Bộc lộ bất cập

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 3, sáng nay (ngày 13/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), theo Văn phòng Quốc hội.

Khi trình bày Tờ trình dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trước UBTVQH sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, đến nay, Luật bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự, một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như: thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; các yêu cầu về kiểm soát và kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập...

Luật Bảo hiểm phải tạo bước đột phá cho thị trường
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, một số nội dung của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn. Ảnh: Quốc hội

“Một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro… Do đó. việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là cần thiết…”, ông Phớc cho hay.

Liên quan đến mục tiêu sửa đổi Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết là nhằm xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Sửa Luật còn để cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kết hợp với cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng...

Luật mới phải rõ ràng, dễ hiểu

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật này sau khi được thông qua, vì có một số quy định liên quan tới nhiều luật khác, nên đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

“Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu thêm một số vấn đề cụ thể liên quan đến: áp dụng pháp luật (Điều 3); về hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường bảo hiểm; hợp đồng bảo hiểm… Trong đó, đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 2 Điều 3 của dự thảo Luật vì không phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các quy định của pháp luật có liên quan và quy định ngay tại dự thảo Luật các nội dung đặc thù cần thiết phải áp dụng đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm...”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề xuất.

Luật Bảo hiểm phải tạo bước đột phá cho thị trường
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu dự thảo Luật cần rà soát kỹ lưỡng đảm bảo không có cách hiểu khác nhau. Ảnh: Quốc hội

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận, thị trường bảo hiểm phát triển nhanh nhưng còn khá thấp so với tiềm năng và so với mặt bằng chung trên thế giới. Vì vậy, điều quan trọng cần hướng tới là sau khi ban hành Luật sửa đổi phải tạo được bước đột phá, cú huých quan trọng cho thị trường bảo hiểm phát triển mạnh hơn.

Chủ tịch Quốc hội gợi mở, các quy định của Luật phải thống nhất nguyên tắc xuyên suốt là bảo vệ quyền lợi cho bên được cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhưng không tạo ra các rào cản, thủ tục hay phát sinh các chi phí không cần thiết gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Các loại bảo hiểm được điều chỉnh trong Luật chi phối đến mọi tầng lớp nhân dân, nên các điều khoản trong dự thảo Luật cần rà soát kỹ lưỡng đảm bảo rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, không có cách hiểu khác nhau...

Phát biểu khi kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hoàn chỉnh các báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.../.