Tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” vẫn nhức nhối
"Những năm qua, ngành Ngân hàng luôn tiên phong, đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số giúp cho người dân, doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích từ các dịch vụ như: mở tài khoản trực tuyến, vay tiền trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt… Bên cạnh những kết quả, đánh giá dưới góc độ rủi ro, lừa đảo, rửa tiền, tội phạm liên quan đến 'tín dụng đen'… vẫn rất nhức nhối, chưa giải quyết được ngay.", Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nhìn nhận, tại Lễ ký Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước vừa diễn ra.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, đánh giá dưới góc độ rủi ro, lừa đảo, rửa tiền… vẫn nhức nhối (ảnh: sbv) |
Cũng theo ông Ngọc, với Kế hoạch phối hợp bao gồm 11 nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có nhiệm vụ triển khai được ngay; có nhiệm vụ cần phối hợp giữa 2 ngành để hoàn thiện giải pháp công nghệ, kỹ thuật; có nhiệm vụ cần phải thí điểm triển khai để đánh giá hoàn thiện giải pháp...
Mục đích của Kế hoạch phối hợp là tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 đối với ngành Ngân hàng, đảm bảo 05 nhóm tiện ích phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.
Quá trình triển khai phải thực hiện đúng quy định, có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao phục vụ mục tiêu phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phù hợp với yêu cầu thực tế, đặc thù, đặc điểm trong lĩnh vực ngân hàng.
Cũng theo Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước bố trí nhân lực, kỹ thuật, các điều kiện đảm bảo khác chủ động phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và các đơn vị thuộc Bộ Công an triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trong Kế hoạch. Đồng thời, nghiên cứu, áp dụng đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân mà Chính phủ vừa mới ban hành tại Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023. Quá trình triển khai thực hiện khẩn trương tập hợp những khó khăn, vướng mắc, chủ động trao đổi, phối hợp, báo cáo Tổ công tác triển khai Đề án 06 kịp thời tháo gỡ.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Kế hoạch phối hợp triển khai Đề án 06 giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an là tiền đề hết sức quan trọng để tiếp nối và phát triển sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan trong thực thi nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao phó. Với 11 đầu việc lớn và 35 đầu việc cụ thể đã được chi tiết hóa từng nội dung công việc, phân công đơn vị đầu mối và các đơn vị phối hợp, có thời hạn hoàn thành cụ thể, Kế hoạch phối hợp triển khai Đề án 06 sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho cả các đơn vị Bộ Công an và đơn vị thuộc ngành Ngân hàng, góp phần thực hiện mục tiêu tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia nói chung, cũng như chuyển đổi số ngân hàng nói riêng.
"Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Công an triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trong Kế hoạch, đồng thời, nghiên cứu, áp dụng đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân mà Chính phủ vừa mới ban hành tại Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân…", bà Hồng cam kết./.
Bình luận