Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 3 diễn ra ngày 24/5/2024, tại tỉnh Phú Thọ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác quy hoạch, thể chế điều phối Vùng, triển khai các dự án quan trọng của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã được thực hiện tích cực; tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế.

Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030: Bản sắc-Sinh thái-Liên kết-Hạnh phúc
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: MPI

“Nút thắt” lớn trong phát triển vùng là liên kết nội vùng và liên vùng kém

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TDMNPB) là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Vùng là cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của Quốc gia với Trung Quốc, Lào và các nước ASEAN; có hệ thống nhiều cửa khẩu lớn, nhỏ, có tiềm năng phát triển các hoạt động kinh tế cửa khẩu, kết nối các địa phương khác trong cả nước về giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường Trung Quốc; là một trong những cửa ngõ để thông ra biển và kết nối với ASEAN của các tỉnh phía Tây Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế và trục kết nối vùng và khu vực.

Vùng được coi là “phên dậu” và “lá phổi” của Tổ quốc, có vai trò quyết định đối với an ninh nguồn nước và môi trường sinh thái, là nơi bảo vệ đa dạng sinh học và rừng đầu nguồn của cả vùng Bắc Bộ. Đồng thởi, đây cũng là an toàn khu, “cái nôi” của cách mạng Việt Nam, là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững, tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú; có nhiều di sản văn hoá đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ngay sau khi Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, trong đó đề ra 21 chỉ tiêu, 17 đề án, nhiệm vụ và 33 dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của vùng cần nghiên cứu, thực hiện đến năm 2030.

Đến nay, qua gần 2 năm triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW đã hoàn thành 05/17 nhiệm vụ, đề án, gồm: Phê duyệt Quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phê duyệt quy hoạch 14/14 địa phương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Hoàn thành việc thành lập, kiện toàn và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng vùng; Đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng mô hình thư viện cơ sở của Vùng; Đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc. Đối với 12 nhiệm vụ còn lại chưa hoàn thành là các đề án lớn về chính sách đặc thù phát triển Vùng, chính sách về thương mại biên giới, cụm liên kết ngành, quản lý môi trường và chia sẻ nguồn nước, …. đang được các Bộ, địa phương xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các cơ quan có liên quan.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, toàn Vùng đã hoàn thành 3 dự án (Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Nâng cấp cảng hàng không Điện Biên, tuyến Đoan Hùng - Phú Thọ), đang triển khai 15 dự án trên tổng số 33 dự án trọng điểm của Vùng (như Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng; cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La)…); 15 dự án còn lại trong Chương trình hành động đang được các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu để triển khai trong thời gian tới.

Tăng trưởng GRDP của Vùng năm 2023 đạt 6,53%, cao hơn so với 5 vùng còn lại và bình quân cả nước; đặc biệt là Bắc Giang, cao nhất cả nước với mức tăng là 13,5%, một số địa phương có mức tăng khá như Tuyên Quang (7,46%), Phú Thọ (7,45%);

Quy mô GRDP đạt 896 nghìn tỷ đồng; Cơ cấu GDRP của Vùng chuyển biến khá tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 78%. Thu ngân sách nhà nước toàn Vùng năm 2023 đạt 88 nghìn tỷ đồng, vượt 17% so với dự toán, 10/14 địa phương có số thu vượt so với dự toán; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 67 tỷ USD, tăng 39% so với thực hiện năm 2022.

Năm 2023 đã thu hút 143 dự án FDI mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD; toàn vùng có 23 khu công nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 65%, cao hơn bình quân cả nước (54%); Toàn vùng có hơn 5,4 triệu ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 54%, cao hơn bình quân cả nước (là 42%), đạt mục tiêu Nghị quyết của Chính phủ.

