Điều này được bà Đặng Tuyết Vinh, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nhấn mạnh khi chia sẻ một số ý kiến của EuroCham về “Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Những kỳ vọng của doanh nghiệp” tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 3/3/2022.

EuroCham:
Bà Đặng Tuyết Vinh, đại diện Eurocham chia sẻ một số ý kiến của EuroCham về “Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Những kỳ vọng của doanh nghiệp”

Bà Đặng Tuyết Vinh cho biết, trong năm 2021, thương mại song phương giữa EU và Việt Nam đã tăng 14,8%, đạt khoảng 63,6 tỷ USD. Giờ đây, EVFTA đã có hiệu lực và EVIPA sẽ sớm được thực hiện, Việt Nam có cơ hội thu hút một làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một môi trường đầu tư đầy tiềm năng, an toàn và cạnh tranh.

Bà Vinh cho biết, EuroCham khuyến nghị, những cải cách về thủ tục hành chính khi được tiến hành, cần có một khoảng thời gian để thích ứng phù hợp, cũng như có tính dự báo và thực tiễn.

Ví dụ, các doanh nghiệp thành viên của EuroCham gặp khó khăn rất nhiều khi không đủ thời gian để phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để áp dụng hóa đơn điện tử ngay trong năm 2021.

EuroCham khuyến nghị Việt Nam xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, đặc biệt với nền kinh tế số và các doanh nghiệp liên quan đến công nghệ.

Vì thế, EuroCham đã khuyến nghị với Bộ Tài chính, rằng trường hợp doanh nghiệp không được xếp vào nhóm doanh nghiệp rủi ro cao về thuế, đề nghị cho phép doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã xác nhận theo yêu cầu.

"Hay trong lĩnh vực thuế, chính sách miễn giảm thuế theo Nghị quyết 43 được cộng đồng doanh nghiệp hết sức hoan nghênh, tuy nhiên việc áp dụng Nghị định 15 hướng dẫn thi hành Nghị quyết trên thực tế lại vấp phải trở ngại và đem đến phiền hà lớn cho cộng đồng doanh nghiệp khi yêu cầu cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng, tạo thêm nhân công và thủ tục hành chính rườm rà không cần thiết", bà Vinh dẫn chứng.

Trong bối cảnh hiện tại, "chìa khóa" để cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, theo bà Vinh, chính là chuyển đổi số.

"EuroCham khuyến nghị xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, đặc biệt với nền kinh tế số và các doanh nghiệp liên quan đến công nghệ. Việt Nam nên hướng tới xây dựng một môi trường thích hợp cho các công ty nhằm tận dụng công nghệ số để phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 toàn cầu, các doanh nghiệp và Chính phủ cần áp dụng các công nghệ và tiêu chuẩn mới để có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới", đại diện EuroCham khuyến nghị.

Nhắc lại những kiến nghị trong Sách trắng 2021 của EuroCham, cũng như trên Diễn đàn VBF, bà Vinh nêu lại những chủ đề có thể mang lại lợi ích ở cả cấp độ trong nước và quốc tế trong việc đem tới cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh, gồm: Công nhận các giải pháp chữ ký điện tử để áp dụng cho các thỏa thuận xuyên biên giới; Triển khai nền tảng và công cụ nhằm nâng cao truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa và tính minh bạch; Tự do trao đổi dữ liệu xuyên biên giới; Áp dụng các tiêu chuẩn bảo mật công nghệ được quốc tế công nhận.

Cho biết, Chính phủ điện tử là một bước tiến lớn theo hướng phát triển này và EuroCham rất quan tâm theo dõi những tiến triển sắp tới trong hoạt động của Chính phủ điện tử, bà Vinh khẳng định, vấn đề chữ ký điện tử có tầm đặc biệt quan trọng của Chính phủ điện tử, "vì đây là một phương thức tối ưu giúp các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động khi trong những hoàn cảnh việc khó có thể tiếp xúc trực tiếp bị hạn chế ký trực tiếp", bà Vinh nói./.