Mục sở thị trang trại cà phê chồn 42 tỉ ở Đà Lạt
Cà phê chồn đã được phát hiện cách đây hàng trăm năm ở Indonesia, trên các hòn đảo Sumatra, Java và Sulawesi. Cà phê chồn là một thứ đồ uống được xếp vào loại hiếm nhất trên thế giới.
Những người trong nghề khẳng định tính huyền thoại của cà phê chồn Việt Nam và xếp vào hạng đắt nhất thế giới.
Tại thị trường Việt Nam các tên tuổi có thương hiệu về cà phê chồn gồm có Legendee của Trung Nguyên, cà phê chồn Legend Revived của trại chồn Quốc Khánh và cà phê chồn Trại Hầm của luật sư Nguyễn Quốc Minh.
Cách trung tâm Đà Lạt chừng 2km hướng về đèo Mimosa, trên đường vào Trại Hầm, rẽ vào một con dốc nhỏ quanh co mang đậm bản sắc Đà Lạt, đổ xuống một thung lũng là trang trại Cà Phê Chồn của luật sư Nguyễn Quốc Minh.
Quán Cà Phê Chồn nằm ngay cửa vào trang trại với thiết kế đơn giản, mộc mạc đặc trưng của Đà Lạt.
Quý thực khách để có thể ngồi nhâm nhi tách cà phê chồn ngay tại chỗ và tận hưởng bầu không khí se lạnh cũng như phóng tầm nhìn xuống thung lũng đầy những cây cà phê Moka xanh mướt.
Trang trại cà phê chồn riêng trồng cà phê Moka sạch tại vùng Trại Hầm với độ cao trên 1.500m và được trồng từ giống cà phê Moka chính gốc không lai tạo, không biến đổi gen.
Vào năm 2012, ông Minh bắt đầu nuôi thử nghiệm 5-7 con chồn tại nhà. Đến đầu năm 2013, ông quyết định thành lập trang trại tại Đà Lạt với mục tiêu phát triển mô hình khép kín từ nuôi cho đến sản xuất thành phẩm. Tổng chi phí đầu tư ban đầu cho trang trại này 42 tỷ đồng. Trang trại rộng 2,4ha cà phê Moka và nuôi 400 con chồn.
Với tiêu chí tạo ra sản phẩm sạch, ông Minh bắt tay vào xây dựng kế hoạch chăm sóc và nuôi dưỡng một cách bài bản. Đối với cà phê, ông không xịt thuốc diệt cỏ hay hóa chất vào đất canh tác mà sử dụng ngỗng để ăn cỏ. Trang trại chỉ trồng loại cà phê Moka chính gốc ở độ cao 1.500m. Hầu hết cà phê đến vụ thu hoạch được hái thủ công.
Còn đối với chồn, mỗi chuồng rộng trung bình 2m2. Để đảm bảo sức khỏe cho loại động vật này, vào những tháng có cà phê, chồn sẽ không ăn cà phê suốt mà cách 3 ngày ăn một lần, các ngày khác sẽ ăn cháo gà, cháo đường, thịt gà, trái cây… Ngoài ra, chúng còn được bác sĩ thú y kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Chính vì vậy, sản lượng cà phê chồn thu được rất ít nên giá thành khá cao.
Tháng 12/2014 ông Minh vừa được một công ty nổi tiếng của Thụy Sĩ đề nghị ký hợp đồng cung cấp cà phê chồn với giá 58 triệu đồng, đắt gấp 3 lần so với sản phẩm bán tại Việt Nam. Đây cũng là mức giá cao nhất trong số các sản phẩm cà phê mà công ty Thụy Sĩ đã mua của nhiều đơn vị khác trước đó.
Ông Minh và đối tác Thụy Sĩ ( Ảnh: Thi Hà)
Dưới đây là một vài hình ảnh khi chúng tôi được thưởng thức ly “cà phê hạng sang” dưới tiết trời se lạnh của Đà Lạt
Lời khuyên cho những ai thưởng thức cà phê chồn: Để thưởng thức hương vị cà phê chồn một cách trọn vẹn, hãy để vị giác của bạn cảm nhận chỉ riêng mình hương vị của nó mà thôi. Bạn có thể cảm nhận được phong vị mà chỉ của riêng loại cà phê này mang lại, ngay cả khi nếu bạn không phải là một người sành cà phê.
Bình luận