Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 12/11/2021 và được Chủ tịch nước công bố theo Lệnh công bố số 03/2021/L-CTN, ngày 25/11/2021. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê (sau đây viết gọn là Luật sửa đổi) gồm 02 điều và 01 Phụ lục kèm theo. Luật sửa đổi là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp, biên soạn, công bố và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp trong điều kiện mới của đất nước và hội nhập quốc tế.

Những điểm mới và kế hoạch triển khai thực hiện
TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Tại sao phải sửa đổi, bổ sung một số điều và thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia

Sau hơn 5 năm thực hiện Luật Thống kê năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về thống kê được nâng cao. Công tác thống kê đã đạt được những kết quả tích cực thông qua việc cung cấp số liệu thống kê khách quan, chính xác, kịp thời phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng, hoạch định và thực hiện các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Tác động tích cực đối với công tác thống kê thể hiện ở những điểm chủ yếu sau:

- Luật Thống kê đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê; khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác thống kê; vị trí pháp lý của cơ quan thống kê, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thống kê ngày càng được tăng cường;

- Sự phối hợp giữa cơ quan thống kê Trung ương với thống kê bộ, ngành có những bước tiến đáng kể thông qua vai trò điều phối công tác thống kê của cơ quan thống kê Trung ương;

Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật chưa cập nhật, thiếu các chỉ tiêu phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới trong thời gian gần đây, như: các chỉ tiêu phản ánh, đánh giá thực hiện các nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; chính sách về phát triển bền vững; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

- Chất lượng thông tin thống kê từng bước được nâng cao phục vụ kịp thời yêu cầu của các cơ quan Đảng, Chính phủ và các địa phương trong công tác hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của đất nước và giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế, xã hội;

- Số liệu thống kê của Việt Nam ngày càng được nhiều tổ chức trên thế giới công nhận.

Bên cạnh những kết quả tích cực, Luật cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung, cập nhật nhằm bảo đảm cung cấp số liệu chính xác, đầy đủ, kịp thời nhất phục vụ sự lãnh đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, cụ thể như sau:

(i) Luật hiện hành thiếu quy định làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện một số hoạt động thống kê trên thực tiễn… chưa quy định quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) và rà soát về việc đánh giá lại quy mô GDP; chưa quy định thẩm quyền công bố thông tin của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.

(ii) Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật chưa cập nhật, thiếu các chỉ tiêu phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới trong thời gian gần đây, như: các chỉ tiêu phản ánh, đánh giá thực hiện các nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; chính sách về phát triển bền vững; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số; kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế bao trùm; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; giới và bình đẳng giới; quan hệ hội nhập quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam; môi trường và biến đổi khí hậu...

(iii) Một số chỉ tiêu thống kê có nội dung chưa được quy định nhất quán tại các văn bản pháp luật về thống kê và văn bản quản lý nhà nước chuyên ngành.

(iv) Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia quy định trong Luật Thống kê đã có nhiều đổi mới, cập nhật, đón đầu xu hướng nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng trong xu thế phát triển nhanh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước để tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế và phù hợp hơn với điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù của đất nước; chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành theo định hướng, chiến lược phát triển mới và thực tiễn sản xuất (chưa có các chỉ tiêu phản ánh, đánh giá về chuyển đổi số; đóng góp của logistics...).

Bên cạnh đó, nhu cầu thông tin thống kê phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nền kinh tế - xã hội của các cơ quan Đảng và Nhà nước trong thời gian qua ngày càng tăng cao về cả số lượng, chất lượng và độ tin cậy của thông tin thống kê. Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng sử dụng thông tin thống kê ngày càng nhiều và đa dạng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Do vậy, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thu thập, tổng hợp, biên soạn và công bố các chỉ tiêu thống kê quốc gia cũng như cơ sở pháp lý của quy trình biên soạn GDP, GRDP và xem xét về việc đánh giá lại quy mô GDP thì cần thiết phải sửa đổi, bổ sung những nội dung trên nhằm nâng cao chất lượng thống kê và hội nhập quốc tế.

