Kỳ vọng thu hẹp khoảng cách cho vùng sâu, vùng xa ở các nền kinh tế APEC thông qua nền tảng số
Phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa ngày càng được các nền kinh tế APEC quan tâm
Theo ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, trong bối cảnh APEC, vùng sâu, vùng xa không chỉ được hiểu là khu vực nông thôn, các thành phố cũng có thể được coi là vùng sâu, vùng xa nếu không thể hoặc gặp khó khăn khi kết nối với các mạng lưới kinh tế và không thể tận dụng được các cơ hội kinh tế.
Với cách tiếp cận bao quát này, các vấn đề của vùng sâu, vùng xa có thể được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau, không chỉ giới hạn ở việc cung cấp hỗ trợ hoặc trợ cấp, mà còn tập trung vào việc khai thác tiềm năng kinh tế, cải thiện kết nối và làm cho các vùng này trở nên tự chủ hơn.
Vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn về mặt khoảng cách địa lý, tiếp cận dịch vụ, những hạn chế về nguồn vốn, nguồn nhân lực.
Vì vậy, những năm gần đây, phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa ngày càng được các nền kinh tế APEC quan tâm, coi đây là yếu tố quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển bền vững của các nền kinh tế APEC.
Ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo |
Theo đó, ông Quang cho biết, nếu tập trung vào các tiềm năng phát triển kinh tế của vùng sâu, vùng xa sẽ đóng góp một cách đáng kể về bền vững, tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế. Các khu vực này có thể tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có và phát triển các ngành nghề công nghiệp đa dạng, thúc đẩy du lịch, nông nghiệp, phát triển đặc khu kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài.
Để vùng sâu, vùng xa phát triển, công nghệ thông tin – truyền thông sẽ đóng vai trò thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp; hỗ trợ, đóng góp tích cực vào sự tham gia và chuyển đổi nền kinh tế, tham gia nền kinh tế số, từ đó giảm bớt tác động đói nghèo, tình trạng thiếu kết nối, thúc đẩy và tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Cũng theo ông Quang, hậu đại dịch Covid-19, các nền kinh tế đang nỗ lực theo đuổi mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, nên phải đối mặt với nhiều thách thức hơn, nhưng đồng thời cũng có nhiều cơ hội khai thác công nghệ thông tin – truyền thông, qua đó nắm bắt hiện thực hóa cơ hội kinh tế.
Thông qua phát triển công nghệ thông tin – truyền thông ở vùng sâu, vùng xa cũng sẽ thu hẹp khoảng cách, sự chênh lệch giữa các vùng miền.
Hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông của những khu vực này còn hạn chế
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, họ đặc biệt quan tâm đến thị trường vùng sâu, vùng xa và mong muốn đưa hàng hoá về những khu vực này. Vì bên cạnh mong muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, còn mong muốn hàng hoá của doanh nghiệp có thể lan toả đến mọi vùng, miền và đến được với nhiều người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hạn chế khi đưa hàng hoá về khu vực này chính là hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông của những khu vực này còn hạn chế, gây ra những trở ngại cho người dân trong tiếp cận sản phẩm và người tiêu dùng trong tiếp cận thị trường.
Thừa nhận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường vùng sâu, vùng xa, ông Arndt Husar - Chuyên gia quản lý công cao cấp (chuyển đổi kỹ thuật số) - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, để thúc đẩy cơ hội kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, thì chuyển đổi số là yêu cầu cần thiết, đây cũng được ví như “chìa khoá” giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường.
3 xu hướng số các tổ chức, doanh nghiệp APEC cần quan tâm
Để thúc đẩy kết nối số, ông Arndt Husar cho biết, có 3 xu hướng số các tổ chức, doanh nghiệp APEC cần quan tâm, đó là:
(i) Xu hướng đầu đầu tiên là các dòng dữ liệu đang ngày càng tăng lên, tốc độ tăng lên, độ trễ thấp hơn, kết nối hiệu quả hơn.
(ii) Xu hướng số thứ hai là trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu. Ngày nay học máy có thể mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.
(iii) Xu hướng ba là những công nghệ mới nổi, đột phá như là fintech (ví, ngân hàng số và hệ thống thanh toán giá trị thấp); tự động hóa và robot (được kích hoạt bởi điện toán phổ biến, công nghệ đám mây và AI); công nghệ không gian (giảm chi phí phóng, xây dựng nhanh chóng các chùm vệ tinh quỹ đạo trái đất thấp, độ trễ thấp; sự tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghệ khí hậu, bao gồm các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, tăng hiệu quả lưu trữ năng lượng, tư vấn cây trồng thông minh…
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Ari Soegeng Wahyuniarti, Trưởng phòng dịch vụ công nghệ thông tin và xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia cho biết, nước này có lộ trình chuyển đổi số với 6 định hướng chiến lược để kết nối miền Đông và miền Tây của Indonesia trên hạ tầng số toàn diện, an toàn, tin cậy với các dịch vụ chất lượng cao.
Chuyển đổi số Indonesia tập trung 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số, công dân số. Indonesia có 70% dân số, tương đương 210 triệu người đang sử dụng internet nhưng vẫn còn khoảng trống cần thu hẹp. Theo đó, Indonesia có chương trình không để ai lại phía sau, cung cấp internet ở vùng sâu, xa khó khăn.
Indonesia cũng thực hiện dự án BAKTI, nhằm cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông và trao quyền cho các hệ sinh thái bằng cách quản lý quỹ phổ cập dịch vụ (USO) với sự tham gia của các nhà mạng và khai thác viễn thông. Đến năm 2021, BAKTI Kominfo được ủy thác sử dụng ngân sách nhà nước (APBN).
Cụ thể, dự án thúc đẩy sử dụng công nghệ, trong đó có công nghệ vệ tinh phủ sóng ở các làng, xã, nông thôn…, từ đó tăng tỷ lệ tiếp cận internet để thúc đẩy các dịch vụ giáo dục, y tế từ xa…
BAKTI cũng thúc đẩy xây dựng các trạm BTS, phủ sóng 4G đến hàng ngàn làng, xã để người dân được tiếp cận internet. Trong giai đoạn 2019-2021, dự án cũng tập trung cho các hệ sinh thái, thúc đẩy khả năng số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển, tích lũy tài sản số…
Indonesia cũng có nền tảng cửa hàng trực tuyến BUMDesMart. Mục đích của chương trình này là khuyến khích các cửa hàng và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong làng số hóa doanh nghiệp của họ, mở rộng thị trường và sử dụng cơ sở hạ tầng do BAKTI xây dựng một cách hiệu quả. BUMDesMart cũng thực hiện kiến thức kỹ thuật số, vận hành các cửa hàng trực tuyến, tiếp thị sản phẩm, đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho các trang web dịch vụ…/.
Bình luận