Hội nghị điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ hai với Chủ đề: Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức chiều 7/12 tại Văn phòng Chính phủ.

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng 2021-2023: Chú trọng giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bản Quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, giúp “mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển; trong đó chú trọng giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh. Ảnh: VGP

Tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng

Thay mặt Cơ quan thường trực của Hội đồng điều phối Vùng và cơ quan lập quy hoạch vùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng được lập trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt, hiện nay đã có 108/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch đã hoàn thành việc lập, trình thẩm định, phê duyệt; trong đó: có 19 quy hoạch cấp quốc gia, 01 quy hoạch vùng và 32 quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bản Quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, giúp “mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển, với tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng; trong đó chú trọng giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; tái tổ chức không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững.

"Quy hoạch vùng cũng là căn cứ quan trọng để đề xuất kế hoạch đầu từ công trung hạn giai đoạn 2026-2030, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng", Bộ trưởng nói.

Nhận thức được tầm quan trọng của quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nghiêm túc, bài bản, công phu, khoa học; đã tổ chức các Hội nghị xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; đã tổ chức các đoàn khảo sát và làm việc với 11 địa phương trong vùng, các cơ quan, đơn vị chuyên môn của các Bộ, ngành trung ương. Ngày 15/9/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi Hồ sơ quy hoạch vùng để xin ý kiến các cơ quan liên quan. Trên cơ sở tiếp thu hợp lý các ý kiến tham gia, ngày 03/11/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình số 9195/TTr-BKHĐT gửi Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng.

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng 2021-2023: Chú trọng giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ hai với Chủ đề: Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: VGP

Nhận diện, đề xuất 6 định hướng phát triển trọng tâm

Đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước với hạt nhân là Thủ đô Hà Nội; có vai trò là 1 trong 2 “đầu tàu” kinh tế, cực tăng trưởng quốc gia; trung tâm chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ lớn nhất của cả nước. Phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng phải trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế nổi trội của cả Vùng, cũng như từng địa phương trong Vùng để trở thành vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả nước; đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng cho biết, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng đã nghiên cứu và đưa ra những nhận diện, đề xuất 6 định hướcng phát triển trọng tâm.

Một là, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại: điện tử, sản xuất phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ, các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính, ngân hàng, du lịch, viễn thông, đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu. Phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á. Phát huy vai trò trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao dẫn đầu cả nước, tập trung xây dựng một số ngành đào tạo mũi nhọn đạt trình độ khu vực, thế giới. Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ. Phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, có giá trị kinh tế cao, bền vững, sinh thái theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn.

Phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển. Phát triển khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng; chú trọng phát triển kinh tế biển khu vực Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.

Hai là, tổ chức không gian phát triển vùng hợp lý gồm: 03 hành lang quốc gia, kết nối quốc tế - 02 hành lang bổ trợ kết nối liên vùng - 01 hành lang ven biển - 02 vùng động lực phát triển - 02 tiểu vùng kinh tế - xã hội. Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Ba là, phát triển có trọng tâm, trọng điểm mạng lưới các khu vực kinh tế động lực, trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, trong đó Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh là tam giác tăng trưởng; phát triển các đô thị chủ đạo trên các tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng. Các chuỗi và chùm đô thị thuộc tiểu vùng Duyên hải Bắc bộ. Phát triển hệ thống đô thông minh, xanh, bền vững; lấy định hướng phát triển giao thông công cộng (theo mô hình TOD) làm cơ sở quy hoạch đô thị.

Bốn là, tập trung hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối hiệu quả các trung trung tâm kinh tế nội vùng, trong nước, quốc tế; mở ra không gian phát triển mới, tạo dư địa cho phát triển vùng. Tổ chức, sắp xếp hiệu quả vận tải đa phương thức; phát huy lợi thế về cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và các hành lang kết nối của vùng. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia có tính liên kết vùng, hạ tầng số, hạ tầng đô thị...

Phát triển mạng lưới hạ tầng y tế, giáo dục, văn hoá đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của Nhân dân. Đầu tư các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tại Hà Nội ngang tầm các trung tâm chuyên sâu kỹ thuật cao của khu vực và thế giới; gắn phát triển dịch vụ y tế với du lịch khám, chữa bệnh và nghỉ dưỡng. Đầu tư, phát triển một số trường đại học lớn, đa ngành trong vùng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho vùng và cả nước. Nâng cấp, hiện đại hoá một số bảo tàng lớn, trung tâm điện ảnh, nhà hát tại Hà Nội và các đô thị lớn trong vùng.

Năm là, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; tập trung giải quyết căn bản các vấn đề môi trường có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh nhất là ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, lưu vực sông; tình trạng ngập úng, rác thải, khí thải, ô nhiễm ở các đô thị lớn; cải thiện phục hồi chất lượng môi trường nước tại lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước. Tăng cường liên kết vùng trong bảo tồn, khai thác tài nguyên, đa dạng sinh học của các khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên cấp quốc gia gắn với phát triển du lịch. Ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học khu vực tiếp giáp các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc, vùng cửa sông Hồng, sông Thái Bình, các vùng ngập nước ven biển. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ứng phó, giải quyết các sự cố, phục hồi môi trường vùng ven biển.

Sáu là, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch, nhất là danh mục dự án liên kết vùng dự kiến ưu tiên đầu tư và các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng.

Về danh mục dự án, cần ưu tiên bố trí nguồn lực cho các các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối vùng như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng đô thị… Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đa dạng hoá các nguồn lực và hình thức đầu tư, trong đó chú trọng hình thức đối tác công – tư.

Thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiểm năng, lợi thế của vùng và tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

"Nghiên cứu, ban hành và thực hiện thí điểm các mô hình, cơ chế, chính sách mới về liên vùng; phát huy vai trò và khai thác hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế, hệ thống đô thị để tạo đột phá phát triển vùng", Bộ trưởng cho biết thêm./.

Khung định hướng Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030 Coi liên kết vùng là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển của các địa phương trong vùng Phát triển nhanh, bền vững vùng Đồng bằng sông Hồng để thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu… Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030: Hướng tới phát triển bền vững Tối ưu hóa các tiềm năng, lợi thế trong Vùng Đồng bằng sông Hồng