Luật Giao dịch điện tử sửa đổi phải đảm bảo bí mật riêng tư cho người dân
Nhiều bất cập
“Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 29/11/2005 đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử, đồng thời tạo tiền đề quan trọng trong việc thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số...”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tại Phiên họp pháp luật tháng 9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), diễn ra sáng nay (ngày 19/9), để cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, cần thiết phải xây dựng Luật Giao dịch điện tử sửa đổi (ảnh: QH) |
Kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực, Luật đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi.
Các nội dung về hợp đồng điện tử trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 còn thiếu quy định mang tính chất đặc thù trong hợp đồng điện tử như: quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, giá trị pháp lý của hợp đồng giao kết qua hệ thống thông tin tự động… |
Theo đó, đáng chú ý là phạm vi điều chỉnh của Luật hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn ứng dụng và phát triển giao dịch điện tử hiện nay. Cụ thể, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 loại trừ không áp dụng giao dịch điện tử đối với một số hoạt động cụ thể trong các lĩnh vực như: tư pháp, đất đai, xây dựng, tài chính. Việc loại trừ này có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ trong triển khai các dịch vụ công trực tuyến, cũng như triển khai các giao dịch điện tử trong các lĩnh vực đang bị loại trừ.
Thêm vào đó, Luật hiện hành thiếu quy định cụ thể về giá trị pháp lý và đảm bảo độ tin cậy cho một số yếu tố quan trọng trong giao dịch điện tử như: thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch điện tử... Luật còn chưa có quy định rõ giá trị pháp lý của việc chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử và ngược lại.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, xuất phát từ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn quản lý nêu trên, đồng thời để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng bảm bảo thích ứng được với sự phát triển của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần thiết phải xây dựng Luật Giao dịch điện tử sửa đổi...
Tính toán kỹ để đảm bảo khả thi
Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, khi mở rộng phạm vi thực hiện được những giao dịch điện tử yêu cầu cần có sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ. Nếu mở rộng phạm vi áp dụng mà hạ tầng công nghệ, kỹ thuật không đồng bộ, thì khi áp dụng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vào cuộc sống rất khó khả thi.
“Ở nhiều nước phát triển không mở rộng giao dịch điện tử hết ở các lĩnh vực, trong đó có vấn đề các giao dịch liên quan đến đất đai. Nếu mở rộng phạm vi thì mở rộng đến đâu, trong thời gian bao nhiêu năm và phải đảm bảo tính khả thi khi Luật được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, Ban soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng việc mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội…”, ông Tùng đề xuất.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử không nên tạo thêm quy trình, thủ tục, điều kiện bắt buộc cho người dân (ảnh: QH) |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, khi sửa đổi Luật Giao dịch điện tử phải đảm bảo liên quan đến chuyển đổi số, an toàn thông tin, an ninh mạng; quản lý theo không gian thực như thế nào, Bộ Thông tin và Truyền thông; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phải tính toán, xem xét kỹ lưỡng. Đặc biệt lưu ý về hạ tầng cơ sở kỹ thuật, công nghệ có đáp ứng được khi mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội?
Theo Chủ tịch Quốc hội, dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cũng phải đảm bảo an toàn thông tin, quyền công dân, bí mật riêng tư cho người dân. Họ không muốn công khai thông tin thì phải đảm bảo an toàn cho người dân…
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của UBTVQH, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4 tới…”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận./.
Bình luận