Phản hồi ý kiến không đồng tình tăng thuế xuất khẩu phôi thép, Bộ Tài chính nói gì?
Sau khi nhận được văn bản góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020 về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên cơ sở tập hợp ý kiến của doanh nghiệp, Bộ Tài chính vừa có ý kiến phản hồi.
Theo VCCI, dự thảo dự kiến điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép từ 0% lên 5%. Cái lý mà cơ quan soạn thảo đưa ra đề xuất này là nhằm hạn chế việc xuất khẩu phôi thép để giữ cho sản xuất trong nước, từ đó ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá trên thị trường. Tuy nhiên, lập luận này chưa thuyết phục do thị trường trong nước dường như không thiếu phôi thép. Điều này thể hiện qua năng lực sản xuất phôi thép của Việt Nam đang tăng trưởng tốt: công suất đạt 24 triệu tấn/năm. Năm 2020, sản lượng phôi thép đạt 17,21 triệu tấn, còn 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng đạt 7,13 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó nhập khẩu phôi thép có xu hướng giảm mạnh: nhập khẩu năm 2020 giảm 97,5% so với năm 2019, xuống 1,2 triệu USD; 5 tháng đầu năm 2021, giá trị nhập khẩu giảm mạnh chỉ còn 252.000 USD.
Nguồn cung phôi thép trong nước không thiếu, nên việc tăng thuế suất thuế xuất khẩu không chắc có thể giảm giá phôi thép trong nước, qua đó khó tác động giảm giá thép thành phẩm như mục tiêu đề ra. Trong khi đó, tăng thuế suất có thể trực tiếp ngay lập tức tác động đến giá và lợi nhuận của các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sản xuất phôi thép. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá lại nguyên nhân dẫn đến giá thép xây dựng tăng cao, đồng thời rà soát, đánh giá toàn diện tác động của việc điều chỉnh thuế với phôi thép, từ đó xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp…
Tập đoàn Hòa Phát là một trong hai doanh nghiệp xuất khẩu phôi thép lớn nhất cả nước. Ảnh: HPG |
Trước đề xuất trên, Bộ Tài chính cho hay, việc tăng giá phôi thép thời gian qua, theo đánh giá của Bộ Công Thương và Hiệp hội Thép Việt Nam chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới tăng cao và sản xuất phôi thép trong nước phần lớn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là quặng sắt và thép phế liệu. Trên 90% quặng để sản xuất phôi trong nước hiện nay là từ nhập khẩu.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Công Thương, VCCI, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất thép, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, rà soát để có mức thuế suất phù hợp đối với mặt hàng phôi thép. |
Dẫn số liệu của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cho biết, năm 2021 phôi thép các loại trong nước sản xuất dự kiến đạt khoảng 21,2 triệu tấn, đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và dành cho xuất khẩu. Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy năm 2020, xuất khẩu phôi thép đạt khoảng 4 triệu tấn và 6 tháng đầu năm nay đạt 1,7 triệu tấn (giảm 9% so với cùng kỳ năm trước). Năm 2020, hai doanh nghiệp sản xuất phôi thép xuất khẩu lớn nhất là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) xuất khẩu 1,65 triệu tấn và Công ty Formosa xuất khẩu 1,48 triệu tấn, chiếm hầu hết sản lượng phôi xuất khẩu của cả nước.
Cũng theo Bộ Tài chính, về sản lượng sản xuất, thông tin của Bộ Công Thương cho thấy, trong nước sản xuất phôi thép đang dư thừa công suất. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng việc đề tăng thuế xuất khẩu phôi thép sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất phôi thép do dư thừa công năng, làm gia tăng hàng tồn kho. Nguồn cung phôi thép sản xuất trong nước đang dư, nên việc tăng thuế xuất khẩu phôi thép cũng chưa hẳn sẽ góp phần làm giảm giá thành thép thành phẩm. Để thúc đẩy ngành thép phát triển bền vững, hạn chế việc khai thác nguồn điện giá rẻ để sản xuất phôi thép cần phải có các giải pháp tổng thể khác. Do đó, trên cơ sở ý kiến của Bộ Công Thương, VCCI, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất thép, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, rà soát để có mức thuế suất phù hợp đối với mặt hàng phôi thép./.
Bình luận