Xây dựng nền tảng số tạo động lực phát triển kinh tế số Việt Nam
Nền tảng số đột phá cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao thu nhập bình quân đầu người
Phát biểu khai mạc Hội thảo Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam, do Báo Đầu tư tổ chức vào sáng 30/9 tại Hà Nội, ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư nhấn mạnh, chuyển đổi số, kinh tế số, nền tảng số, đổi mới sáng tạo... giờ đây không còn là khái niệm mới mẻ, xa lạ mà đã trở thành xu hướng chủ đạo, thành mục tiêu và là nhiệm vụ căn bản đối với nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam đã đưa ra tầm nhìn đến năm 2030 sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam |
Phát triển số với tạo tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số trở thành một trong những phương thức phát triển chủ đạo mới để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng và kiên cường trước các thách thức trong thế giới nhiều biến động và khó dự báo trước. Phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.
Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin- viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hoá cấu trúc nền kinh tế.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tương ứng 20% và 30% GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% vào năm 2025, tăng lên gấp đôi vào năm 2030, và Việt Nam sẽ nằm trong số 30 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh và đổi mới sáng tạo vào cuối thập kỷ này.
“Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Đó cũng là một quan điểm cơ bản trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cũng theo quan điểm này, hợp tác quốc tế là giải pháp quan trọng để thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là thúc đẩy chuyển đổi số trong xã hội. Tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới để nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, tiên phong áp dụng công nghệ mới, mô hình mới vào Việt Nam”, ông Lê Trọng Minh cho biết.
Theo ông Minh, trong các nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số, việc phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu có vai trò quan trọng đối với Việt Nam. Nội dung này bao gồm xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng, chất lượng cao trên toàn quốc; quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, sớm thương mại hoá mạng di động 5G; mở rộng kết nối internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực; phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT)…
Bên cạnh đó, cần phát triển nền tảng số mang tính thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số diễn ra một cách tự nhiên, khai mở giá trị mới, mang lại lợi ích rõ ràng cho xã hội; tập trung xây dựng và làm chủ công nghệ điện toán đám mây với các mô hình triển khai như đám mây công cộng, đám mây dùng riêng, đám mây lai và các loại hình dịch vụ cung cấp trên đám mây khác nhau, phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước và xã hội; lựa chọn ưu tiên nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có thể đi tắt đón đầu cũng như có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, thực tế ảo, thực tế tăng cường…
Chuyển đổi số và ứng dụng số trở thành xu hướng ngày càng mạnh mẽ
Thông tin tại Hội thảo về xu hướng chuyển đổi số trong khu vực và trên toàn cầu hiện nay, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo nghiên cứu gần đây của Tractica, trí tuệ nhân tạo (AI) sẵn sàng tạo ra gần 11 tỷ USD hàng năm cho các công ty viễn thông vào năm 2025 và dự báo sẽ tăng trưởng hơn nữa khi lĩnh vực ứng dụng AI tiếp tục mở rộng.
Các diễn giả trao đổi tại phiên tọa đàm |
Khảo sát của Arthur D. Little đối với đại diện 80 nhà mạng trên thế giới (66% các nhà mạng này đã triển khai AI trong hoạt động vận hành khai thác) cho thấy, 71% đề cập đến việc cải thiện trải nghiệm của khách hàng là một trong những lợi ích chính của việc triển khai AI; việc tối ưu hóa hoạt động mạng đứng vị trí thứ 2 với 63% số người được hỏi; cải thiện hiệu quả lao động (39%); cải thiện việc ra quyết định (31%) và giảm OPEX (29%).
Bên cạnh đó, khảo sát của TMForum 2023 về tiềm năng của AI cho telcos cho thấy, 87% số người khảo sát cho rằng AI / học máy sẽ có tác động tích cực đến trải nghiệm khách hàng hoặc quản lý quan hệ khách hàng và 85% phản hồi dành cho các hoạt động (mạng). Về triển khai thực tế AI, 55% số người được hỏi cho biết họ đã đạt được tiến bộ tốt trong việc sử dụng AI và học máy trong các lĩnh vực khác nhau của hoạt động kinh doanh, 45% vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm hoặc chỉ đang nghiên cứu tiềm năng của AI.
Khảo sát của Omdia 2024 cho thấy, hầu hết các mạng đều tin tưởng rằng, GenAI sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của họ trong vòng hai năm tới. Các nhà mạng có niềm tin cao vào GenAI đang chuyển thành đầu tư. Tuy nhiên, chỉ 1/4 các nhà mạng đã có ngân sách dành riêng cho GenAI. Đối với 75% còn lại, thiếu ngân sách có thể do thiếu KPI để đo lường các usecase GenAI.
