STEAM là viết tắt theo tiếng Anh của Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (engineering) Nghệ thuật (Art) và Toán học (Math). Giáo dục STEAM là áp dụng nhiều kỹ năng giảng dạy và lồng ghép các môn học gắn liền với cuộc sống thực tế.

Anh Nguyễn Duy Cường hướng dẫn các học sinh về mô hình giáo dục STEAM.

"Knowhere Makerspace là một tổ chức học thuật phi lợi nhuận hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nâng cao năng lực thanh niên tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thông qua các dự án được thực hiện tại địa phương kể từ năm 2018, thành viên Knowhere Makerspace và các đối tác đang tiếp tục nỗ lực đóng góp vào tiến trình thực hiện mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc (SDGs) 2030 phù hợp điều kiện có sẵn của địa phương. Trong đó chú trọng đến mục tiêu số 4: Quality Education", anh Nguyễn Duy Cường nói về tổ chức phi lợi nhuận do mình thành lập.

Với phương châm "người địa phương phát triển nguồn lực địa phương" dựa trên giá trị "về nguồn", Knowhere Makerspace mong muốn xây dựng, gìn giữ, kết nối các thế hệ tại khu vực để tiếp tục cống hiến cho quê hương. Qua đó góp phần cải thiện và nâng cao nhận thức của cộng đồng giáo dục địa phương về "phát triển thanh thiếu niên", đánh thức tiềm năng nghề nghiệp và trách nhiệm đóng góp cho xã hội. Đồng thời hình thành lý tưởng "công dân toàn cầu" có bản sắc dân tộc từ trên ghế nhà trường. Tổ chức này cũng đang nỗ lực để trở thành cầu nối tiếp cận bền vững với các nền giáo dục chất lượng cho giới trẻ Đồng bằng Sông Cửu Long, phù hợp điều kiện địa phương, đáp ứng được nhu cầu xã hội trong và ngoài nước.

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các thành viên của Knowhere Makerspace đã phải nhanh chóng thích ứng với tình hình để tiếp tục vận hành dự án. Tổ chức đã kết nối trực tuyến với các thực tập sinh đến từ đại học Oregon (Hoa Kỳ), để tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận với các kỹ năng làm việc với thực tập sinh ngoại quốc. Đồng thời Knowhere Makerspace cũng liên hệ với Giáo sư Fun Man Fung thuộc Đại học Quốc gia Singapore để tập huấn Kỹ năng Học cách học (Learning to Learn better) cho đội ngũ giáo viên và nhóm học sinh nòng cốt hai nhà trường. Ngoài ra anh Nguyễn Duy Cường và các cộng sự cũng vận động được sự bảo trợ chuyên môn từ tổ chức Live and Learn, Hội chữ thập đỏ Việt Nam.


Một buổi wordshop của Knowhere Makerspace.

Hiện nay Knowhere Makerspace đang thí điểm thực hiện dự án của mình tại hai trường THPT Chuyên Long An (Long An) và THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu (Đồng Tháp). Xây dựng phương án hỗ trợ các thầy cô hai trường trong việc kết nối và tiếp cận với các nguồn quỹ trong khu vực để phát triển các chương trình học đa dạng cho học sinh. Tổ chức này cũng giúp đỡ, hướng dẫn các em học sinh tự chủ trong việc lên kế hoạch cho trại hè được tổ chức tại trường THPT Chuyên Long An trong 2 ngày 15-16/8.

Dự kiến học kì 1 niên khóa 2020 - 2021, mô hình giáo dục STEAM sẽ được đưa vào hoạt động đánh giá tuyển chọn đội tuyển học sinh cho các kì thi Học sinh giỏi chính thức. Mô hình này đang được cân nhắc đưa vào hoạt động học tập hướng đến đóng góp cho xã hội và nâng cao chất lượng giáo dục theo chủ trương của Sở Giáo dục hai tỉnh Đồng Tháp và Long An. Knowhere Makerspace cũng đang tổ chức chương trình ngoại khoá chất lượng và phù hợp điều kiện địa phương nhằm đưa vào nội dung cốt lõi của Hoạt động Hội học sinh.

Anh Nguyễn Duy Cường đại diện Knowhere Makerspace nhận quỹ hỗ trợ cho dự án của mình từ Trung tâm Phát Triển Cộng Đồng LIN.

Để có kinh phí hoạt động xuyên suốt thời gian xảy ra dịch bệnh, Knowhere Makerspace đã gây quỹ từ các nguồn hỗ trợ dành cho cộng đồng phi lợi nhuận, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Anh Cường ấp ủ mong muốn chương trình giáo dục địa phương của Knowhere Makerspace được công nhận, thúc đẩy và duy trì thường niên. Tiến tới xem việc "Phát triển thanh thiếu niên" và "Tư duy đổi mới giáo dục" như hoạt động chính yếu song song với chương trình chính quy. Song song với phát triển bộ quy cách ứng xử đa phương và khung đánh giá quá trình phát triển của học sinh, phù hợp phương pháp giáo dục mới, thay cho cách đánh giá năng lực học sinh theo thang điểm truyền thống.

Anh hi vọng các chương trình chính quy được linh động theo điều kiện địa phương và dựa trên nhu cầu thực học của thanh thiếu niên trong bối cảnh hiện tại và yêu cầu thực tiễn của xã hội đương thời. Các chương trình học tập trên nền tảng đa bộ môn STEAM được nghiêm túc đầu tư, ưu tiên. Từ đó cải thiện những bất cập trong hệ thống giáo dục tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đẩy mạnh cập nhật và tiếp thu giá trị tinh hoa giáo dục của thời đại.