Báo động về sự “nhũng nhiễu”, “lạm quyền” của cơ quan nhà nước

Khi dư luận vừa mới thở phào về việc “chủ quán cà phê Xin chào đã được giải oan”, các cán bộ vi phạm đã bị xử lý, thì mới đây, vụ việc về Công ty CP Thương mại và Đầu tư Công nghệ Thủ Đô bị chậm hoàn thuế dẫn đến nguy cơ phá sản lại một lần nữa làm chúng ta suy nghĩ về cách hành xử của các cơ quan công quyền đối với người dân và doanh nghiệp.

Tại buổi gặp mặt với báo chí ngày 05/05/2016 vừa qua, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, những vụ việc gây bức xúc xảy ra thời gian vừa qua cho thấy, có một số cán bộ, công chức đã lạm quyền khi thực thi công vụ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Mặt khác, cũng cho thấy tình trạng một số cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn khi thi hành nhiệm vụ, nhưng thoái hoá, biến chất, tiêu cực hoặc hạn chế về trình độ, năng lực, xử lý công việc thiếu trách nhiệm, tùy tiện, vô nguyên tắc.

Trên thực tế, sự nhũng nhiễu, lạm quyền của các cán bộ nhà nước không phải bây giờ mới xuất hiện, mà đã có từ lâu và đã có rất nhiều báo cáo về doanh nghiệp phản ánh điều này.

Điển hình như báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố ngày 31/03/2016 cho thấy, 65% doanh nghiệp khảo sát cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến, tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức tăng qua các năm, từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015). Hơn 11% doanh nghiệp tham gia điều tra năm 2015 cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ.

Hay như trong báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) do Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) công bố ngày 17/04/2016, chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” giảm 3% điểm so với năm 2014. Các chỉ tiêu đo mức độ hối lộ trong trường tiểu học công lập và trong dịch vụ hành chính công về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều cho thấy tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, “chung chi”, “bồi dưỡng thêm” để nhận được dịch vụ tốt hơn có xu hướng gia tăng.

Số liệu thống kê cho thấy, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong năm 2015, cả nước có 94.754 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng cũng có đến 80.858 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động. Mới nhất, 4 tháng đầu năm 2016, có thêm 34.721 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng cũng giải thể, tạm ngừng hoạt động lên đến 28.894 doanh nghiệp.

Như vậy, với thực trạng hoạt động trên, doanh nghiệp được sự hỗ trợ của Nhà nước còn khó có thể cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài mạnh về tài chính, dày dặn về kinh nghiệm kinh doanh..., huống chi còn bị “hành”, bị “vùi dập” không thương tiếc như hiện nay.

Doanh nghiệp được sự hỗ trợ của Nhà nước còn khó cạnh tranh, huống chi là bị "hành"

Trông chờ vào những biện pháp mạnh mẽ hơn từ Chính phủ

Có thể thấy, nạn tham nhũng, hối lộ, lạm quyền ở Việt Nam vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi đó, các thiết chế kiểm soát quyền lực, phát huy quyền làm chủ của dân chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, chưa tạo được áp lực đủ mạnh để đẩy lùi sự lạm quyền. Vì vậy, để điều chỉnh hành vi của những người có quyền thì việc xây dựng quy tắc pháp luật với những chế tài, hình phạt nghiêm khắc và các thiết chế kiểm soát quyền lực là việc làm cấp thiết hiện nay.

Trả lời phỏng vấn trên báo Nhân dân, ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, nguyên nhân chính của tình trạng lạm quyền trong thi hành công vụ bắt nguồn từ sự quá cồng kềnh, thủ tục hành chính nhiều nơi còn nhiêu khê. Để ngăn chặn, cần có cải tổ bộ máy hành chính, giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính; song song đó, hoàn thiện, đổi mới thể chế và có chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi sai trái.

“Tôi đã từng phát biểu trước Quốc hội, rằng nếu còn tình trạng 1 ông nông dân cõng 4 ông công chức béo thì lạm quyền trong thi hành công vụ còn diễn ra và người dân, doanh nhân còn khổ”, ông Đương nhấn mạnh.

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khâu giám sát việc thực thi luật của cơ quan ban hành còn hạn chế. Chính vì vậy, để ngăn chặn được tình trạng tham nhũng, lạm quyền, thì cần doanh nghiệp mạnh dạn lên tiếng. Muốn vậy, bên cạnh những buổi đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp như Thủ tướng Chính phủ vừa thực hiện thì còn phải có kênh ghi nhận phản hồi thường xuyên do bộ máy giúp việc của Thủ tướng đảm nhận (Minh Tâm, 2016).

“Nên chăng có tổ đặc nhiệm thi hành nhiệm vụ. Tổ này phải hoàn toàn độc lập với các bộ, ngành và phải thật cương quyết để có thể ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để từ đó kiến nghị, đề xuất những giải pháp, chính sách tháo gỡ”, bà Phạm Chi Lan nêu ý kiến.

Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/05/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Trong đó, Nghị định nêu rõ quán triệt cán bộ công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường thanh tra công vụ; kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về các vi phạm của công chức, viên chức trong phạm vi quản lý.

Với những động thái trên của Chính phủ, hy vọng tình trạng nhũng nhiễu, lạm quyền của các cơ quan nhà nước và cán bộ công quyền sẽ được ngăn chặn, từ đó lấy lại được niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp vươn tới mục tiêu đến năm 2020, cả nước có khoảng một triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế./.

Tham khảo từ:

1. Minh Tâm (2016). Nên chấm dứt các công văn, chỉ thị thay thế luật, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/146253/Nen-cham-dut-cac-cong-van-chi-thi-thay-the-luat.html

2. N.Quyết - B.Trân - P.Nhung (2016). Lạm quyền làm khổ dân, truy cập từ http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/lam-quyen-lam-kho-dan-20160423221459657.htm