Chăn nuôi giống Dê Thái ở Lâm Đồng - Mô hình cần được nhân rộng trong phát triển KTTT của thanh niên
Ở Lâm Đồng những năm gần đây đã triển khai nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi tằm, bò, heo... kết hợp với trồng trọt, và mới đây là mô hình trang trại nuôi dê với nhiều triển vọng.
Xuất phát từ nghề trồng cây cà phê, thế nhưng con đường đến với kinh tế trang trại mà tiêu biểu là trang trại nuôi giống dê Thái của gia đình anh thanh niên Phạm Văn Cường ở thôn 8, Xã Gia Hiệp, Huyện Di Linh, Tỉnh Lâm Đồng, lại hứa hẹn nhiều triển vọng đáng kể.
Anh Cường cho biết: “Từ khi quyết định nuôi dê, tôi đã dành nhiều thời gian lên mạng để tìm hiểu về nhu cầu dê trên thị trường, kỹ thuật xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi…; đồng thời, cử hai em trai đi sang Thái Lan để vừa tìm hiểu thêm về quy trình kỹ thuật nuôi dê tại đây vừa tuyển chọn mua 600 con dê giống (tên thường gọi là dê Boer) về nuôi. Vì thị trường nội địa không đáp ứng được con giống và giá thành lại quá cao (420.000 đồng/kg dê giống), còn mua trực tiếp tại Thái Lan chỉ 220.000 đồng/kg (tính cả phí vận chuyển về Việt Nam).
Ưu điểm của dê Boer có nhiều lợi thế hơn so với dê Bách Thảo, là có thân hình to, khỏe; có sức đề kháng tốt với một số bệnh tật; ăn khỏe; sức tăng trọng nhanh... Trọng lượng bình quân của một con dê đực đạt từ 150 - 160kg, con dê cái đạt từ 70 - 80kg.
Đây là mô hình chăn nuôi mới với hình thức kinh tế trang trại đầu tiên tại huyện Di Linh. Đến nay, trang trại này đã có hơn 1000 con dê giống với vốn đầu tư đã lên đến hơn 10 tỷ đồng”.
Anh Cường cho biết thêm, dê Boer có đặc điểm sinh trưởng cũng tương tự như các loại giống dê tại Việt Nam. Ngoài thức ăn thô (cỏ), dê còn được bổ sung các loại thức ăn tinh bột, cám… Bình quân cho dê ăn 3 lần/ngày (sáng, trưa và tối). Từ khi sinh ra khoảng 1 năm, dê cái bắt đầu bước vào chu kỳ sinh sản. Một năm dê đẻ 2 lứa, lứa đầu tiên dê chỉ đẻ được 1 con và từ lứa thứ 2 trở đi đẻ từ 1 - 3 con.
Vì đang trong giai đoạn kiến thiết, nên hiện nay trang trại dê của anh Cường chủ yếu đang gây dựng dê giống, chưa có dê thương phẩm. Hiện trong số 600 con dê nói trên, chỉ có 10 con dê đực, còn lại là con dê cái. Tính đến thời điểm này, 50 - 60% con dê cái đang mang thai và bắt đầu sinh con.
Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục mở rộng trang trại với diện tích 2ha, phấn đấu đến năm 2017, trang trại sẽ đi vào hoạt động ổn định và có qui mô nuôi lên đến từ 3 - 5 nghìn con.
Theo đánh giá của ngành chăn nuôi địa phương: Đây là mô hình chăn nuôi mới theo hướng trang trại. Tuy mới triển khai nhưng đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt. Trang trại nằm cách xa khu vực dân cư, nên hạn chế được dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh chuồng trại, xử lý ô nhiễm môi trường được đơn vị thực hiện nghiêm ngặt và đúng theo qui trình của ngành chăn nuôi.
Từ những hiệu quả của các mô hình phát triển kinh tế trang trại tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, có thể thấy đây thực sự là hướng đi bền vững cho thanh niên địa phương trong việc phát triển mô hình kinh tế tập thể. Bởi nó giảm được áp lực lao động việc làm, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp mà còn góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, góp phần quan trọng trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Bình luận