Những điểm mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia

Luật sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung Khoản 6, Điều 17; điểm d Khoản 2, Điều 48 và thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13 bằng Phụ lục Danh mục mới gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu. Luật sửa đổi có một số điểm mới sau:

Thứ nhất, bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP). GDP, GRDP là những chỉ tiêu quan trọng nhất phản ánh thực trạng kinh tế của một quốc gia và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Luật mới bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương định kỳ 5 năm, rà soát quy mô GDP báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô GDP. Đây là quy định mới, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam nhằm phản ánh đầy đủ và sát thực hơn bức tranh kinh tế tổng hợp của đất nước, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước.

Trên thực tiễn, quy trình này đã được kiểm nghiệm; khắc phục được tình trạng chênh lệch số liệu GDP và GRDP giữa Trung ương với địa phương; chất lượng số liệu được nâng cao; bảo đảm kỳ hạn biên soạn và công bố số liệu GDP và GRDP theo quy định; nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ, ngành và địa phương trong việc biên soạn và công bố số liệu GDP, GRDP; bảo đảm tính đồng bộ và hệ thống, tính kết nối ở các khâu của quy trình; bảo đảm tính phù hợp giữa số liệu GDP, GRDP và các chỉ tiêu khác có liên quan, như: giá trị sản xuất (GO), chi phí trung gian (IC), giá trị tăng thêm (VA), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, thuế sản xuất và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.

Để bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong quá trình biên soạn số liệu GDP, GRDP cần thiết phải luật hóa quy trình biên soạn GDP, GRDP. Quy trình này mang tính chất chuyên sâu về chuyên môn, kỹ thuật. Quy trình này sẽ làm rõ trách nhiệm của cơ quan thống kê Trung ương và cơ quan thống kê cấp tỉnh, cũng như trách nhiệm phối hợp của thống kê bộ, ngành liên quan đến việc cung cấp và sử dụng các thông tin thống kê cho công tác biên soạn GDP, GRDP thường xuyên và định kỳ.

Thứ hai, bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương định kỳ 5 năm, rà soát quy mô GDP báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô GDP. Đây là quy định mới, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam nhằm phản ánh đầy đủ và sát thực hơn bức tranh kinh tế tổng hợp của đất nước, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước.

Trong quá trình biên soạn GDP, có nhiều vấn đề phát sinh cần phải rà soát, đánh giá lại cả trong ngắn hạn và dài hạn. Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc đưa ra 3 vòng đánh giá lại số liệu GDP nhằm xử lý những bất cập nảy sinh trong quá trình biên soạn số liệu ước tính, số liệu sơ bộ và số liệu chính thức theo quý và năm. Ba vòng đánh giá lại được thực hiện một phần hay toàn bộ phụ thuộc vào khả năng thực hiện của cơ quan thống kê và thực tiễn tổ chức, quản lý hoạt động kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Đánh giá lại quy mô GDP (thường xuyên và định kỳ) là nghiệp vụ chuyên sâu trong quá trình biên soạn số liệu GDP và lập hệ thống tài khoản quốc gia; đánh giá lại quy mô GDP nhằm mục đích phản ánh sát thực và đầy đủ hơn bức tranh kinh tế của đất nước phục vụ Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng đường lối, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội…

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định thẩm quyền công bố thông tin thống kê của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia. Quy định này tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; công khai, minh bạch việc biên soạn và công bố chỉ tiêu GDP và GRDP; triển khai thực hiện đồng bộ các văn bản pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Danh mục mới giữ nguyên: 129 chỉ tiêu do vẫn còn phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính khả thi và bảo đảm phản ánh được tình hình kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới; Sửa tên: 43 chỉ tiêu để phù hợp tình hình thực tế và văn bản pháp luật chuyên ngành đồng thời bảo đảm so sánh quốc tế; Bổ sung: 58 chỉ tiêu để phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây.

