Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế trong thời gian sớm nhất, dự kiến bắt đầu từ ngày 3/6/2024.

Đề cập cụ thể đến phương án thay thế như thông báo trên, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, ngày 3/6/2024, NHNN sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước theo mức giá do NHNN xác định căn cứ theo giá thế giới. Các ngân hàng thương mại nhà nước với mạng lưới rộng khắp của mình, đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tổ chức bán vàng trực tiếp tới người dân có nhu cầu.

Ngân hàng Nhà nước sẽ bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước để bán trực tiếp cho dân

Theo Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng, từ ngày 3/6 tới, NHNN sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước để các ngân hàng này bán trực tiếp tới người dân. Nguồn: SBV

Hiện nay, 4 ngân hàng có vốn nhà nước gồm: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Cũng theo ông Dũng, để thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian vừa qua, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%. Điều này cho thấy, bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như: quan hệ cung - cầu, không loại trừ khả năng có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng.

Ngân hàng Nhà nước sẽ bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước để bán trực tiếp cho dân
Giá vàng miếng SJC giao dịch trong ngày 29/5 ở mức cao và chênh lệch lớn so với mặt bằng giá thế giới

Phó Thống đốc NHNN cho biết, để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu bình ổn thị trường vàng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước, để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân. Mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới về mức phù hợp và bền vững. Song song với biện pháp kể trên, NHNN đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).

Được biết, theo Quyết định số 324/QĐ-TTGSNH2 ngày 17/5/2024 về thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng, đối tượng thanh tra bao gồm: Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài gòn (SJC), Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu.

“Với nguồn lực dồi dào và các công cụ hiện có, NHNN có đủ khả năng và quyết tâm để bình ổn thị trường vàng, đạt được mục tiêu như đã nêu trên. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ nhanh chóng được thu hẹp một cách bền vững. Do đó, trước những diễn biến phức tạp của giá vàng trong nước và thế giới, người dân cần rất thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro cho chính mình.”, ông Dũng khuyến nghị.

Trước đó, tại văn bản số 231/TB-VPCP, ngày 18/5/2024 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất và huy động vốn cho đầu tư phát triển, yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ tại các Nghị quyết, Công điện, Chỉ thị và các văn bản có liên quan, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, không để vàng hóa nền kinh tế, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và việc điều hành chính sách tiền tệ. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; Điều 18 Nghị định số 50/2014/NĐ-CP ngày 20/5/2014 của Chính phủ về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước và quy định pháp luật có liên quan thực hiện ngay các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn thị trường vàng theo quy định và phải bảo đảm hiệu quả, hiệu lực, kịp thời, không để xảy ra tình trạng chậm trễ, cách thức triển khai không phù hợp, giảm hiệu quả các công cụ điều hành của Nhà nước; có giải pháp hiệu quả, kịp thời, khắc phục ngay và luôn tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới bằng các công cụ hiện hành và đề cao trách nhiệm theo thẩm quyền…/.