Ước Quý 1 năm 2024, kinh tế của Vùng vẫn ổn định và tăng trưởng ở mức khá: GRDP đạt 6,54% (dẫn đầu cả nước); kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 33 tỷ USD; tuy nhiên, thu NSNN chỉ đạt 26% dự toán, nguyên nhân do thu NSNN dựa nhiều vào thủy điện và những tháng đầu năm các nhà máy tập trung tích nước, công suất phát điện thấp.

Về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các Bộ, ngành đã nỗ lực tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho Vùng, cụ thể như Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ trong đó 09 dự án quan trọng của Vùng được áp dụng; Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với 08 chính sách đặc thù; Luật Đất đai, trong đó phân cấp cho Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng, bãi bỏ thủ tục phê duyệt chủ trương chuyển đổi rừng, đây là chính sách sẽ tháo gỡ rất nhiều cho các địa phương trong Vùng.

Về triển khai các hoạt động Hội đồng điều phối Vùng, đến nay đã cơ bản hoàn thành 10/16 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 63%, đó là các nhiệm vụ về công tác quy hoạch, kiện toàn, xây dựng bộ máy điều phối vùng ở các cấp, các nhiệm vụ còn lại về rà soát cơ chế chính sách đặc thù, xây dựng các đề án về phát triển các ngành, lĩnh vực đang được các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, thực hiện.

Một trong những “nút thắt” lớn trong phát triển vùng là liên kết nội vùng và liên vùng kém, đặc biệt theo theo phương ngang (Đông - Tây). Khoảng cách và thời gian di chuyển giữa các tỉnh còn nhiều bất cập, khó có sự liên kết giữa các hoạt động kinh tế - xã hội và chia sẻ các hạ tầng xã hội, dịch vụ công giữa các tỉnh trong vùng, kể cả với một số tỉnh trong cùng tiểu vùng. Những liên kết liên vùng mang tính chiến lược còn thiếu hoặc trong tình trạng chậm đầu tư. Hơn nữa, so với cả nước, vùng TDMNPB là vùng có năng suất lao động ở mức thấp. Tỉ lệ lao động qua đào tạo dưới mức trung bình của cả nước và ngày càng tụt hậu.

Quy hoạch vùng có sự bứt phá hướng đến việc chủ động kiến tạo để phát triển

Nhận thức được quy hoạch phải đi trước một bước và cần có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn, đồng thời tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng triển khai xây dựng Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nghiêm túc, bài bản, công phu, khoa học và tuân thủ đúng quy định.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội nghị đã công bố Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030: Bản sắc-Sinh thái-Liên kết-Hạnh phúc
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bản Quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, với tư duy mới, tầm nhìn mới, có sự bứt phá hướng đến việc chủ động kiến tạo để phát triển; tập trung xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; mạnh dạn tái cơ cấu kinh tế, tổ chức lại không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 8 chữ Bản sắc – Sinh thái - Liên kết – Hạnh phúc để thể hiện nội dung của Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

* Bản sắc

Vùng TDMNPB là địa bàn có nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống với bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng, là dân tộc “đa số” thay vì quan niệm dân tộc thiểu số thông thường; nhiều di tích lịch sử, văn hóa có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương, tạo ra động lực mới cho sự phát triển vùng.

Quy hoạch vùng TDMNPB đã nhấn mạnh công tác giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa các dân tộc hướng tới xây dựng hệ thống đô thị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nhấn mạnh việc giữ chân nguồn nhân lực, phát triển du lịch và nông nghiệp dựa trên giá trị bản sắc của các cộng đồng bản địa.

* Sinh Thái

Tăng trưởng xanh là xu hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà tăng trưởng xanh còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên, đồng thời góp phần quan trọng vào thực hiện chống biến đổi khí hậu. Việt Nam nói chung và vùng TDMNPB nói riêng đang được đánh giá có rất nhiều tiềm năng về phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh, gắn với rừng và dịch vụ môi trường rừng. Để hướng tới hình mẫu phát triển xanh của cả nước, quy hoạch đã đề ra các nội dung gồm:

Thứ nhất, phát triển vùng trên cơ sở bảo đảm sinh thái bền vững. Vùng TDMNPB đóng vai trò trọng yếu là “phên dậu”, cửa ngõ phía Bắc của quốc gia, có vai trò quyết định đối với an ninh nguồn nước và môi trường sinh thái, là nơi bảo vệ đa dạng sinh học và rừng đầu nguồn của cả vùng Bắc Bộ. Do đó, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhất là tài nguyên rừng, khoáng sản, đất và nước cần được coi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là trung tâm trong các quyết định phát triển vùng.

