Nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng Việt Nam giữ được tinh thần cải cách của Nghị định 15/2018/NĐ-CP
Nghị định 15/2018/NĐ-CP - một điển hình cải cách
Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 3/3/2022, bà Đặng Tuyết Vinh, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, trong những năm qua, EuroCham tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ (ACAPR) và hoan nghênh những sáng kiến và những cải cách mạnh mẽ, trong đó có những cải cách về kiểm tra chuyên ngành.
Nổi bật trong nhóm này là việc ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP được coi là cuộc cách mạng trong ngành thực phẩm khi áp dụng quản lý rủi ro và chuyển mạnh sang hậu kiểm. Cụ thể là các thực phẩm có nguy cơ thấp (thực phẩm thường, thực phẩm bổ sung) được tự công bố để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm.
Các thực phẩm có nguy cơ cao có yêu cầu đăng ký để cấp phép, nhưng thủ tục đơn giản hóa để tránh gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp (chỉ yêu cầu bổ sung duy nhất 1 lần). Nhờ đó, đã phân cấp mạnh mẽ việc cấp phép xuống các chi cục ATTP tỉnh, chỉ kiểm ngẫu nhiên 5% số lô khi nhập khẩu, giảm 90% số giấy phép và tới 95% kiểm tra nhà nước.
Những quan ngại về việc giảm tiền kiểm sang hậu kiểm có thể làm tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm đã được chứng minh là không có cơ sở. Kết quả thực tiễn 4 năm qua cho thấy, Nghị định 15 phù hợp và hiệu quả, ngành thực phẩm đã có sự tăng trưởng cao, ngay cả trong đại dịch. Theo đánh giá của Bộ Y tế, tiết kiệm tới 8.5 triệu ngày công và 3332,5 tỷ đồng/năm.
Nhiều năm qua, thực phẩm luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và còn nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Các sản phẩm thực phẩm Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn thành công khi giữ vị thế cao trên bản đồ xuất khẩu thế giới. Việt Nam đang dần trở thành nguồn cung quan trọng, phong phú các sản phẩm nông sản, thực phẩm cho nhiều quốc gia trên thế giới. Các sản phẩm chế biến như cà phê Trung Nguyên (Tập đoàn Trung Nguyên) được ưa chuộng tại Hàn Quốc, phở Vifon (Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam) được người tiêu dùng Thái Lan yêu thích, hay tiêu xanh sấy lạnh của Tập đoàn Phúc Sinh được xuất khẩu rộng rãi ở EU… |
Thành tựu này cũng đã được Tổ công tác chính phủ đánh giá cao trong tổng kết 5 năm thành lập tháng 3 năm 2021. EuroCham rất mong những cuộc cải cách trong ngành thực phẩm với thành tựu như Nghị định 15 sẽ được tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa.
Đồng tình với những nhận định của EuroCham, luật sư Dương Trịnh Hà Đăng, Tiểu ban Thực phẩm và đồ uống, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) nhận định, Nghị định 15/2018/NĐ-CP, ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm là một điển hình cải cách khi cắt giảm tới 90% giấy phép, 95% thủ tục kiểm tra nhà nước khi nhập khẩu, tiết kiệm hàng nghìn tỷ và hàng triệu ngày công mỗi năm.
Việc bỏ bớt các giấy phép sản phẩm để chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là rất phù hợp với mô hình quản lý tiên tiến của Hoa Kỳ và EU. Ở Hoa Kỳ và EU, các doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm thực phẩm, không phải đăng ký, nhà nước thực hiện hậu kiểm.
"Nhờ có Nghị định 15, ngành thực phẩm phát triển nhanh chóng, kể cả trong đại dịch, trong khi an toàn thực phẩm vẫn được đảm bảo tốt", luật sư Hà Đăng nêu rõ.
"Hơn 4 năm qua không có bất kỳ sự cố mất an toàn thực phẩm nào đáng kể xảy ra, kể cả trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Tạo ra cuộc cách mạng trong ngành thực phẩm được Bộ Y Tế đánh giá là 1 trong 9 thành tựu lớn nhất của ngành y tế trong năm 2018, vì thế, cần tiếp tục phát huy các thành tựu và kết quả của Nghị định 15/2018, thúc đẩy việc áp dụng quản lý nhà nước dựa trên quản lý rủi ro, chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong tất cả các ngành", ông Đăng tái khẳng định.
Sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP, cần giữ vững các cải cách tiến bộ đã đạt được
Khẳng định việc cắt giảm các thủ tục hành chính, các loại giấy phép phiền hà, thiếu hiệu quả trong Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã được chứng minh trong thực tiễn 4 năm qua là rất tốt và có hiệu quả cao, phù hợp với mô hình quản lý tiên tiến của thế giới, luật sư Hà Đăng nhấn mạnh, điều này cần phải được duy trì và đẩy mạnh khi sửa đổi Nghị định 15.
Theo đó, tuyệt đối không nên khôi phục các thủ tục, giấy phép này dù với bất kỳ hình thức và lý do nào, vì đó là tăng tiền kiểm, đi ngược lại với cải cách, không phù hợp với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.
"Giữ nguyên những cải cách tiến bộ về quy trình đăng ký của Nghị định 15, cụ thể: giữ nguyên các nhóm sản phẩm phải đăng ký, tự công bố, không quy định thời hạn của giấy phép sản phẩm, chỉ kiểm tra chỉ tiêu an toàn khi đăng ký tuy nhiên sản phẩm phải có tiêu chuẩn chất lượng để kiểm tra, giám sát, không phải đăng ký lại sản phẩm đối với các thay đổi trừ thay đổi về thành phần, nhà sản xuất hay nước sản xuất, và không tăng thêm bất cứ yêu cầu nào khác về quy trình đăng ký", luật sư Đăng nêu cụ thể.
