Những đối tượng nào được ưu tiên tiêm sớm mũi 3 vaccine phòng COVID-19?
Khoảng cách tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vaccine.

Sắp tới sẽ tiếp tục có vaccine cho Việt Nam, đủ để tiêm các mũi nhắc lại

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, chiều tối ngày 02/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, thực hiện chiến lược tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tính đến ngày 1/12, cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cho thấy cả nước đã tiêm trên 125 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi và trẻ em ở độ tuổi 12-17.

Trong đó, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là hơn 94% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 68% dân số từ 18 tuổi trở lên. Nhiều tỉnh, thành phố tiêm đủ 2 mũi cho 80-90% người trên 18 tuổi trên địa bàn. Tiêm đủ liều cơ bản quan trọng trong chống dịch nên cần ưu tiên tối đa.

Để tăng phòng chống dịch cho người đã tiêm đủ liều cơ bản theo khuyến cáo chuyên gia tư vấn, ngày 1/12 Bộ Y tế có Công văn 0225/BYT-DP về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại.

Thứ trưởng chỉ rõ, việc tiêm đủ liều cơ bản là rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch COVID-19, nên cần được ưu tiên tối đa. Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, theo khuyến cáo của Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các nước, Bộ Y tế đề nghị: Tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.

Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vaccine, thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau, thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine vector virus (vaccine AstraZeneca).

Đối tượng tiêm là người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng.

Loại vaccine cùng loại với liều cơ bản hoặc mRNA. Khoảng cách tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vaccine.

Thứ trưởng cho biết, tiêm liều nhắc lại vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng gồm: người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.

Thứ trưởng cũng cho biết, nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vaccine, thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau, thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine vector virus (vaccine AstraZeneca). Khoảng cách tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.

Liều lượng vaccine để tiêm bổ sung và nhắc lại theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép.

"Dự kiến hết năm nay, chúng ta có hợp đồng với các đơn vị tổng số lượng khoảng 200 triệu liều. Hiện tại theo chỉ đạo Thủ tướng, Bộ Y tế đã và đang đàm phán các công ty đối tác. Sắp tới sẽ tiếp tục có vaccine cho Việt Nam, trong đó đặc biệt là Pfizer và AstraZeneca, đủ để tiêm các mũi nhắc lại tăng cường thời gian tới", Thứ trưởng cung cấp thêm thông tin.

8 giải pháp Bộ Y tế thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, dịch bệnh hiện tại tiếp tục diễn biến phức tạp, số mắc cao, ca tử vong có chiều hướng tăng. Qua thống kê hầu hết số ca tử vong tăng nhiều ở nhóm trên 50 tuổi kết hợp với các bệnh nền tiểu đường, ung thư, tim mạch, chiếm trên 80%.

Bộ Y tế đã có một số giải pháp như:

Thứ nhất, quan tâm theo dõi người có bệnh nền, tuổi nguy cơ cao trên 50 tuổi, phân tầng điều trị phù hợp.

Thứ hai, các bệnh viện thực hiện đánh giá phân loại nguy cơ theo dõi sát bệnh nhân, Bộ Y tế đã có hướng dẫn phân loại cụ thể, dễ thực hiện.

Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ nhân lực cho các địa phương có số ca nặng tăng cao. Bộ trưởng Y tế đã có Quyết định 5500/QĐ-BYT ngày 30/11 về phân công các bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị COVID-19 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ tư, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường, giảm nguy cơ lây nhiễm tới các nhân viên y tế, nhiễm khuẩn bệnh viện…

Thứ năm, kích hoạt lại trung tâm hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 từ xa.

Thứ sáu, các địa phương cử người có năng lực, trực tiếp chỉ đạo thực hiện thu dung một cách thích hợp, tránh chuyển tầng quá sớm. Nếu chuyển tầng quá sớm thì quá tải, còn quá muộn lại tăng nguy cơ tử vong, nên cần thiết phải chuyển tầng theo đúng hướng dẫn phân loại của Bộ Y tế.

Thứ bảy, cần xây dựng hệ thống giám sát nguyên nhân tử vong do COVID-19.

Cuối cùng, ngày hôm qua (1/12), Bộ trưởng Bộ Y tế đã có công điện tiếp tục triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19, trong đó, nêu cụ thể từng biện pháp tại các tỉnh, thành phố, bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID-19./.