Nhiều hoạt động nâng tầm Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Diễn đàn quốc tế THQG Việt Nam là sự kiện thường niên trong khuôn khổ Tuần lễ THQG Việt Nam, với mục tiêu tạo diễn đàn đối thoại chuyên sâu, đa góc nhìn thu hút được sự tham gia đông đảo các đại biểu từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức trong và ngoài nước, cũng như doanh nghiệp liên quan tới xây dựng, phát triển thương hiệu.
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế
Chương trình THQG Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg, ngày 25/11/2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai. Mục tiêu của Chương trình nhằm xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. 3 tiêu chí cốt lõi của Chương trình là Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong. Nội dung của Chương trình tập trung: (i) Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của thương hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư; (ii) Nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chí của Chương trình; (iii) Quảng bá THQG Việt Nam gắn với quảng bá thương hiệu sản phẩm đạt THQG Việt Nam.
Với ý nghĩa đó, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 20/4 hàng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam, đồng thời nhằm khơi dậy khát vọng của cấp, các ngành, xã hội và cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp nói riêng và THQG nói chung vì một Việt Nam hùng cường.
Phát biểu tại Lễ Khai mạc và Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động và có độ mở cao nhất thế giới, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của ASEAN và thứ 40 thế giới. Theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới – Brand Finance, THQG Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019-2023. Giá trị THQG năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua, xếp thứ 33 trong Top 121 THQG mạnh trên thế giới được xếp hạng... Đóng góp đáng kể trong việc gia tăng giá trị THQG Việt Nam gồm các ngành viễn thông, ngân hàng và thực phẩm đồ uống. “Từ kết quả trên, giá trị THQG Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Để có được kết quả này là nhờ có chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình THQG Việt Nam”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Lễ khai mạc Tuần lễ THQG 2024 và Diễn đàn quốc tế THQG Việt Nam 2024 |
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình THQG Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Chương trình luôn đồng hành hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển Thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào, sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy nhận thức về mối quan hệ mật thiết giữa THQG với thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ Khai mạc |
Cũng theo ông Tân, trong khuôn khổ “Tuần lễ THQG Việt Nam” năm nay, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức Diễn đàn quốc tế THQG Việt Nam 2024 với chủ đề “Nâng tầm những giá trị cốt lõi”. Chủ đề này là một lời kêu gọi cho chúng ta với trách nhiệm lớn lao và đầy thử thách. Nâng tầm những giá trị cốt lõi không chỉ là việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, mà còn là việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp, xây dựng xã hội công bằng và phát triển bền vững. Trong thời đại của sự thay đổi nhanh chóng, cạnh tranh ngày càng gay gắt với sự hỗ trợ của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, những giá trị cốt lõi càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng là những nguyên tắc không thể thay đổi, là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta và là nền tảng để chúng ta xây dựng, phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp, từng địa phương nói riêng và cả quốc gia nói chung.
Sản phẩm tạo nên THQG Việt Nam
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, Phó Trưởng Ban Thư ký Chương trình THQG Việt Nam cho biết, tại các Quyết định số 439/QĐ-TTg, ngày 16/4/2012 và Quyết định số 787/QĐ-TTg, ngày 5/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 12 nhóm sản phẩm quốc gia Việt Nam, gồm các sản phẩm như sau:
STT | Nhóm sản phẩm |
1 | Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao |
2 | Sản phẩm thiết bị siêu trường, siêu trọng |
3 | Sản phẩm bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin |
4 | Sản phẩm động cơ sử dụng cho phương tiện giao thông vận tải |
5 | Sản phẩm vắcxin phòng bệnh cho người và vật nuôi của Việt Nam |
6 | Sản phẩm phục vụ an ninh, quốc phòng |
7 | Sản phẩm cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn |
8 | Sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu |
9 | Sản phẩm vi mạch điện tử |
10 | Tôm nước lợ |
11 | Cà phê Việt Nam chất lượng cao |
12 | Sâm Việt Nam |
Tại kỳ xét chọn lần thứ 8 năm 2022, tổng số có 172 doanh nghiệp với 355 sản phẩm được xét chọn THQG Việt Nam. Đối với sản phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trong nước và quốc tế, có tổng cộng gần 4.600 sản phẩm đã được bảo hộ trong nước và quốc tế như sau:
STT | Sản phẩm | Trong nước | Quốc tế |
1 | Chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ | 137* | 39 theo EVFTA |
2 | Nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ | 667 |
|
3 | Nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ | 1.880 |
|
4 | Số lượng nhãn hiệu đăng ký qua hệ thống Madrid có nguồn gốc Việt Nam | 1.898 |
*Trong số 137 đơn GI nộp theo đường quốc gia có 13 đơn của nước ngoài
Về tình hình xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực, ông Hoàng Minh Chiến cho biết, 4 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt mức tỷ USD gồm: Nhiên liệu – Khoáng sản; Công nghiệp chế biến; Nông – Lâm – Thủy sản, tổng tỷ trọng xuất khẩu của 3 nhóm hàng này ước đạt tới 355,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66% (gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Điện thoại và linh kiện; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; Dệt may; Giày dép; Phương tiện vận tải, phụ tùng; 7. Gỗ và sản phẩm gỗ).
Nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi dấu ấn khi liên tục giữ vị trí nhóm đầu trong kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Từ đó, đưa Việt Nam vào trong nhóm 23 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới năm 2022. Theo thống kê của Trade Map - ITC, năm 2022, Việt Nam có 20 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nằm trong top 10 thế giới.
5 giải pháp nâng cao giá trị cốt lõi của Chương trình THQG Việt Nam
Để tiếp tục xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, ông Hoàng Minh Chiến nêu ra 5 giải pháp mà Bộ Công Thương đề xuất, cụ thể như sau:
Một là, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư, để từ đó có sự quan tâm dành nguồn lực đầu tư xứng đáng. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm là trách nhiệm chung của toàn xã hội, không phải của một bộ, ngành, địa phương hay tổ chức nào.
Hai là, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng cần tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá lại tình hình triển khai các chương trình, đề án phát triển thương hiệu sản phẩm đã ban hành từ trước đến nay để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Ba là, quan tâm các hoạt động nâng cao năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu cho các chủ thể liên quan, trong đó chú trọng các vấn đề cốt lõi là: sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, có tính đổi mới, sáng tạo và năng lực tiên phong trên thị trường; sản xuất sản phẩm phải đồng đều, ổn định và có tính bền vững; kinh doanh phải có văn hóa, đạo đức và uy tín.
Bốn là, đẩy mạnh việc hỗ trợ đăng ký, bảo hộ thương hiệu và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Năm là, việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm phải được thực hiện đồng thời cả ở 3 câp độ: THQG, thương hiệu vùng miền, địa phương và thương hiệu doanh nghiệp.
Nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày THQG Việt Nam
Ông Hoàng Minh Chiến cho biết, hướng tới chào mừng kỷ niệm 16 năm ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4/2008 - 20/4/2024), Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp triển khai Tuần lễ THQG Việt Nam năm 2023 từ ngày 15 đến ngày 21/4/2024, với nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể. Theo đó, Với chủ đề “Nâng tầm những giá trị cốt lõi”, Diễn đàn năm nay có sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả đến từ cơ quan quản lý nhà nước, Đại học RMIT (Úc), và một số doanh nghiệp có sản phẩm THQG. Tại Diễn đàn sẽ chia sẻ những thông tin về: (1) Giá trị cốt lõi của THQG và giải pháp nâng tầm giá trị cốt lõi của THQG; (2) Phát huy sức mạnh, gia tăng giá trị sản phẩm 'Made in Vietnam' thông qua các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu; (3) Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng, phát triển thương hiệu và đề xuất những định hướng, giải pháp cho Việt Nam.
Triển lãm ảnh thành tựu THQG Việt Nam được tổ chức bên lề Diễn đàn |
Cùng với đó, Triển lãm ảnh thành tựu THQG Việt Nam cũng được tổ chức bên lề Diễn đàn. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch tuyên truyền theo hình thức trực quan: treo băng rôn, pano, áp phích tuyên truyền vể Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 và Tuần Lễ Thương hiệu Việt Nam tại các tỉnh/thành trên cả nước, cũng như truyền thông, quảng bá trên các phương tiện truyền thông.
“Các hoạt động trên được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức trong đại chúng, cộng đồng doanh nghiệp về Chương trình THQG Việt Nam và các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam, đồng thời giúp trang bị thêm kiến thức cho cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, ông Hoàng Minh Chiến chia sẻ./.
Bình luận