Năm 2022, thương mại điện tử bán lẻ tăng trưởng 20% so với năm 2021
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam tiếp tục phát triển, trở thành kênh phân phối quan trọng. Bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số.
Năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã rà soát và yêu cầu các công ty, tổ chức hoạt động thương mại điện tử gỡ bỏ/khóa 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm |
Báo cáo do eMarketer công bố tháng 1/2022 chỉ ra, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Đây cũng là một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Công Thương trong năm 2022.
Đặc biệt, trong năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã rà soát và yêu cầu các công ty, tổ chức hoạt động thương mại điện tử gỡ bỏ/khóa 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website vi phạm có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cục cũng chủ trì thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật thương mại điện tử đối với 8 đơn vị theo kế hoạch năm 2022 và đã xử phạt vi phạm hành chính 222 triệu đồng.
Với sự thay đổi nhanh của người tiêu dùng trên toàn cầu và đặc biệt là ở Việt Nam về thói quen mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử Việt Nam nói riêng, cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường trực tuyến tiếp tục tiến bước vững chắc, duy trì được sự phát triển nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp có hàng hóa, sản phẩm chất lượng nhưng vẫn chưa biết ứng dụng công nghệ thông tin nói chung, cũng như thương mại điện tử hoặc chưa sẵn sàng để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại rộng trên nhiều nền tảng khác nhau. Đây chính là điểm yếu của đại đa số doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, đứng trước bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch Covid - 19, đa số doanh nghiệp sản xuất đều gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh và xúc tiến thương mại để tiêu thụ hàng hóa tới người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh là nhu cầu sớm muộn gì mọi doanh nghiệp cần phải triển khai, nhằm đạt mục tiêu chuyển đổi số toàn quốc gia./.
Bình luận