Đánh giá về ảnh hưởng của xu thế này tới Việt Nam cũng như các cơ hội cho các doanh nghiệp, ông Nhã cho rằng tác động của AI tới các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cũng không nằm ngoài những tác động tới các doanh nghiệp viễn thông trên thế giới, theo đó, AI sẽ tác động đến mọi hoạt động của doanh nghiệp từ vận hành mạng lưới, tiếp thị, bán hàng, quản trị doanh nghiệp, đo lường trải nghiệm của khách hàng. Do đó, những ưu điểm và xu hướng ứng dụng AI trong các nhà mạng viễn thông là tất yếu và sống còn đối với các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã và đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng trung tâm dữ liệu. Theo thống kê, hiện nay, tổng số trung tâm dữ liệu các doanh nghiệp đã đầu từ là 44 trung tâm với tổng công suất thiết kế là 181 MW trong đó, 31 trung tâm đã cung cấp dịch vụ với tổng công suất là 81 MW. “Rõ ràng với dung lượng của các trung tâm dữ liệu lớn được đầu tư sẽ mở ra cơ hội kinh doanh về trung tâm dữ liệu; các dịch vụ liên quan đến dữ liệu sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp viễn thông trong tương lai gần”, ông Nhã nhấn mạnh.
Nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp ứng dụng số
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Eric Yeo - Tổng giám đốc AWS Việt Nam cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, những cơ hội này được thể hiện qua những chính sách của Chính phủ và sự nhạy bén của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động khởi nghiệp, cũng như sẵn sàng tiếp cận các công nghệ mới của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số - Tổng công ty viễn thông Mobifone chia sẻ tại Hội thảo |
Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số - Tổng công ty viễn thông Mobifone nhìn nhận mục tiêu chung của chuyển đổi số là tăng cường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, hiệu suất làm việc và nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Chuyển đổi số là tối ưu hóa (gồm cả tự động hóa các bước) các quy trình nghiệp vụ của doanh nghiệp trong tất cả các bộ phận hoạt động, loại bỏ các công việc không đem lại giá trị cho doanh nghiệp. “Chuyển đổi số không đơn thuần là việc dùng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế xã hội mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến hiện đại. Trong đó AI, IOT, Big Data, Cloud, đang trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Dữ liệu như là xăng mới, AI giống như là xe mới, còn con người, những tài năng mới như là những lái xe mới, đi vào kỷ nguyên phát triển mới”, ông Tuấn ví von.
Đại diện MobiFone cho biết doanh nghiệp đang trong hành trình chuyển đổi số của chính mình, từ nhà mạng truyền thống (telco) trở thành công ty công nghệ (techco). Là một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn của Việt Nam, MobiFone hiện có 20.000+ khách hàng doanh nghiệp trong nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Với quy mô như vậy, Trung tâm công nghệ thông tin của MobiFone có khoảng 500 người, trung tâm kinh doanh công nghệ số tại các tỉnh, thành phố. Các sản phẩm công nghệ thông tin như (cho khối Chính phủ) truyền thanh thông minh, giải pháp quản lý nguồn thông minh, MobiFone smart travel; (khách hàng doanh nghiệp) smart office, smart sales, MobiFone Invoice, MobiFone eContract; MobiCS, MobiFone AI, Mobi CAC, MobiFone ECM; và các giải pháp cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình.
Trong đó 2 giải pháp của doanh nghiệp được đánh giá là nền tảng chuyển đổi số quốc gia tiềm năng là nền tảng họp trực tuyến MEET và nền tảng giáo dục số MOOCS.
Các giải pháp chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm có hóa đơn điện tử MobiFone Invoice, hợp đồng điện tử MobiFone eContract, dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử MobiFone CeCA, chữ ký số MobiFone CA, phần mềm kế toán MAS, giải pháp quản lý hóa đơn đầu vào IMS, phần mềm bảo hiểm xã hội điện tử mBH, giải pháp quản trị doanh nghiệp 1ERP, quản lý bán hàng 1POS, tổng đài di động Cloud Contract Center (3C), email marketing.
Nhìn nhận cơ hội lớn hơn thách thức trong mục tiêu chuyển đổi số của Việt Nam, bà Rita Mokbel - Chủ tich Ericsson Việt Nam cho rằng, cơ sở hạ tầng số, đặc biệt là 5G, sẽ mở ra những cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp và nền kinh tế số của Việt Nam trong tương lai. Theo đó, công nghệ 5G đang tạo ra những thay đổi đáng kể trên toàn cầu, đặc biệt trong các ngành công nghiệp đòi hỏi kết nối nhanh và đáng tin cậy.
“Việt Nam đang từng bước xây dựng hạ tầng số hiện đại để hỗ trợ 5G, với dấu ấn quan trọng là việc đấu giá các băng tần 5G gần đây bởi Bộ Thông tin và Truyền thông. Các băng tần 2600 MHz và 3700 MHz đã được cấp phép, đánh dấu những bước tiến quan trọng trong hành trình này. Để khai thác tối đa tiềm năng của 5G, sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà mạng và các nhà cung cấp công nghệ như Ericsson là vô cùng quan trọng, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc, giúp Việt Nam tiến xa trên con đường trở thành cường quốc về kinh tế số”, đại diện Ericsson Việt Nam nhận định.
