Ngân hàng Nhà nước: Đề xuất quy trình xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém bằng 9 bước
Trong khuôn khổ xây dựng Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, một trong những điểm đáng chú ý tại Dự thảo này là Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất quy trình xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém bằng 9 bước. Cụ thể như sau:
Bước 1: Phát hiện tổ chức tín dụng yếu kém và xem xét đặt tổ chức tín dụng này vào kiểm soát đặc biệt.
Sẽ có 9 bước để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém
Bước 2: Đặt tổ chức tín dụng yếu kém vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Bước 3: Ban Kiểm soát đặc biệt chỉ đạo tổ chức tín dụng thuê hoặc trực tiếp thuê tổ chức kiểm toán độc lập đánh giá thực trạng tổng thể của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Bước 4: Ngân hàng Nhà nước hoặc cấp có thẩm quyền lựa chọn phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (củng cố, phục hồi hoặc xử lý pháp nhân...).
Tại buổi họp báo tổng kết năm 2016 sáng 04/01, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện đã có phương án cơ cấu 5 ngân hàng thương mại có vấn đề. Trọng tâm 2017 Ngân hàng Nhà nước sẽ đặt trọng tâm tiếp tục cơ cấu 5 ngân hàng thương mại. Đáng lưu ý, trong đó có 3 ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước đã mua lại bắt buộc với giá 0 đồng, bao gồm: Xây dựng (CB), Đại Dương (Ocean Bank), Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank). |
Bước 5a: Ban Kiểm soát đặc biệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng được đặt vào kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án củng cố phục hồi (bao gồm cả phương án tăng vốn, thời hạn thực hiện phương án tăng vốn - nếu có).
Bước 5b: Ban Kiểm soát đặc biệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng được đặt vào kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án xử lý pháp nhân theo các biện pháp tự nguyện (sáp nhập, hợp nhất, bán, giải thể...). Trong trường hợp không xây dựng, thông qua được phương án trong thời hạn quy định thì thực hiện theo Bước 8.
Bước 6: Ngân hàng Nhà nước thông qua phương án 5a (hoặc 5b) theo đề nghị của Ban Kiểm soát đặc biệt.
Bước 7a: Thực hiện phương án 5a. Hết thời hạn (bao gồm thời gian gia hạn nếu có) thực hiện phương án 5a mà không phục hồi được thì Ngân hàng Nhà nước có quyết định chấm dứt thực hiện phương án củng cố, phục hồi 5a và yêu cầu tổ chức tín dụng xây dựng phương án xử lý pháp nhân 5b (Việc xây dựng và thông qua Phương án 5b thực hiện theo Bước 5 quy trình này) hoặc chuyển sang thực hiện bước 8.
Bước 7b: Thực hiện phương án 5b. Hết thời hạn không thực hiện được chuyển sang bước 8.
Bước 8: Ngân hàng Nhà nước trình cấp có thẩm quyền quyết định việc Ngân hàng Nhà nước trực tiếp mua bắt buộc hoặc phá sản đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp sau: (i) tổ chức tín dụng không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn theo phương án 5a; (ii) Không thực hiện được 5a, 5b trong thời hạn quy định; (iii) Việc mua lại chỉ thực hiện với điều kiện: ảnh hưởng an toàn hệ thống; đánh giá có khả năng phục hồi khi được áp dụng các biện pháp hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.
Bước 9a: Thực hiện phương án mua bắt buộc bao gồm các quy định về: Chủ thể mua, Hình thức mua; Nguồn tài chính để mua; Phương thức, quy trình mua; Giá mua; Các biện pháp quản lý, xử lý, hỗ trợ phục hồi tổ chức tín dụng sau khi mua bắt buộc; Phương thức xử lý sau khi phục hồi (thoái vốn, chuyển nhượng, bán ....).
Bước 9b: Thực hiện phương án phá sản./.
Bình luận