Quy hoạch Trung du và miền núi phía Bắc phải thể hiện tính đặc thù và lợi thế so sánh của vùng
Theo Quyết định, phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính vùng trung du và miền núi phía Bắc, gồm 14 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình. Tổng diện tích là 9.518.414 ha.
Quy hoạch Trung du và miền núi phía Bắc phải thể hiện tính đặc thù và lợi thế so sánh của vùng |
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ phạm vi lập quy hoạch và những vấn đề của cả nước, quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp hoặc ảnh hưởng lớn đến vùng; những nội dung liên vùng như kết nối của vùng Trung du và miền núi phía Bắc với các vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và với cả nước; các hành lang, vành đai kinh tế, các cực tăng trưởng của vùng kết nối với các hành lang, vành đai kinh tế, các cực tăng trưởng của cả nước được xác định trong quy hoạch tổng thể quốc gia.
Về quan điểm lập quy hoạch, Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc phải mang tính định hướng cao, xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường mang tính chiến lược trên lãnh thổ toàn vùng, bảo đảm tính liên kết nội vùng và ngoại vùng.
Bảo đảm phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; tăng cường khả năng chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, thiên nhiên.
Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững như nằm trên hành lang kinh tế Bắc - Nam thuộc hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; là một trong những cửa ngõ thông ra biên và kết nối với ASEAN của các tỉnh miền Tây Trung Quốc. Đồng thời, đây cũng là vùng có nhiều cửa khẩu với nước láng giềng có thị trường lớn; tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú; có nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong nhiều năm qua, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là một trong những vùng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, ưu tiên trong chính sách đầu tư và phát triển. Cụ thể là: Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX ngày 1-7-2004 về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2010" và kết luận số 26-KL/TW ngày 2-8-2012 về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị khóa IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 đã mở đường cho việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút và phân bố các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của vùng. |
Bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành và các tiểu vùng, địa phương trong vùng; khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng, từng địa phương; gắn với việc hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo động lực phát triển, đảm bảo an toàn, an ninh cơ sở hạ tầng thiết yếu (hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng số) và thúc đẩy hoàn thành chính phủ số, kinh tế số, xã hội số làm động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Bảo đảm giảm thiểu các tác động tiêu cực do kinh tế - xã hội, môi trường gây ra đối với sinh kế cả cộng đồng dân cư. Quá trình lập quy hoạch cần kết hợp với các chính sách khác thúc đẩy phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn và đảm bảo sinh kế bền vững của người dân trong khu vực này.
Bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên; phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; thực hiện tái cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường của vùng; thực hiện thí điểm các công cụ chính sách mới, dựa vào thị trường để huy động sự tham gia của toàn xã hội trong bảo vệ môi trường, bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học của từng tiểu vùng, từng địa phương trong vùng.
Lập quy hoạch phải đảm bảo thể hiện tính đặc thù của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, lợi thế so sánh của vùng đối với các vùng khác trong cả nước. Bảo đảm phát huy nội lực của vùng, đồng thời thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ quốc tế. Đa dạng hóa nguồn lực để bảo đảm chất lượng môi trường tự nhiên và ứng phó với thiên tai trong vùng trên cơ sở công bằng, hiệu lực và hiệu quả.
Quyết định cũng nêu rõ, nội dung Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc phải đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.
Trong đó, phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng: Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của vùng; hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội; tài nguyên thiên nhiên, môi trường; hệ thống đô thị, nông thôn; kết cấu hạ tầng; liên kết nội vùng, liên kết vùng với khu vực và quốc tế; các nguồn lực của vùng đã và đang được khai thác, các tiềm năng chưa được khai thác; các nguy cơ và tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng; vị thế, vai trò của vùng đối với quốc gia; các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch vùng.
Nội dung quy hoạch cũng phải nêu rõ quan điểm và mục tiêu phát triển: Quan điểm về phát triển vùng, tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ vùng trong thời kỳ quy hoạch; mục tiêu tổng quát phát triển vùng trong thời kỳ quy hoạch 10 năm, tầm nhìn từ 20 đến 30 năm; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với tổ chức không gian phát triển vùng trong thời kỳ quy hoạch.
Cùng với đó là nội dung: Phương hướng phát triển ngành có lợi thế của vùng; phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bố nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng; phương hướng xây dựng hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng; phương hướng bảo vệ môi trường, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đối khí hậu trên lãnh thổ vùng;.../.
Bình luận