Thứ tư, thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia kèm theo Luật Thống kê 2015 bằng Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia mới gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu. Những điểm mới nổi bật của Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia lần này tập trung vào những nội dung sau:

Nguyên tắc xây dựng, lựa chọn chỉ tiêu: (1) Chỉ tiêu thống kê được lựa chọn quy định tại danh mục phải phản ánh tình hình kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước, phục vụ các cơ quan, lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phản ánh, lượng hóa việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những chủ trương, chính sách trong bối cảnh mới. Đó là những thông tin, số liệu về kinh tế - xã hội chủ yếu ở tầm quốc gia;

(2) Chỉ tiêu thống kê được lựa chọn quy định tại danh mục phải bảo đảm tính khả thi - tức là chỉ tiêu thống kê phải thu thập, tổng hợp và biên soạn được trên thực tiễn. Nguyên tắc này đòi hỏi phải: (i) Bảo đảm kế thừa, phát huy hiệu quả những quy định mang tính ưu việt trong Luật Thống kê; (ii) Bảo đảm thống nhất, tương thích và tính so sánh quốc gia, giữa các vùng miền nhưng vẫn đáp ứng được các điều kiện thực tiễn; (iii) Bảo đảm thống nhất với các hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các hệ thống chỉ tiêu thống kê đa ngành, đa lĩnh vực và liên kết vùng; (3) Chỉ tiêu thống kê được lựa chọn quy định tại danh mục phải bảo đảm so sánh quốc tế; phù hợp với thực tiễn thống kê và tuân thủ các nguyên tắc hoạt động thống kê chính thức của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc.

So với danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13, Danh mục chỉ tiêu thống kê lần này có một số thay đổi như sau:

(1) Về nhóm chỉ tiêu: Tách 01 nhóm chỉ tiêu “19. Trật tự, an toàn xã hội và tư pháp” thành 02 nhóm riêng: “19. Trật tự, an toàn xã hội” và “20. Tư pháp”. Sửa tên 03 nhóm chỉ tiêu, cụ thể: Nhóm “07. Tiền tệ và bảo hiểm” sửa tên thành “07. Tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán” do bổ sung các chỉ tiêu về chứng khoán; Nhóm “11. Giá cả” sửa tên thành “11. Chỉ số giá” vì nhóm này gồm các chỉ số giá; Nhóm “13. Công nghệ thông tin và truyền thông” sửa tên thành “13. Công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông và truyền thông” để bảo đảm phản ánh đầy đủ phạm vi theo các lĩnh vực trong nhóm: Công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông và truyền thông.

(2) Về chỉ tiêu: Giữ nguyên: 129 chỉ tiêu do vẫn còn phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính khả thi và bảo đảm phản ánh được tình hình kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới; Sửa tên: 43 chỉ tiêu để phù hợp tình hình thực tế và văn bản pháp luật chuyên ngành đồng thời bảo đảm so sánh quốc tế; Bổ sung: 58 chỉ tiêu để phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây, như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030...; Bỏ: 14 chỉ tiêu do không còn phù hợp với thực tế, không bảo đảm tính khả thi hoặc đã có trong nội dung của chỉ tiêu thống kê khác.

Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới trong thời gian gần đây, cụ thể như sau: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: 19 chỉ tiêu (Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh, Tỷ lệ nghèo đa chiều...); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030: 17 chỉ tiêu (Tỷ lệ đô thị hóa, Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo...); Phát triển bền vững: 52 chỉ tiêu (Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức, Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác...); Chuyển đổi số, kinh tế số: 22 chỉ tiêu (Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước, Tỷ lệ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa...); Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics: 12 chỉ tiêu (Tỷ trọng giá trị tăng thêm của dịch vụ logistics trong tổng sản phẩm trong nước, Chi phí logistics so với tổng sản phẩm trong nước...); Giới và bình đẳng giới: 26 chỉ tiêu (Tỷ lệ cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, Tỷ lệ dân số bị bạo lực...).