Thứ hai, đề xuất hình thành các hành lang phát triển sinh thái liên tỉnh, liên vùng thông qua kết nối những khu vực sinh thái trọng điểm và rừng phòng hộ bằng những hành lang xanh; cải thiện chất lượng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ quanh khu vực rừng đặc dụng và các khu bảo tồn nhằm tăng đa dạng sinh học; triển khai rộng rãi các loại hình dịch vụ môi trường rừng mới như: Dịch vụ hấp thụ các-bon (tham gia thị trường tín chỉ các-bon), dịch vụ hệ sinh thái rừng và du lịch sinh thái rừng; coi đây là tiềm năng, lợi thế lớn cần khai thác hiệu quả.

* Liên kết

Coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển của các địa phương trong vùng. Liên kết vùng nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, lợi thế nhờ quy mô của cả vùng, nhất là lợi thế về kinh tế lâm nghiệp, giúp giải quyết những vấn đề phát triển chung của vùng, nhất là trong bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, bão, lũ và thích ứng với biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với các vùng trong cả nước. Nội dung về liên kết vùng trong bản Quy hoạch vùng đã tập trung vào:

Thứ nhất, tập trung phát triển hạ tầng kết nối vùng. Trong đó, ưu tiên các kết nối kết nối vùng với Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ và quốc tế; các kết nối Đông - Tây; kết nối quốc tế qua Lào; kết nối về phía biển, các sân bay, cảng và các cửa khẩu quan trọng, với việc ưu tiên nâng cấp các tuyến đường sắt liên vận với Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai và cửa khẩu Hữu Nghị; đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Đồng thời, liên kết để phát triển theo 05 hành lang kinh tế (Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Nội; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; Hà Giang - Tuyên Quang - Phú Thọ - Hà Nội; Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội), và khu vực động lực tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với vùng Thủ đô.

Thứ hai, là hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng và liên kết vùng đủ mạnh. Tăng cường vai trò của các địa phương trong Hội đồng điều phối vùng, bảo đảm liên kết vùng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các địa phương, trong đó tập trung vào những vấn đề then chốt như: (i) Điều tiết, cân bằng lợi ích giữa các địa phương như xử lý các xung đột về lợi ích, đặc biệt là trong phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; (ii) Điều hòa lợi ích của quốc gia và lợi ích của từng địa phương và (iii) Khuyến khích liên kết tự nguyện giữa các địa phương thông qua các chương trình hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và chính sách tạo thuận lợi, khuyến khích địa phương liên kết.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường phối hợp và liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực; chia sẻ, liên kết trong phát triển khoa học và công nghệ hướng vào giải quyết những vấn đề công nghệ đặt ra trong phát triển vùng; hình thành và tăng cường liên kết mạng lưới các trung tâm ứng dụng công nghệ cao.

Thứ tư, liên kết các địa phương trong khai thác tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch và kinh tế cửa khẩu; tích cực xử lý các vấn đề mang tính chất vùng như môi trường, sinh thái, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, an ninh nguồn nước, an ninh rừng.

* Hạnh phúc

Phát triển kinh tế phải đi kèm với tiến bộ, công bằng xã hội, bản quy hoạch này đã đề ra các định hướng nhằm giải quyết nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh biên giới, nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là y tế, giáo dục đào tạo; qua đó nâng cao sự hài lòng của Nhân dân về cuộc sống, trong đó có các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân; lấy sự hạnh phúc của người dân làm thước đo về sự thành công của định hướng phát triển./.