Bà Rita Mokbel - Chủ tich Ericsson Việt Nam cho rằng, cơ sở hạ tầng số sẽ mở ra những cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp và nền kinh tế số của Việt Nam trong tương lai |
Chia sẻ về cơ hội hợp tác nâng cao góp phần tối ưu hóa các cơ hội từ số hóa đối với Việt Nam, bà Rita Mokbel cho biết với vai trò là nhà cung cấp hạ tầng mạng 5G hàng đầu thế giới, Ericsson đang hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển hạ tầng số, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông để triển khai thương mại hóa mạng 5G một cách hiệu quả và tăng doanh thu.
“Ericsson đã và đang là đối tác tin cậy của Việt Nam trong hành trình số hóa suốt nhiều năm qua. Từ năm 2019, chúng tôi đã tham gia vào các dự án thử nghiệm 5G với các nhà mạng viễn thông trong nước, qua đó hiểu rõ tiềm năng và nhu cầu của thị trường Việt Nam. Với kinh nghiệm toàn cầu và vị thế dẫn đầu trong việc triển khai mạng 5G, chúng tôi luôn sẵn sàng để hỗ trợ việc thương mại hóa 5G tại Việt Nam. Hiện nay, Ericsson được công nhận là đơn vị dẫn đầu toàn cầu về 5G, với việc triển khai 166 mạng 5G đang hoạt động trong tổng số 320 mạng 5G được triển khai trên toàn thế giới. Mục tiêu của chúng tôi là giúp các nhà mạng chuyển đổi liền mạch từ 4G sang 5G, tối ưu hóa hiệu suất mạng và hỗ trợ họ khai thác giá trị từ các hạ tầng mạng. Từ private 5G networks (mạng 5G riêng) đến thành phố thông minh và fixed wireless access (truy cập không dây cố định), chúng tôi tập trung hỗ trợ các nhà mạng tạo ra giá trị từ 5G, góp phần thúc đẩy chương trình chuyển đổi số quốc gia”, bà Rita Mokbel nhấn mạnh.
Nhận định tiềm năng của chuyển đổi số là rất lớn và mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cho biết hiện Grab Việt Nam đang tập trung vào việc thúc đẩy khả năng tiếp cận nhiều hơn. “Chúng tôi đã mở rộng nhiều hơn nữa vào Việt Nam. Chúng tôi đang hoạt động tại 50 thành phố ngày nay, nhưng tỷ lệ thâm nhập vẫn còn khá thấp ở những thị trường đó. Vì vậy, chúng tôi phải tiếp tục làm cho các dịch vụ của mình khá phù hợp, làm cho các mức giá phù hợp cho các người dùng và trường hợp sử dụng khác nhau. Khi chúng tôi làm điều đó, chúng tôi có thể thúc đẩy nhiều hơn nữa việc áp dụng trên nền tảng, từ đó lần lượt thúc đẩy nhiều hơn nữa sự trao quyền kinh tế cho các đối tác của chúng tôi”, ông Alejandro Osorio chia sẻ.
Tuy nhiên, theo đại diện Grab, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện khung cơ sở nền tảng cho các ứng dụng số hóa vào các ngành kinh tế, cũng như nâng cao nhận thức, tạo lòng tin, giúp những người ít am hiểu và nhận thức về công nghệ hiểu được những lợi ích mà họ có thể nhận được từ một nền kinh tế số.
“Công nghệ đang phát triển rất nhanh, và nền kinh tế số cũng đang đổi mới rất nhanh chóng. Điều chúng tôi đề xuất, trước hết, là làm việc về kiểm tra chính sách hoặc môi trường kiểu sandbox để đón nhận các công nghệ tiềm năng mới khi chúng xuất hiện hoặc sự phát triển của các công nghệ hiện có khi chúng xuất hiện. Thứ hai, thường xuyên xem xét và đánh giá lại các chính sách hiện có. Bởi vì một lần nữa, khi công nghệ tiến bộ và các dịch vụ số đổi mới và tiến lên, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng luật pháp và quy định phù hợp với thời đại. Cuối cùng, tôi cho rằng sẽ luôn có những thách thức, dù là đối với chúng tôi như một nền tảng lớn hay thậm chí đối với các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ đang tìm cách số hóa. Điều chúng tôi khuyến nghị ở đó là khi những vấn đề và thách thức này xuất hiện, chúng ta sẽ làm việc cùng nhau với chính phủ để tìm ra các giải pháp đổi mới để vượt qua”, ông Alejandro Osorio khuyến nghị./.
Bình luận