Trần Tiến Cường, Nguyên Trưởng ban Cải cách và Phát triển Doanh nghiệp, CIEM cho biết, việc quản lý đối với các hộ kinh doanh ở Việt Nam còn khó kiểm soát vì kinh doanh nhỏ lẻ, tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý, như: trốn thuế, kinh doanh trái phép... gây thất thoát vốn nhà nước, cũng như gây rối loạn, mất trật tự xã hội.
“Chính vì vậy, việc đăng ký trở thành doanh nghiệp không chỉ giúp cho công tác quản lý mà còn có lợi cho chính bản thân hộ kinh doanh”, TS. Trần Tiến Cường cho biết.
Theo đó, TS. Trần Tiến Cường kiến nghị, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Tuy nhiên, tại tọa đàm cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không phải hộ kinh doanh nào cũng cần khuyến khích đăng ký doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng ban Kinh tế, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (Depocen), hộ kinh doanh chia thành 2 loại đối tượng: Đối tượng thứ nhất là các hộ buôn bán nhỏ lẻ và thứ hai là các hộ kinh doanh làm ăn phát đạt, có nhiều điều kiện phát triển.
“Chính đối tượng thứ hai mới cần phải có chính sách khuyến khích đăng ký thành lập doanh nghiệp”, ông Anh nhấn mạnh./.
Bình luận