Tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

“Thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Chính phủ báo cáo về quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, khi trình bày Tờ trình về QHTTQG thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại Phiên họp 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều nay (ngày 21/12) để cho ý kiến về nội dung này.

Phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, QHTTQG nêu định hướng phát triển các vùng động lực quốc gia, hành lang kinh tế

Theo Bộ trưởng, QHTTQG nêu rõ các quan điểm phát triển và tổ chức không gian phát triển. Mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế...

Về các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030, trong đó vùng Đông Nam Bộ tăng khoảng 8-8,5%/năm, vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD...

Về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, Bộ trưởng cho biết, sẽ hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa - xã hội, hạ tầng thủy lợi... Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.

Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao.

Liên quan đến định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, QHTTQG nêu định hướng phát triển các vùng động lực quốc gia, hành lang kinh tế; định hướng phát triển không gian biển; định hướng sử dụng đất quốc gia; định hướng khai thác và sử dụng vùng trời; tổ chức không gian phát triển vùng và định hướng liên kết vùng.

Về giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch, Bộ trưởng cho biết, trong QHTTQG đã dự báo tổng nhu cầu và cơ cấu vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch, xây dựng hệ thống giải pháp để huy động nguồn lực từ các khu vực kinh tế; đồng thời dự báo nhu cầu lao động cho nền kinh tế và đề xuất các giải pháp về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực…

Hồ sơ QHTTQG được nghiên cứu, xây dựng rất công phu, nghiêm túc

Trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Hồ sơ QHTTQG được nghiên cứu, xây dựng rất công phu, nghiêm túc với nhiều thông tin chi tiết, cụ thể và cơ bản đáp ứng yêu cầu về danh mục tài liệu theo quy định tại Điều 35 của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, hoàn thiện để bảo đảm sự thống nhất về nội dung và số liệu đưa ra giữa Tờ trình, dự thảo Nghị quyết, Báo cáo tóm tắt, Báo cáo tổng hợp, hệ thống bản đồ, sơ đồ và các tài liệu kèm theo.

Phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, QHTTQG được xây dựng cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, QHTTQG được xây dựng cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, QHTTQG là một nội dung hết sức quan trọng. Chính phủ đã tiếp thu rất tốt ý kiến của Trung ương. Sau khi có ý kiến thẩm tra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, hoàn thiện nội dung rất tốt; đề nghị chắt lọc, cập nhật luôn vào Tờ trình. Đồng thời, Chính phủ cần làm rõ thêm nội dung về vị trí, vai trò của QHTTQG đối với hệ thống quy hoạch ngành.

Về nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần phân tích, đánh giá sâu hơn về các yếu tố thuận lợi, khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện địa hình, tài nguyên, khoáng sản, khí hậu, dân số, tài nguyên nhân văn và các yếu tố khác như: khoa học công nghệ, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lực cạnh tranh, thể chế quốc gia và văn hóa truyền thống dân tộc, dân số và xu hướng dịch chuyển dân cư… Đồng thời, cần đưa ra nhận định các điều kiện, yếu tố này tác động (tích cực, tiêu cực) như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội quốc gia trong thời gian tới; bảo đảm tính xuyên suốt, thống nhất các nội dung phân tích, đánh giá từ hiện trạng, kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra với đề xuất các giải pháp tương ứng được nêu trong Báo cáo.

Liên quan đến tính khả thi và điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để thực hiện QHTTQG, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân đối các giải pháp, nguồn lực thực hiện Quy hoạch bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…/.