Phát triển hoa cây cảnh, ngành kinh tế làm giàu, đẹp môi trường sống
Nhằm tăng cường liên kết sản xuất kinh doanh hoa cây cảnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) và Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội phối hợp cùng Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh Hà Nội, Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, Câu lạc bộ Đổi mới sáng tạo ngành rau hoa quả tổ chức hội thảo "Phát triển hoa cây cảnh – Ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh".
Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan quản lý, nghiên cứu, Hiệp hội chuyên ngành, các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội cùng hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, Nghệ nhân, Doanh nhân, Chủ nhà vườn sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ Hoa Cây cảnh đến từ các tỉnh/thành phố trong cả nước.
Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia đa dạng sinh học và có truyền thống phát triển hoa cây cảnh lâu đời bậc nhất trên thế giới. Tiếp nối những giá trị của phong trào "Tết Trồng cây" do Bác Hồ khởi xướng những năm 60 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển Hoa cây cảnh thành ngành kinh tế sinh thái gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày 03/09/1999, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển rau, hoa quả giai đoạn (1999 – 2010); Ngày 08/06/2004, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo về Phát triển Sinh Vật Cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái (Văn bản số 116/TB – VPCP); Ngày 04/05/2009, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng có chỉ đạo về phát triển Sinh Vật Cảnh thành ngành kinh tế sinh thái giá trị cao (Văn bản số 485/TB – VPTW); Ngày 12/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ – CP, trong đó chính thức xác định hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh trở thành một trong bảy ngành nghề phát triển nông thôn.
Đến nay cả nước có khoảng 35 nghìn ha tập trung chuyên canh hoa và cây cảnh, phân bổ đều ở cả hai miền. Trong vòng 10 năm (2005-2015), diện tích hoa đã tăng hơn 2,3 lần, giá trị sản lượng tăng 7,2 lần, đạt 6.500 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu trên 60 triệu USD. Mức tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị ha gấp ba lần, hình thành nhiều mô hình sản xuất hoa, cây cảnh đạt từ 800 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm ở Lào Cai, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp…Tuy nhiên sự phát triển đó, chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng. Hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh còn manh mún, tự phát; Ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; Thị trường hoa cây cảnh xuất hiện những diễn biến phức tạp (nhất là luồng ý kiến trái triều về hoạt động sản xuất và kinh doanh hoa lan đột biến trong thời gian vừa qua).
Nhiều góc nhìn và gợi mở giải pháp đã được đưa ra tại hội thảo nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước, báo chí và dư luận có thêm những đánh giá khách quan, đa chiều, cũng như khẳng định đúng mức vị trí, vai trò của ngành hoa cây cảnh. Hội thảo cũng chứng kiến sự ra mắt ban vận động thành lập Hiệp hội sản xuất và kinh doanh Hoa lan Việt Nam; ký cam kết đồng hành cùng Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh của Chính phủ, gắn với việc học tập và làm theo tinh thần "Tết Trồng cây" do Bác Hồ phát động.
Hội thảo còn là hoạt động thiết thực Chào mừng 46 năm Giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021); Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 và hướng tới Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021)./.
Bình luận