Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã khai mạc hôm nay (ngày 15/1). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên khai mạc.

Nội dung Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội có ý nghĩa căn cơ, chiến lược
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên khai Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ quy định của Hiến pháp, pháp luật và tình hình thực tiễn sau quá trình chuẩn bị khẩn trương, kỹ lưỡng, trách nhiệm và quyết tâm cao, ngày 15/1, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp bất thường lần thứ 5 để xem xét quyết định 4 nội dung rất quan trọng, nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, các tổ chức tín dụng và kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Nội dung Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội có ý nghĩa căn cơ, chiến lược
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định những nội dung quan trọng sau: dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện Nghị quyết về giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 6; xem xét, cho ý kiến và quyết định một số nội dung quan trọng, cấp thiết về tài chính, ngân sách.

Trong đó, Luật Đất đai là dự án Luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng có nhiều nội dung chuyên sâu, có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng 2 lần tại phiên họp thứ 29 (tháng 1/2024).

Theo Chủ tịch Quốc hội, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 diễn ra trong những ngày đầu năm mới 2024 - năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và hướng tới Đại hội XIV của Đảng. Những nội dung được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ, mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài.

Nội dung Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội có ý nghĩa căn cơ, chiến lược
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng để Kỳ họp hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình với sự thống nhất, đồng thuận cao

“Đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết đạt chất lượng cao nhất để Quốc hội xem xét, quyết định…”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Để các nội dung trình kỳ họp bất thường lần này của Quốc hội đáp ứng yêu cầu đặt ra, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện nhiều nội dung mới, đáp ứng sát yêu cầu bức thiết của cuộc sống. Điều đó cho thấy, tính chất họp bất thường của Quốc hội đang dần trở nên không còn “bất thường”, bởi đây là yêu cầu khách quan để đáp ứng đòi hỏi cao của thực tiễn trong bối cảnh kinh tế - xã hội nước ta ngày càng đối diện với nhiều yếu tố bất định, khó lường của bối cảnh quốc tế và khu vực./.