Kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc

“Kết quả xử lý nợ xấu thời gian qua chưa thực sự vững chắc. Thực trạng xử lý nợ xấu cho thấy, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới…”, Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), cảnh báo khi Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, theo Văn phòng Quốc hội.

Nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng…
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng đặt vấn đề, liệu có tình trạng dòng tiền rẻ từ ngành ngân hàng bơm ra một phần đáng kể đã tràn vào thị trường chứng khoán? (ảnh: Quốc hội)

Ông Đồng phân tích, nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên, trong đó một phần đáng kể là dòng tiền dễ dãi đã và đang tìm tới các kênh đầu tư, các nhóm tài sản rủi ro không được khuyến khích như: bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng nêu vấn đề, đòn bẩy tài chính mà các nhà đầu tư sử dụng vốn ngân hàng hoạt động thế nào, nợ xấu ngân hàng trong các lĩnh vực rủi ro này ở mức bao nhiêu và sẽ còn gia tăng như thế nào trong thời gian tới?”

“Liệu có tình trạng dòng tiền rẻ từ ngành ngân hàng bơm ra một phần đáng kể đã tràn vào thị trường chứng khoán nói riêng, thị trường bất động sản và nhiều thị trường tài sản tài chính nói chung. Trong khi đó, khu vực kinh tế thực đang bị co hẹp...?”, ông Đồng đặt vấn đề.

Ông nhìn nhận, thu ngân sách nhà nước từ các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản tăng đột biến. Đây cũng là một phần câu trả lời cho câu hỏi vì sao ngân sách nhà nước tăng cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch. Những hệ lụy dễ thấy, dễ hiểu là thị trường tài chính, tiền tệ đã bị bóp méo và đang gia tăng, tích tụ rủi ro, làm tăng tính dễ tổn thương cho hệ thống tài chính, ngân hàng… Do đó, cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 đến cuối năm 2023, để tránh bị khoảng trống pháp lý trong thời gian đợi gia cố khung khổ pháp luật về xử lý nợ xấu.

Nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng…
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long, nếu kéo dài cơ chế theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, có thể sẽ tạo ra tâm lý cho ngân hàng thương mại kinh doanh có lãi thì hưởng, còn lỗ, nợ thì đã có nhà nước lo (ảnh: Quốc hội)

Cũng nhìn nhận việc tiếp tục cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 là cần thiết, nhưng tranh luận tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (Đồng Nai) băn khoăn, phải chăng cơ chế này đang tạo ra một thứ bao cấp cho hoạt động đối với thị trường tín dụng? Nếu cơ chế này kéo dài có thể sẽ tạo ra tâm lý cho ngân hàng thương mại kinh doanh có lãi thì hưởng, còn lỗ, nợ thì đã có nhà nước lo. Phương thức để xử lý nợ xấu phải tạo ra là yếu tố tự thân cho tất cả các tổ chức tín dụng, qua đó phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động, chứ không thể trông chờ mãi vào biện pháp bao cấp của nhà nước như trong thời gian qua.

“Đề nghị Chính phủ, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá kỹ tất cả những tác động cả thuận lẫn nghịch của cơ chế này. Trong bất kỳ một nền kinh tế nào, khi có nợ tăng cao, đe dọa đến nền kinh tế và gây bất ổn, thì nhà nước phải can thiệp. Tuy nhiên, quá trình này luôn luôn gắn liền với việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng. Đây là một cuộc thanh lọc rất gắt gao, các ngân hàng thương mại phục hồi hiệu quả thì tồn tại, còn không sẽ bị thải loại…”, ông Long đề xuất.

Cần luật hóa quy định về xử lý nợ xấu

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa), trong quá trình triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tác động, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết, từ đó đề xuất những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng…
Theo Đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa), trong quá trình triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 vẫn còn những khó khăn (ảnh: Quốc hội)

“Để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực thi hành, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn kéo dài thực hiện Nghị quyết cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá các vấn đề thực tiễn đặt ra, đề xuất luật hóa quy định về xử lý nợ xấu, nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong phát triển sản xuất kinh doanh…”, bà Mẫn đề xuất.

Đồng tình với kéo dài thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 theo đề xuất của Chính phủ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) cũng đề nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện và triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực thi tác nghiệp giữa các cơ quan, khắc phục các hạn chế trong triển khai Nghị quyết thời gian qua. Đề nghị Quốc hội sớm luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, bởi những kết quả Nghị quyết mang lại đã chứng minh tính đúng đắn, cần thiết của việc ban hành quy định pháp luật cho công tác xử lý nợ xấu.

Chưa yên tâm với việc triển khai tiếp các cơ chế hiện hành tại Nghị quyết số 42/2017/QH14, theo Đại biểu Quốc hội Lê Đào An Xuân (Phú Yên), cần xem xét, bổ sung đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết, trong đó có việc xử lý các khoản nợ xấu mới phát sinh từ sau thời hiệu của Nghị quyết số 42/2017/QH14, bổ sung các quy định về xử lý đối với các khoản nợ xấu không còn tài sản đảm bảo.../.