Đặc biệt, cần tập trung vào cải cách khâu thực thi
Đại diện của Amcham cũng nhấn mạnh, trong dự thảo sửa đổi Nghị định 15 cần nâng cao tinh thần và năng lực hậu kiểm.
"Cần tiếp tục giảm tiền kiểm, chuyển mạnh sang hậu kiểm chứ không thể tăng tiền kiểm vì nếu chỉ ngồi quản lý trên giấy mà không có hậu kiểm thì sẽ không thể có kết quả tốt, và để phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 01/NĐ-CP “tăng cường hiệu quả tổ chức thực hiện theo nguyên tắc hậu kiểm”, vị luật sư này nói.
Trên tinh thần đó, luật sư Hà Đăng đề xuất, tăng cường thanh tra, giám sát các hồ sơ tự công bố của doanh nghiệp, điều này rất đơn giản vì tất cả hồ sơ đều được đăng tải trên website của cơ quan quản lý. Tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của nhà sản xuất đã cam kết.
Thứ hai, theo luật sư Hà Đăng, cần kiểm tra, giám sát sự tuân thủ pháp luật của cả DN và cán bộ cấp phép để đảm bảo Nghị định được thực thi nghiêm túc.
Thực tế cho thấy, mặc dù Khoản 3 Điều 8 Nghị định 15 yêu cầu cơ quan quản lý chỉ được yêu cầu sửa đổi 1 lần nhưng có nhiều trường hợp quá trình đăng ký vẫn bị kéo dài bởi cán bộ thẩm định yêu cầu sửa đổi bổ sung 3-4 lần, mỗi lần 1 yêu cầu khác nhau trái với Nghị định, hoặc có những yêu cầu bổ sung không có cơ sở pháp lý, thậm chí sai về khoa học, mà không bị xử lý.
Vì thế, ông Đăng đề nghị cần quy định chế tài xử lý với những cán bộ thẩm xét cố tình làm sai để gây khó dễ doanh nghiệp.
|
Luật sư dẫn chứng một số yêu cầu bổ sung thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có cơ sở pháp lý, thậm chí sai về khoa học, như: “Yêu cầu công bố chỉ tiêu Sibutramin vào mục chỉ tiêu chất lượng chủ yếu”: trong khi đó Sibutramin là chất cấm, không được phép cho vào thực phẩm bảo vệ sức khỏe quy định tại Thông tư 10/2021/TT-BYT; “Yêu cầu không được ghi số mũ (108) mà chỉ được ghi số 100000000”: phản khoa học, rất vô lý vì không có quy định nào như thế. Hay “Yêu cầu chứng minh Inositol được dùng trong thực phẩm”: trong khi Inositol là 1 dưỡng chất rất phổ biến trong thực phẩm...
Thứ ba, luật sư Đăng cũng cho rằng, cần thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử. Dẫn chứng rằng, hiện tại mới chỉ có Cục An toàn thực phẩm và Chi cục ATTP Hà nội cấp phép online, rất thuận lợi cho doanh nghiệp ngay cả trong đại dịch, trong khi Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương, cùng 62 tỉnh thành khác vẫn cấp hồ sơ giấy. Luật sư đề nghị Chính phủ và các Bộ triển khai việc cấp phép online cho thực phẩm tại Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương, cùng tất cả các tỉnh thành để thực hiện mục tiêu chính phủ điện tử, và tạo thuận lợi cho công tác quản lý.
Thứ tư, cần xây dựng các quy định thực hành sản xuất tốt cho thực phẩm và tăng cường năng lực để phổ biến và thực hiện các quy định này: Việc này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt nam trên thị trường quốc tế.
Trong trường hợp sửa đổi, theo Luật sư này, cần tiếp tục đánh giá rộng rãi tác động của các sửa đổi dự kiến, chưa đưa vào kế hoạch sửa đổi khi chưa có kết quả đánh giá rộng rãi từ các đối tượng bị tác động.
Góp ý về dự thảo sửa đổi Nghị định 15, bà Đặng Tuyết Vinh nêu rõ quan điểm, trong cải cách thể chế, EuroCham khuyến nghị xây dựng một môi trường đầu tư mang tính dự báo và bền vững để đạt được tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam.
EuroCham và các thành viên kỳ vọng Nghị định này sẽ tạo điều kiện nhiều hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện kiểm tra chuyên ngành và mong nghị định sớm được ban hành.
"Đơn cử trong lĩnh vực dược phẩm, chúng tôi mong muốn giải quyết kịp thời những vướng mắc về chính sách hiện nay, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp", đại diện của EuroCham nói.
Cụ thể, bà đề xuất: Thiết lập cơ chế để duy trì hiệu lực của giấy Đăng ký Lưu hành thuốc trong suốt vòng đời sản phẩm, tương tự như các quốc gia khác, thay vì phải gia hạn 5 năm một lần. Hài hòa các yêu cầu hành chính với các hướng dẫn và thông lệ quốc tế (đặc biệt là Giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm). Bãi bỏ các yêu cầu hành chính khó thực thi cũng như không hỗ trợ cho mục đích bảo đảm tính an toàn, chất lượng, hiệu quả của sản phẩm.
"Triển khai tự động đồng bộ hóa các thông tin chính thức về cập nhật, điều chỉnh hồ sơ trong các danh mục khác nhau để đảm bảo thông tin thuốc luôn được cập nhật đồng thời giảm khối lượng công việc cho cơ quan quản lý", bà Vinh nêu giải pháp./.
Bình luận