Cập nhật, sửa đổi, bổ sung hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành (dự kiến ban hành trong quý III/2022) và chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành (dự kiến ban hành trong quý IV/2022) phù hợp với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia mới và triển khai thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công thực hiện.

Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê phản ánh quan hệ hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, cụ thể như sau:

- Chỉ tiêu thống kê giới ở cấp độ toàn cầu: 10 chỉ tiêu (Số lao động có việc làm trong nền kinh tế, Tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống...);

- Chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững ở cấp độ toàn cầu: 33 chỉ tiêu (Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững, Lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người...);

- Chỉ tiêu thống kê cấp độ ASEAN: 29 chỉ tiêu (Thu ngân sách nhà nước và cơ cấu thu; Chi ngân sách nhà nước và cơ cấu chi...);

- Chỉ tiêu phát triển công nghệ thông tin và truyền thông toàn cầu: 5 chỉ tiêu (Số lượng thuê bao truy nhập Internet băng thông rộng; Dung lượng băng thông Internet quốc tế...);

- Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới: 3 chỉ tiêu (Tỷ lệ hộ gia đình có máy tính, Tỷ lệ dân số được phủ sóng bởi mạng di động, Tỷ lệ người dân biết kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông).

Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật các chỉ tiêu thống kê phản ánh, dự báo, đo lường sự phát triển của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế bao trùm, cụ thể như sau:

- Kinh tế xanh, tăng trưởng xanh: 24 chỉ tiêu (Mức tiêu hao và tăng/giảm mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất so với tổng sản phẩm trong nước, Tỷ lệ che phủ rừng...);

- Kinh tế tuần hoàn: 5 chỉ tiêu (Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý, Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý...);

- Kinh tế bao trùm: 7 chỉ tiêu (Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người, Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (hệ số Gini...).

Ngoài ra, danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; các chỉ tiêu thống kê phản ánh liên kết vùng và nhóm yếu thế, cụ thể như sau:

- Môi trường và biến đổi khí hậu: 11 chỉ tiêu (Tỷ lệ che phủ rừng, Diện tích đất bị thoái hóa...);

- Vùng, liên kết vùng: 132 chỉ tiêu (Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, Diện tích cây lâu năm...);

- Trẻ em: 14 chỉ tiêu (Tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều, Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng...).

Kế hoạch triển khai Luật sửa đổi

Luật sửa đổi có hiệu lực thi hành từ 01/01/2022. Để Luật sửa đổi được triển khai hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê theo Công văn số 8663/BKHĐT-TCTK, ngày 09/12/2021. Kế hoạch tập trung vào những nội dung công việc chủ yếu sau:

Thứ nhất, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

- Xây dựng, trình Chính phủ ban hành 2 nghị định gồm: Nghị định quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: dự kiến ban hành trong quý II/2022 và Nghị định quy định chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia: dự kiến ban hành trong quý IV/2022.

- Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 quyết định trong quý II/2022, gồm: Quyết định quy định chương trình điều tra thống kê quốc gia và Quyết định quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

- Cập nhật, sửa đổi, bổ sung hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành (dự kiến ban hành trong quý III/2022) và chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành (dự kiến ban hành trong quý IV/2022) phù hợp với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia mới và triển khai thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công thực hiện.

Thứ hai, tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật

Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thi hành hiệu quả Luật Thống kê ở Trung ương và địa phương: Dự kiến hoàn thành trong quý II/2022.

Thứ ba, tổ chức quán triệt thực hiện và tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê

- Phối hợp với Bộ Tư pháp biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi.

- Tổ chức quán triệt thực hiện Luật sửa đổi: Hội nghị quán triệt thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê ở Trung ương và tổ chức quán triệt thực hiện Luật Thống kê cho cán bộ, công chức thuộc các chi cục thống kê, các phòng, ban có liên quan thuộc UBND cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn…

- Tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi ở Trung ương và địa phương gồm các hoạt động, như: biên soạn và cấp phát tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê bằng các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn./.