Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức để ngăn ngừa rủi ro thao túng
Tại cuộc họp báo Công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, diễn ra hôm nay (ngày 19/2), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết, Luật được kết cấu gồm 15 Chương, 210 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật các Tổ chức tín dụng đã bám sát quan điểm của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước; khắc phục các vướng mắc, bất cập hiện tại; tham khảo thông lệ, kinh nghiệm quốc tế và phù hợp chiến lược phát triển ngành Ngân hàng.
Theo Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 bổ sung trách nhiệm công bố, công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên... |
Nhằm nâng cao năng lực quản trị, điều hành, minh bạch hóa hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hạn chế tình trạng thao túng, chi phối hoạt động của cổ đông lớn, nhóm cổ đông lớn tại tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức, của nhóm cổ đông và người có liên quan; quy định lộ trình 5 năm giảm dần giới hạn cấp tín dụng; sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm người có liên quan; bổ sung trách nhiệm công bố, công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên, thông tin về người có liên quan của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng.
Cũng theo ông Sơn, Luật các Tổ chức tín dụng quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.
Luật các Tổ chức tín dụng quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng |
Luật các Tổ chức tín dụng cũng bổ sung các quy định để bảo đảm quyền của cổ đông thiểu số; luật hóa và bổ sung tại Luật một số quy định về vốn và sử dụng vốn của tổ chức tín dụng, nguyên tắc ghi nhận doanh thu, chi phí…; sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện người quản lý, điều hành, cũng như nâng cao tính độc lập, vai trò của thành viên Hội đồng quản trị độc lập; thành viên Ban kiểm soát; tăng số lượng tối thiểu thành viên Ban kiểm soát của ngân hàng thương mại, tăng cường trách nhiệm của Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng; bổ sung các quy định tăng cường vai trò của ngân hàng hợp tác xã trong việc hỗ trợ quỹ tín dụng nhân dân…
Ngoài ra, để phù hợp với định hướng chung của Đảng, Nhà nước trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, Luật các Tổ chức tín dụng hợp nhất Giấy phép thành lập, hoạt động của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã; Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện ở trong nước của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện. Việc hợp nhất các Giấy phép và thủ tục này, nhằm giảm bớt thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ông Sơn cho biết thêm, Luật các Tổ chức tín dụng đã luật hóa một số quy định mang tính nguyên tắc đang được quy định tại Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ngân hàng chính sách như: quy định về thành lập và hoạt động của ngân hàng chính sách, quy định về chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu nhà nước, vốn điều lệ, cơ cấu tổ chức quản lý của ngân hàng chính sách… Đối với các nội dung cụ thể, Luật giao Chính phủ quy định để đảm bảo phù hợp với tính chất, mô hình hoạt động của từng ngân hàng chính sách.
Với nhiều quy định mới như trên, việc quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng được kỳ vọng sẽ ngày càng chặt chẽ, minh bạch và chủ động hơn, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm từ sớm, từ xa, nhằm đảm bảo cho hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, minh bạch, qua đó ngày càng trở thành kênh huy động vốn trong dân và cung cấp vốn cho nền kinh tế hiệu quả và bền vững hơn./.
Bình luận