Quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu DN và thoái vốn nhà nước
Hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn thu
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện nay, toàn bộ nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập và nguồn thu từ thoái vốn nhà nước được thu tập trung về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để chi phục vụ cho quá trình sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và chi chuyển vào ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển theo Nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thời gian qua vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn. Bộ Tài chính thấy rằng, việc ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp và thoái vốn nhà nước là cần thiết nhằm hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn thu này. Khoản thu này phải nộp đầy đủ, kịp thời và phải được đưa vào dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn, ưu tiên đầu tư cho các dự án quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, đồng thời đảm bảo nguồn lực hỗ trợ quá trình cơ cấu lại, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước.
Nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước sẽ nộp trực tiếp về ngân sách nhà nước.
Nguyên tắc quản lý nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước
Theo dự thảo, nguyên tắc quản lý nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước, như sau:
Quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước, trong đó ưu tiên sử dụng để chi cho đầu tư phát triển theo kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo Nghị quyết của Quốc hội đối với ngân sách trung ương và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với ngân sách địa phương.
Các khoản thu, chi từ nguồn thu chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước phải được lập dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan phải đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ báo cáo và nộp đầy đủ tiền thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước theo quy định của pháp luật. Việc xử lý các khoản chậm nộp về ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định pháp luật về thuế.
Quản lý nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước
Đối với quản lý nguồn thu, Bộ Tài chính đề xuất, nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ về cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập), thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ làm đại diện chủ sở hữu được nộp ngân sách trung ương mở tại Kho bạc nhà nước. Nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đại diện chủ sở hữu được nộp về ngân sách địa phương mở tại Kho bạc nhà nước.
Các khoản thu về ngân sách nhà nước theo phân cấp trung ương và địa phương gồm: Các khoản thu về chuyển đổi sở hữu, thoái vốn nhà nước sau khi trừ các chi phí liên quan theo quy định pháp luật về chuyển đổi sở hữu và thoái vốn nhà nước, cụ thể là thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập; tiền thu từ thoái vốn nhà nước sau khi trừ các chi phí liên quan theo quy định; tiền thu từ chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm tại công ty cổ phần và quyền góp vốn tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Bên cạnh đó, còn các nguồn thu khác có liên quan, bao gồm cả: khoản chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ của các doanh nghiệp nhà nước không có kế hoạch đầu tư trong tương lai; khoản tiền lãi chậm nộp (nếu có).
Thời gian thực hiện nộp các khoản thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước
Theo dự thảo Nghị định, nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước sau khi nộp vào ngân sách nhà nước được ưu tiên bố trí dự toán chi cho các nội dung sau:
Các khoản chi thường xuyên để bù đắp, hỗ trợ cho quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, gồm: Chi hỗ trợ để giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư, tinh giản biên chế; Chi bù đắp chi phí liên quan đến cổ phần hóa và các hình thức sắp xếp, chuyển đổi khác; Chi bù đắp chi phí chuyển nhượng vốn nhà nước, chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm và quyền góp vốn.
Các khoản chi đầu tư phát triển gồm: Chi đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp nhà nước; Chi bổ sung vốn nhà nước cho doanh nghiệp; chi mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp; Các khoản chi khác theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội./.
Bình luận